28 tuổi, 2 bằng cấp (một bằng đại học và một bằng thạc sĩ), một cuốn sách tự viết, 21 đất nước đã đặt chân đến, một startup là cách Vũ Thị Thái An, đồng sáng lập và CEO Tubudd tự giới thiệu về mình. Startup của cô ra đời tại Anh năm 2017 và chính thức hoạt động tại Việt Nam từ giữa năm 2018.
Với mô hình kết nối du khách nước ngoài và hướng dẫn viên bản địa, Tubudd đã đạt được một số giải thưởng về khởi nghiệp như Top 10 Techfest 2018; Top 10 Vietnam Startup Wheel 2019; giải ba VietChallenge 2019…
– Tốt nghiệp Học viện báo chí và tuyên truyền, sau đó đi học thạc sĩ tại Anh. Chị từng nghĩ sẽ không quay về Việt Nam?
– Trước khi du học, tôi xác định nếu đi chỉ vì bằng cấp thì sẽ không đi, bởi thời điểm đó tôi đã có một công việc rất tốt tại Việt Nam. Mục tiêu của tôi là đi để phát triển bản thân, chỉ khi làm được điều gì đó tôi mới trở về chứ không phải là định cư hẳn tại Anh.
– Những năm tháng ở nước ngoài đã giúp chị trưởng thành hơn như thế nào?
– Sau khi học xong, tôi ở lại Anh làm việc khoảng 2 năm. Công việc tại đây đã thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi hiểu hơn về kinh doanh cũng như tư duy của những người làm trong lĩnh vực này. Công việc đó không chỉ là một trường học mà còn là một trường đời, không phải chỉ lý thuyết như ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm kinh doanh, từ nhỏ đã sinh hoạt trong một gia đình có 20-30 người làm sales, tôi từng nghĩ họ thật “ầm ĩ và náo loạn”. Lớn lên tôi cũng rất ghét việc sales vì thấy rằng đó là công việc suốt ngày phải thuyết phục người khác mua hàng. Nhưng khi làm công việc này, tôi được thực hành hàng ngày, học được sự tỉ mỉ, cách trò chuyện và nhìn nhận con người. Sau 2 năm làm việc tôi lên đến chức trưởng phòng phát triển kinh doanh của công ty. Công việc dạy cho tôi nhiều điều về ngành sales, khiến tôi thay đổi cách nhìn và yêu thích ngành này hơn.
– Thành lập Tubudd tại Anh, tại sao chị lại quyết định đưa startup này về Việt Nam?
– Khi thành lập Tubudd tại Anh, tôi và các đồng sáng lập gặp nhiều khó khăn, từ tài chính, cách thức làm việc, nhân sự… Tôi nghĩ đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội của mình. Mục tiêu ban đầu của tôi là thu hút những người du lịch từ châu Á sang Anh. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại và thấy rằng các hướng dẫn viên bản địa tại châu Âu sẽ không cần tiền như ở các nước phát triển châu Á. Chúng tôi cũng nhìn thấy cơ hội để phát triển tại Việt Nam. Tôi quyết định về nước vì Tubudd.
Tôi nghĩ rằng đưa Tubudd về Việt Nam cũng là một cách nào đó trả ơn cho đất nước nơi sinh ra và nuôi lớn mình. Người Việt Nam rất hiếu khách và giỏi về ngôn ngữ, vậy tại sao lại không thể mang tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
– Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về cách thức hoạt động của Tubudd?
– Khách hàng của Tubudd thường là những gia đình, cặp đôi, nhóm bạn bè đi du lịch tự túc. Họ không có nhiều hiểu biết về các vùng miền tại Việt Nam. Nền tảng của chúng tôi giúp họ kết nối với các hướng dẫn viên bản địa.
Hồ sơ của các hướng dẫn viên sẽ được đăng tải trên nền tảng, trong đó bao gồm nhận xét của những khách hàng trước. Tùy theo kinh nghiệm và khả năng của các hướng dẫn viên sẽ có mức giá khác nhau. Khi sử dụng nền tảng của chúng tôi, khách hàng phải trả một khoản phí, thường khoảng 20% tổng giá trị giao dịch. Trong tương lai Tubudd có thể sẽ thu phí của cả các hướng dẫn viên.
