Siam Cement (SCG) – Tập đoàn đa ngành Thái Lan – tuyên bố sẽ mua lại CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI) trong bối cảnh mua sắm online tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á giữa đại dịch COVID-19, nguồn tin từ Nikkei Asian Review cho hay.
Ghi nhận, việc hạn chế ra ngoài, tiếp xúc khiến người dân tăng cường mua sắm online. Tại Việt Nam, làn sóng dịch vụ “đi chợ hộ”, giao đồ ăn, siêu thị trực tuyến… được các doanh nghiệp tăng cường những tháng gầy đây. Chiều ngược lại, số liệu cũng cho thấy hành vi tiêu dùng của người dân đang thay đổi khá nhanh, đơn hàng trực tuyến theo thống kê tại hầu hết các công ty đều tăng đột biến bằng lần chỉ sau 1-2 tuần.
Tận dụng cơ hội đó, SCG sẽ mua lại công ty sản xuất bao bì đóng gói này thông qua liên doanh với nhà sản xuất bìa cứng hàng đầu Nhật Bản – Rengo. Giá trị thương vụ vẫn chưa được xác định, SCG tiết lộ sẽ nhỏ hơn 15% tổng tài sản của Công ty tính đến cuối tháng 12/2019, tương đương con số gần 635 tỷ baht (hơn 19 triệu USD, ~448-500 tỷ đồng).
Được biết, SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: Xi măng – Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging).
SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 đến nay có 21 công ty thành viên đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.500 nhân viên. Trong đó, các sản phẩm thuộc ngành Xi măng – Vật liệu xây dựng gồm: ngói bê tông; xi măng trắng; bê tông tươi thương hiệu SCG; gạch men ốp tường và lót sàn thương hiệu Prime; sứ vệ sinh và phụ kiện nhà tắm COTTO.
Tại Việt Nam, SCG không xa lạ với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ được thực hiện trong gần chục năm qua như mua lại công ty gạch Prime Group, Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh hay Tổ hợp hóa dầu Long Sơn…
Năm 2019, tổng doanh thu của SCG tại thị trường Việt Nam đạt hơn 29.500 tỷ đồng (1,27 tỷ USD).
Trở lại với thương vụ mua vốn của liên doanh ông lớn Thái Lan, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 diễn ra hôm 9/4 tới đây, HĐQT Bao bì Biên Hòa sẽ xin ý kiến cổ đông về việc việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Nhiều cổ đông cũng liên tục bán ra cổ phiếu SVI thời gian gần đây.
Về Bao bì Biên Hoà, trước năm 1975, Công ty được hình thành từ một nhà máy sản xuất bao bì carton nhỏ có thương hiệu là Sovi. Sau năm 1975, Nhà máy này được Nhà nước tiếp quản và chuyển thành doanh nghiệp quốc doanh được lấy tên là Nhà máy bao bì Biên Hòa. Tháng 9/2003, nhà máy chính thức chuyển sang hình thức CTCP và trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai.
Công ty chuyên sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa; bột giấy, giấy và bìa (sản xuất giấy); buôn bán nguyên vật liệu sản xuất bao bì và giấy… Sản phẩm của Bao bì Biên Hòa được các công ty hàng đầu Việt Nam cũng như các công ty liên doanh ký hợp đồng cung cấp dài hạn như Lever Việt Nam, Kinh Đô, Bibica, Coca-Cola…
Năm 2005, Công ty đầu tư mở rộng mặt hàng, đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất đưa năng suất sản xuất Hộp giấy in offset lên 3.000 tấn/năm. Năm 2007, Bao bì Biên Hòa một lần nữa đầu tư mở rộng thêm nhà máy bao bì Carton với diện tích 4,5ha tại KCN Biên Hòa, nâng tổng công suất thiết kế sản phẩm lên 40.000 tấn/năm. Đến năm 2013, Nhà máy bao bì carton ở Mỹ Phước, Bình Dương chính thức đi vào hoạt động với công suất giai đoạn đầu là 30.000 tấn/năm.
Cuối năm 2008, Công ty chính thức giao dịch trên sàn, mặc dù không quá đình đám và có nhiều biến động, song thị giá SVI liên tục tăng điểm từ mức 2.000-3.000 đồng lúc ban đầu lên gần 56.000 đồng/cp hiện nay.
Song song với động thái liên tục đầu tư mở rộng, Bao bì Biên Hòa cũng nhiều lần tăng vốn, hiện vốn chủ Công ty đạt hơn 128 tỷ đồng. Khối lượng sản xuất 90.000 tấn bao bì carton và 10.000 tấn bao bì thực phẩm đóng gói mỗi năm, doanh thu giai đoạn 2008-2018 cũng tăng đều đặn.
Công ty cho biết thêm, xu hướng thương mại điện tử ngày càng tăng cũng như chiến dịch giảm thiểu đồ nhựa đang thúc đẩy nhu cầu trong ngành giấy bao bì lên mức cao.
Tuy nhiên, đặc thù với nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như trang thiết bị, dây chuyền sản xuất chủ yếu được nhập từ nước ngoài, khoảng 50% nguyên liệu được nhập từ các đối tác và thanh toán bằng USD. Do đó, Công ty sẽ chịu những ảnh hưởng đáng kể khi tỷ giá biến động.
Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất giấy phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào khi giá vốn hàng bán chiếm khoảng 80% trong cơ cấu chi phí của Công ty. Giá nguyên vật liệu tăng cao đã làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Công ty, nguyên nhân là do cầu tăng nhưng thiếu hụt nguồn cung. Theo đó, lợi nhuận có phần biến động và giảm giai đoạn 2016-2018.
Một điểm đáng lưu ý về Bao bì Biên Hoà, nhằm hạn chế rủi ro về nguyên liệu cũng như tỷ giá, Công ty có xu hướng mua hàng tích trữ, điều này dẫn đến khoản phải trả người bán ghi nhận giá trị lớn trên BCTC. Theo đó, mặc dù nợ vay (nợ dài hạn) không đáng kể, cân đối tài chính Bao bì Biên Hòa đang chịu áp lực từ nợ ngắn hạn, năm 2019 đã vượt vốn chủ (541,5/340 tỷ đồng)
Kết thúc năm 2019, Bao bì Biên Hòa ghi nhận 1.704 tỷ đồng doanh thu (khoảng 73 triệu USD), giảm 4%; song, nhờ việc tái cấu trúc tiết giảm đáng kể chi phí, đồng thời giá vốn điều chỉnh mang về lợi nhuận sau thuế 141 tỷ – gấp 2,3 lần năm trước.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)