Tháng 10/2020, ông Nguyễn Bá Dương rời ghế Chủ tịch Coteccons sau 17 năm gây dựng. Người thay thế là ông Bolat Duisenov, quốc tịch Kazakhstan, đại diện cho cổ đông lớn Kusto. Ông Bolat tham gia Coteccons 8 năm với tư cách là nhà đầu tư, vào HĐQT công ty từ tháng 6/2020.
Tân Chủ tịch Coteccons bắt đầu lèo lái nhà thầu xây dựng số một Việt Nam trong một hành trình mới, một hành trình không còn những người sáng lập quen thuộc. Thay vào đó, họ trở thành những đối thủ đáng gờm nhất của chính “đứa con” do mình sinh ra.
Trong 6 tháng, ban lãnh đạo mới Coteccons lựa chọn im lặng với truyền thông để tập trung giải quyết những vấn đề nội tại.
“Đó là quãng thời gian không dễ dàng gì với công ty, với cá nhân tôi, ban điều hành và những con người ở Coteccons”, ông Bolat Duisenov mở đầu.
“Nhưng khi nhìn lại 6 tháng vừa qua, phải thừa nhận rằng những gì được bàn tán trên báo chí, truyền thông rõ ràng có tác động đến nhân viên của chúng tôi, đến những con người của Coteccons. Mặc dù tôi hiểu quyền lực mạnh mẽ của truyền thông, nhưng tôi đã không ngờ rằng tác động lại có thể lan rộng đến vậy”.
“Khi chúng tôi thực hiện xong những công việc nội bộ để ổn định tình hình và thực sự vững vàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi nhận thấy đây là lúc có thể cởi mở và minh bạch hơn với báo giới”.
Ông Bolat nhấn mạnh rằng thành tựu lớn nhất trong 6 tháng tiếp quản Coteccons là yếu tố con người, một trong 4 điểm lớn mà công ty tập trung xử lý bên cạnh vận hành, khách hàng và tài chính.
“Chúng tôi đã vực dậy được tinh thần và xây dựng được sự đoàn kết, quyết tâm ở Coteccons. Chúng tôi có thể tự hào là một công ty xây dựng có chiến lược nhân tài hàng đầu trên thị trường và làm điều đó với ưu tiên từ ban lãnh đạo. Chúng tôi tập trung giữ chân nhân tài cũng như thu hút thêm những nhân tài mới, làm sao để họ có thể làm việc ăn ý với nhau”.
Không ít người đã rời bỏ Coteccons kể cả trước và sau sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, họ đều là những nòng cốt của bộ máy đưa công ty đến đỉnh cao thành công. Bài toán nhân sự trong bối cảnh này rõ ràng là khó khăn với Bolat và những người bạn, để xử lý tốt không phải muốn mà làm được ngay.
“Có một thực tế khi chuyển đổi và thời gian thử thách diễn ra, một số người sẽ bỏ công ty. Cá nhân tôi nhìn nhận thế này, có hai dạng người, một là họ không chấp nhận và không thích sự thay đổi. Khi có những thay đổi và thử thách xảy ra, họ muốn quay lại vùng an toàn, họ ngại những bất định ở phía trước.
Cũng có một nhóm người khác, nếu các bạn đến công trường của chúng tôi, các bạn sẽ thấy những tài năng trẻ của Coteccons, họ có nhiều đam mê, họ hoàn toàn cởi mở với những thay đổi, không sợ thử thách và xem đó là cơ hội để có thể khẳng định bản thân, đóng góp cho công ty”.
Số nhân sự của Coteccons có giảm trong giai đoạn từ giữa năm 2019 đến cuối năm 2020, trùng với khoảng thời gian mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông ngoại và đội ngũ điều hành diễn ra gay gắt. Đại diện Coteccons nói rằng nên hiểu điều đó theo góc độ kinh doanh nhiều hơn, khi thị trường đi xuống, bản thân công ty phải điều chỉnh kế hoạch nhân sự để đảm bảo kinh doanh hiệu quả, đây là điều rất bình thường. Thực tế, doanh thu bình quân đầu người của Coteccons được cho biết duy trì ổn định 10 tỷ đồng/người qua nhiều năm.
Nhưng vị trí Tổng giám đốc của công ty vẫn còn đang khuyết kể từ tháng 8 năm ngoái, đây cũng chính là vấn đề khiến Chủ tịch Bolat đau đáu.