Những bạn hướng dẫn viên muốn tham gia nền tảng của chúng tôi sẽ nộp hồ sơ và được kiểm duyệt. Hiện mạng lưới của Tubudd có khoảng 700 hướng dẫn viên bản địa trên khắp cả nước.
– Tên gọi Tubudd có nghĩa là gì?
– Tubudd có nghĩa là Tour Buddy – chuyến đi của những người bạn. Vì công ty ban đầu dành cho thị trường Anh nên đây là cái tên dễ hiểu với người bản địa. Tuy nhiên, khi về Việt Nam mọi người có vẻ không quen lắm với cái tên này.
– Mỗi tháng có bao nhiêu lượt booking trên nền tảng này?
– Hiện nay ứng dụng của chúng tôi vẫn trong giai đoạn chạy beta, vì vậy con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Trung bình mỗi tháng có khoảng 100-150 lượt booking. Còn rất nhiều tính năng mà chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện để có thể ra mắt bản chính thức trong thời gian sớm nhất.
Mục tiêu của Tubudd là trong vòng 6 tháng tới sẽ ra mắt sản phẩm hoàn chỉnh và có khoảng 100.000 người dùng app.
– Dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến startup của chị?
– Vì chúng tôi vẫn là một startup nhỏ với lượng booking khiêm tốn nên doanh thu trong 2 tháng đầu năm chưa chịu ảnh hưởng nhiều lắm. Các công ty lớn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn, nhất là các công ty tour. Với những khách hàng đi du lịch tự túc, họ đã bỏ tiền ra mua vé, book phòng thì thường ít khi hủy chuyến.
– Ngoài chị giữ chức CEO, các đồng sáng lập còn lại hiện đảm nhiệm vai trò gì trong công ty?
– Tubudd do 3 người đồng sáng lập, một bạn người Anh tôi quen trong thời gian du học và một bạn từng làm việc tại Singapore. Hiện cả 3 người đều về Việt Nam làm việc toàn thời gian cho Tubudd. Ở vị trí CEO tôi là người bên ngoài, đối mặt với nhà đầu tư, truyền thông… Bạn người Anh là người đứng sau, biến những gì tôi nói ở bên ngoài thành công việc cụ thể. Là một người châu Âu và đi du lịch tự túc rất nhiều nên bạn ấy nhìn ra được những vấn đề mà những người sử dụng nền tảng của Tubudd gặp phải. Đồng sáng lập còn lại là người phụ trách công nghệ của công ty.
– Làm việc với 2 đồng sáng lập, có khi nào anh chị xảy ra mâu thuẫn?
– Tất nhiên là có. Tôi nhớ có một câu nói rằng “No argument, no development”. Không cãi nhau thì sẽ không ra được vấn đề, không tiến bộ được. May mắn là 3 đồng sáng lập Tubudd thường xuyên cãi nhau, gần như cuộc họp nào cũng cãi nhau. 3 người chúng tôi khá khác nhau, điều đó giúp ích rất nhiều cho startup. Bản thân tôi là một người dám nghĩ, dám làm. Hai bạn còn lại rất nhẹ nhàng, suy nghĩ sâu sắc về vấn đề, đặt ra những câu hỏi và dẫn chứng để tôi phải suy nghĩ. Nếu để tôi làm một mình, nghĩ ra điều gì, tôi sẽ “cắm mặt” vào làm. Nhưng chính 2 đồng sáng lập là người kéo tôi lại, để chắn chắn rằng mình đang đi đúng hướng.
– Startup của chị đã thực hiện vòng gọi vốn nào chưa?