“Hội đồng quản trị là bộ phận đưa ra tầm nhìn chiến lược chung, Tổng giám đốc là người chia sẻ tầm nhìn chiến lược đó. Người này có thể phối hợp ăn ý với đội ngũ hiện tại, thu phục được những nhân tài để lèo lái công ty. Chúng tôi đang làm việc tích cực với chuyên gia tuyển dụng để tìm kiếm người như vậy, đây là ưu tiên hàng đầu”.
Đầu tháng 3, Coteccons đã công bố cùng lúc 4 nhân sự đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc công ty.
Đó là, ông Chris Senekki – Nguyên Tổng Giám Đốc Công ty xây dựng Turner Việt Nam, 22 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng; Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc – Nguyên Phó đại diện của Shimizu Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực 19 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản; ông Võ Hoàng Lâm – Tổng giám đốc Unicons; và ông Nguyễn Ngọc Lân – Giám đốc khối Xây lắp Coteccons.
Cùng với ông Phạm Quân Lực và ông Micheal Trần đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc trước đó, Coteccons cho biết đã hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mạnh về chuyên môn xây dựng.
Ông Võ Thanh Liêm – Quyền Tổng giám đốc trong giai đoạn khuyết thiếu thống nhất với Ban lãnh đạo Coteccons không kéo dài nhiệm kỳ sau 6 tháng.
“Tôi muốn chia sẻ rằng, ngoài những gì Coteccons đạt được với con người, chúng tôi cũng đã xác định được tầm nhìn, định hướng mới cho công ty”, ông Bolat nói.
“Tôi đúc kết bằng 3 từ khóa đơn giản thôi, đó là dài hạn, bền vững và phát triển. Tất cả những gì chúng tôi làm, đưa vào chiến lược hành động phải trả lời câu hỏi rằng nó có góp phần làm cho công ty phát triển bền vững và liên tục trong dài hạn hay không?”.
Ông Bolat cho biết yếu tố đầu tiên để xây dựng năng lực cạnh tranh là chất lượng. Ông nói Coteccons sẵn sàng đầu tư về mặt tiền bạc, nguồn lực, thậm chí mời chuyên gia tư vấn để đạt chất lượng xây dựng hàng đầu.
“Chúng tôi muốn là công ty xây dựng đầu tiên ở Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng”.
Chiến lược của Coteccons là khi các tập đoàn đầu tư vào Việt Nam, công ty bằng tất cả năng lực, mối quan hệ của mình sẽ hỗ trợ không chỉ với tư cách là nhà thầu.
Đại diện Coteccons lấy ví dụ như trường hợp SLP, Logos, BWID nhà thầu có thể hỗ trợ kết nói với các bên như các đơn vị phát triển khu công nghiệp như Idico, Viglacera, Becamex,.. cung cấp khu công nghiệp trên toàn Việt Nam.
Thứ hai, Coteccons có thể hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài về mặt pháp lý khi họ rất cần một bên đối tác địa phương tư vấn.
Thứ ba, các chủ đầu tư bao giờ cũng có lỗ hổng trong quá trình huy động vốn, hay cần nguồn tài chính từ các ngân hàng ở thời điểm khác nhau. Với tư cách nhà thầu và với nguồn lực tài chính của mình, Coteccons có thể hỗ trợ họ một phần. Nhưng không phải với đối tác nào Coteccons cũng hỗ trợ và chỉ với những đối tác làm ăn lâu năm, có sự tin tưởng nhất định và cùng nhau chia sẻ rủi ro.
“Đây là chiến lược mới khi ban lãnh đạo Coteccons xác định có thể hỗ trợ khách hàng hoàn toàn”, ông Bolat nói.
“Tôi tham gia vào Coteccons được 9 năm rồi, tôi biết công ty từ lúc mới sang Việt Nam năm 2008. Tôi luôn cảm thấy Coteccons là một công ty vững mạnh nhưng đang tập trung quá nhiều vào mảng xây dựng các tòa nhà. Nhìn vào các tập đoàn có 50 – 100 năm kinh nghiệm trên thế giới, chúng tôi thấy rằng để phát triển bền vững thì họ sẽ chia hoạt động kinh doanh thành các trụ cột khác nhau.
Một số tập đoàn có trụ cột về hạ tầng, có những tập đoàn họ xây dựng và sở hữu luôn sân bay hoặc các loại hình bất động sản khác. Khi chúng ta chỉ có mảng xây dựng các tòa nhà, chúng ta sẽ phụ thuộc vào chu kỳ ngành bất động sản. Việc cuốn vào chu kỳ đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị công ty.