– Chúng tôi đã gọi vốn từ Angel investor (nhà đầu tư thiên thần) và Accelerator (quỹ tăng tốc khởi nghiệp), hiện Tubudd đang chuẩn bị gọi vốn vòng Seed (hạt giống). Việc gặp gỡ các nhà đầu tư là chuyện diễn ra thường xuyên với các startup. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều sự kiện của startup phải “cancel”.
– Bố mẹ chị đều làm kinh doanh, họ có hỗ trợ vốn cho chị trong quá trình khởi nghiệp?
– Gia đình giúp đỡ tôi rất nhiều, bố mẹ không chỉ động viên mà còn chia sẻ với tôi nhiều bài học vì họ cũng đi lên từ 2 bàn tay trắng. Dù vậy, bố mẹ tôi đều kinh doanh nên rất rạch ròi trong việc tiền bạc. Bản thân tôi cũng muốn tự lập khi xây dựng startup của mình. Bố mẹ tôi đều đang đi làm, họ phải đổ mồ hôi và rất nhiều công sức, vì vậy tôi rất trân trọng những đồng tiền họ kiếm ra. Họ không phải là những người có quá nhiều tiền để cho mình vung ra, họ chỉ giúp đỡ một phần nhỏ ở giai đoạn đầu.
– Nếu tự nhận xét về bản thân, chị nghĩ mình là người như thế nào?
– Tôi nghĩ mình là một người nhiệt tình và khá máu lửa. Đôi khi vẫn có những quyết định khá nổi loạn nhưng tôi nghĩ nó làm cho cuộc sống của mình trẻ hơn và lúc nào cũng cảm nhận cái nhiệt của cuộc sống. Tôi cũng là một người cầu thị, lúc nào cũng cảm giác mình là một người học sinh, muốn lắng nghe, học tập và luôn cố gắng.
– Có quan điểm cho rằng con gái không hợp với khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ, chị nghĩ gì về điều này?
– Tôi nghĩ rằng hợp hay không là do tính cách mỗi người, chứ không phải do giới tính. Về công nghệ, bản thân tôi không phải người bước ra từ ngành này nên gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, một số người làm công nghệ khi bước ra khỏi màn hình máy tính cũng gặp không ít trở ngại về tư duy thị trường, cách quản lý nhân sự, kinh doanh… Cả 2 bên cần có sự kết nối với nhau, muốn giỏi phải học tập và thực hành. Đàn ông và phụ nữ đều không tự dưng giỏi về công nghệ.
– Nhiều startup founder chia sẻ rằng, khởi nghiệp là một con đường gian khổ, họ thường xuyên phải làm việc 16-20 giờ/ngày, ăn ngủ tại công ty. Chuyện đó có đúng với chị?
– Ngay từ thời đại học, tôi đã làm việc cho một công ty PR nên chuyện phải ngủ tại nơi làm việc hay chỉ ngủ 3-4 giờ/ngày là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, hiện nay, tôi không hướng đến cách sống như thế nữa mà quản lý thời gian chặt chẽ hơn, để có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Tất nhiên, hầu hết các startup founder sẽ phải làm việc nhiều hơn người bình thường.
Có đầu óc khởi nghiệp nên tôi nhìn đâu cũng thấy tiền, nhìn đâu cũng thấy cơ hội. Tôi nghĩ rằng Tubudd có nhiều ngách có thể phát triển được. Hiện một ngày tôi dành khoảng 10h cho Tubudd, 3-4h cho các dự án khác có thể liên quan hoặc không liên quan đến công ty.
– Chị thấy môi trường khởi nghiệp tại Anh và Việt Nam có gì khác nhau?
– Môi trường tại Anh đã rất phát triển rồi. Tôi cũng tham gia các nhóm về khởi nghiệp và thấy hàng tuần đều có thêm rất nhiều người mới, nhiều ý tưởng mới. Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ người mới khởi nghiệp. Để bắt đầu tại Anh thì rất dễ nhưng để duy trì thì rất khó và đắt. Trong khi để bắt đầu khởi nghiệp tại Việt Nam thì khó hơn nhưng để duy trì có thể dễ hơn tại Anh một chút.
– Cuốn sách đầu tay của chị viết về chủ đề gì?