Nếu một công ty không sử dụng nguồn vốn hiện có để phân bổ vào mảng khác nắm bắt cơ hội thì sẽ đi chậm hơn so với thị trường”.
Chủ tịch Coteccons cho rằng mảng đầu tư rất quan trọng. Nhiệm vụ của công ty lúc này là xây dựng năng lực mạnh cho đội ngũ đầu tư, đồng thời bổ sung năng lực xây dựng và tài chính.
Coteccons hiện vẫn đang là công ty xây dựng có nền tảng tài chính thuộc hàng tốt nhất Việt Nam.
Tính đến hết năm 2020, tổng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của công ty ghi nhận hơn 4.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty gần 18.200 tỷ đồng và hầu như không sử dụng nợ vay.
Nhưng tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, công ty có kế hoạch xin phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu.
Chủ tịch Coteccons cho biết, trong thời gian tới công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng sang hạ tầng và các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao hơn. Tất cả những game đó đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Mặc dù không cần tiền ngay bây giờ, nhưng Coteccons đang chuẩn bị cho câu chuyện của 1 – 2 năm tới.
Coteccons giờ đây đã trở thành công ty tên nội có sở hữu nước ngoài. Việc người nước ngoài thâu tóm những doanh nghiệp tên tuổi giàu tính truyền thống của Việt Nam luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm.
Ông Bolat nói rằng, dùng từ “thâu tóm” nghe rất mạnh. Với ông, khi ai đó “thâu tóm”, họ làm với một chủ đích. Sự thật xảy ra tại Coteccons là đến một thời điểm ở HĐQT và ban điều hành có một số thành viên không còn phù hợp và họ rời đi, một số thành viên khác bước vào vị trí để tiếp tục thực hiện công việc.
“Đó là chuyện quá khứ nhưng tôi muốn nhắc lại và khẳng định những gì thực tế đã xảy ra. Năm ngoái, khi một nhóm cổ đông phát hiện ra những giao dịch không hợp lý tại Coteccons, họ đã lên tiếng và điều đó thúc đẩy ban điều hành, HĐQT phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Ở thời điểm đó, ban điều hành đã thừa nhận thiếu sót và họ lên tiếng xin lỗi một cách công khai trước toàn thể công ty. Họ cam kết sẽ có định hướng điều hành, quản trị công ty một cách minh bạch và tuân thủ pháp luật hơn.
Nhưng một vài tháng sau, họ đổi ý và quyết định sẽ rời Coteccons. Lãnh đạo công ty lúc đó lấy lý do muốn dành nhiều thời gian cho gia đình và sức khỏe bản thân”.
Nhưng ông Bolat khẳng định điều đó sẽ không làm thay đổi sự thật Coteccons là một công ty Việt Nam.
“Khi có những luận điểm liên quan đến người nước ngoài, tôi không muốn dùng từ thâu tóm hay gì cả. Coteccons vẫn là một công ty rất Việt Nam từ tên gọi cho đến con người ở đây. Gần 1.700 người đang làm việc đa số là người Việt Nam để xây dựng thương hiệu Việt Nam trở thành một công ty có chỗ đứng và có chất lượng ngang tầm quốc tế.
Để một công ty Việt Nam phát triển tốt hơn, vươn tầm những chuẩn mực cao hơn và có cách vận hành chuyên nghiệp quốc tế hơn, đôi khi chúng ta phải hợp tác và mời vào những người nước ngoài có chuyên môn, có tiếng nói trong ngành và trên thế giới. Điều đó có làm công ty bớt Việt Nam đi hay không? Tôi nghĩ là không”.
Nhiều ý kiến cho rằng sự thành công của Coteccons phần lớn đến từ năng lực và quan hệ của đội ngũ ông Nguyễn Bá Dương, và ngành xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ. Khi không còn sự hiện diện của ông Dương nữa, liệu Coteccons có trở nên bình thường hoá? Hay thậm chí Coteccons có thể sẽ mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các công ty được điều hành bởi dàn lãnh đạo cũ, những người từng rất hiểu Coteccons.
Ông Bolat cho rằng, không chỉ riêng xây dựng, trong tất cả các ngành nghề, việc dựa vào uy tín cá nhân có thể là một phần tin đồn. Việc nghe tin đồn có thể đúng, có thể sai, nhưng tại Coteccons là uy tín của tập thể.
“Nếu nhìn vào khách hàng, họ cần thứ nhất là giá cả cạnh tranh, thứ hai là chất lượng, thứ ba là tiến độ, thứ tư là an toàn. Quan hệ hay không cuối cùng cũng chỉ quay lại trong 4 vấn đề đó”.
“Một người có giải quyết được 4 vấn đề đó không? Chưa chắc, đó là cả một hệ thống”
“Tất nhiên khách hàng cũng hiểu điều này, không vì một cá nhân chuyển đi mà công ty có thể sụp đổ. Nếu các bạn đến công trường của chúng tôi có thể thấy những con người rất trẻ và nhiệt huyết, họ coi công trình đó giống như danh dự của bản thân. Khách hàng khá tin tưởng chúng tôi. Một số khách hàng ban đầu họ cũng đưa ra nghi ngại, nhưng khi các dự án hoàn thành, gần 50 dự án vẫn hoạt động bình thường thì họ yên tâm”.
“Chúng tôi tin rằng nếu tiếp tục với kim chỉ nam về chất lượng cũng như giá cả hợp lý thì kinh doanh là kinh doanh, chúng tôi sẽ luôn khẳng định được vị thế của mình cũng như sự tín nhiệm của khách hàng”.
Sau quá trình chuyển giao và thay máu toàn diện, Coteccons hiện đang bắt đầu đi vào quỹ đạo mới.
Thời gian đầu là khó khăn, nhưng ông Bolat tin rằng công ty đang đi đúng hướng, điều này minh chứng bằng việc các dự án vẫn đang diễn ra đúng hạn, chất lượng và chỉ số an toàn đều đạt chuẩn.
“Chúng tôi gần đây ký được hợp đồng với khách hàng mới. Những khách hàng cũ cũng quay lại ký hợp đồng để tiếp tục phát triển dự án cùng Coteccons. Tất cả các dự án đều được thực hiện với chất lượng cao, chúng tôi có tiềm lực tài chính đủ mạnh, chúng tôi có thế mạnh trong xây dựng và rất tự tin trong thời điểm này”.
“Tôi cũng nói thêm ý này, từ nửa cuối năm 2020, Coteccons không có dự án nào mới. Tôi không muốn bình luận vì sao điều đó lại xảy ra, nhưng việc không có khách hàng mới trong năm ngoái sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ghi nhận trong năm 2021, và nó đang ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Coteccons trên thị trường”.
Chủ tịch Coteccons nói rằng những gì đã xảy ra trong quá khứ không thể thay đổi được, nhưng công ty đang làm hết sức có thể để có được kết quả khả quan hơn.
Năm nay Coteccons dự báo doanh thu tăng 20%, nhưng lợi nhuận chỉ tăng 2%. Chủ tịch Coteccons giải thích rằng Coteccons sẽ chi rất nhiều cho đầu tư, các khoản chi cho việc nâng cao chất lượng các công trình.
Thứ hai, cần nhìn vào tình hình thị trường, doanh thu của Coteccons năm 2020 chủ yếu đến từ các dự án trước đó. Trong năm nay, Coteccons có các dự án mới, nhưng với tình hình kinh tế như hiện tại, khó có được biên lợi nhuận cao.
Ban lãnh đạo Coteccons nói rằng để đạt được mục tiêu doanh thu trong năm nay là rất thử thách. Việc đầu tiên là đi tìm kiếm khách hàng, bộ phận phát triển kinh doanh của công ty đang tập trung nguồn lực cho việc đấu thầu, giành các hợp đồng.
Công ty đang đầu tư vào cả con người và hệ thống để có được chất lượng tốt hơn trong dài hạn, mặt khác cũng phải tối ưu hoá chi phí.
“Quá trình tái cơ cấu không thể ngay lập tức được. Trong ngắn hạn cổ đông sẽ phải hy sinh quyền lợi của mình một chút, nhưng chúng tôi đang làm tất cả trong khả năng”.
Ông Bolat cho rằng giá cổ phiếu Coteccons hiện nay đang thấp hơn tiềm lực, nhưng thanh khoản cổ phiếu đang trên đà tăng.
“Định hướng của chúng tôi là cải thiện về thúc đẩy về mặt quản trị. Khi chúng ta tăng cường được năng lực và có sự minh bạch, tính thanh khoản tăng lên, nhà đầu tư giao dịch nhiều hơn, khi đó giá trị công ty sẽ được nhìn nhận một cách đúng đắn”.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)