– Thật ra đó là một cuốn truyện được xuất bản trước khi tôi đi du học. Cuốn sách thể hiện góc nhìn bạo dạn của một người trẻ về chủ đề nhiều người trong xã hội quan tâm là ngoại tình. Tên của cuốn sách phần nào mang tính câu khách, nhưng khi nhìn lại tôi coi đó là trải nghiệm của tuổi trẻ – thời mang nhiều tính nông nổi và muốn làm được điều này điều kia.
– Chị có dự định viết một cuốn sách để chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp?
– Tôi chưa dám nghĩ đến điều đó. Hiện tôi đang làm kênh YouTube với một phút mỗi ngày để chia sẻ về bản thân, những bài học, kinh nghiệm mình từng trải qua trên con đường khởi nghiệp.
Khi nhìn lại những điều đã trải qua, tôi nhận ra có những bài học nếu biết sớm hơn thì đỡ khổ hơn nhiều rồi. Vì vậy tôi cũng muốn chia sẻ lại với các bạn trẻ đang khởi nghiệp hiện nay. Đây chủ yếu là kênh để các bạn startup thấy rằng họ không một mình, không cô đơn, các bạn startup khác cũng đang trải qua những khó khăn như vậy. Khi làm startup founder sẽ có rất nhiều điều khiến bạn bị lung lay, nhiều gánh nặng khiến bạn mệt mỏi. Tôi hy vọng những chia sẻ của mình sẽ tiếp lửa cho các bạn.
– Ngoài du lịch, còn lĩnh vực nào chị dự định khởi nghiệp?
– Hiện nay toàn bộ sức lực và nhiệt huyết của tôi đều dành cho lĩnh vực này. Tôi muốn khai thác rất nhiều điểm và ý tưởng trong du lịch, chứ chưa có ý tưởng trong lĩnh vực khác. Theo tôi, nếu mình đi sâu vào một ngành sẽ có những kiến thức rất tốt về ngành đó. Có thể bây giờ Tubudd chưa thật sự thành công nhưng 2-3 năm nữa có thể thành công, hoặc cũng có thể chuyển sang một mô hình khác phù hợp với thị trường hơn.
– Ở tuổi gần 30, chị có bao giờ gặp khủng hoảng trong cuộc sống?
– Khủng hoảng thì chưa nhưng là startup founder, cuộc sống của tôi luôn giống như ở trong hoặc vừa bước ra từ một cơn bão. Nhưng những cơn bão sẽ giúp mình lớn lên và trưởng thành hơn.
– Nếu có 1 triệu USD chị sẽ làm gì?
– Tôi sẽ đổ tất vào Tubudd để ra mắt phiên bản chính thức càng sớm càng tốt.
– Tại sao không phải là mua sắm hàng hiệu hay du lịch xa xỉ – điều mà nhiều phụ nữ yêu thích?
– Tôi nghĩ khi đổ tiền vào đứa con tinh thần của mình, giúp nó thành công và phát triển thì tiền kiếm được để mua sắm những món đồ như hàng hiệu sẽ có ở tương lai không xa. Trước mắt, tôi muốn tập trung vào sự phát triển của công ty thay vì những món đồ mình không dùng đến.
– Giả sử Tubudd không thành công…?
– Nếu Tubudd thất bại, tôi sẽ lập một startup khác và tiếp tục chiến đấu. Hiện giờ Tubudd có thể đúng quốc gia đúng thời điểm. Tuy nhiên vài năm tới nếu nó không phát triển, tôi có thể bán nó đi hoặc dập tắt nó để xây dựng một mô hình mới phù hợp hơn.
– Cảm ơn chị!
https://ndh.vn/lam-giau/ceo-9x-viet-tung-dat-chan-den-21-quoc-gia-lam-startup-toi-luon-san-sang-song-trong-bao-1264611.html?fbclid=IwAR0zvRHmrDyXJw8khw0Gkacthn8Xw-0dTVdsTv21sLvw_wyFauB3k57ktYI
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)