20 năm trước, khi nền kinh tế Việt Nam còn mang nặng tính chất bao cấp, khái niệm minh bạch, công bố thông tin được xem là “xa lạ” với doanh nghiệp, nếu không muốn nói là nhạy cảm. Những người khai sinh trung tâm giao dịch chứng khoán lúc bấy giờ (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, HoSE) dù cố gắng gặp gỡ, thương thảo với 14 đơn vị nhưng câu trả lời nhận về hầu như là cái lắc đầu. Chưa kể, nhiều đơn vị dù có tiếp nhận ý kiến, tuy nhiên phút cuối cũng suy nghĩ lại.
Bởi, giữa bối cảnh nền kinh tế còn tù mù, doanh nghiệp bươn chải kiếm tiền, việc lên sàn giống như tự “vạch áo cho người xem lưng”, trong khi hàng trăm đối thủ còn lại vẫn giữ được cái gọi nôm na là bí quyết kinh doanh. Duy chỉ SAM và REE, hai người cuối cùng còn trụ lại và chính thức giao dịch phiên đầu tiên vào ngày 28/7/2000.
Đồng hành với HoSE từ giây phút đầu cho đến thời điểm bây giờ, bản thân người tiên phong vẫn nhớ rõ kỷ niệm ngày đầu tiên. Điểm lại, dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước đó, phiên giao dịch đầu không tránh khỏi tình trạng lệch pha khi có lệnh mua nhưng không ai muốn bán. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch REE – khi đó đã nhận điện thoại từ đại diện Uỷ ban Chứng khoán đề nghị bán cổ phiếu để tạo cung cầu. Cơ quan điều hành thị trường cũng quyết định thu hẹp biên độ dao động và chỉ khớp lệnh một lần. Kết quả, phiên giao dịch khép lại với 1.000 cổ phiếu REE và 3.200 cổ phiếu SAM được giao dịch với giá trị xấp xỉ 71 triệu đồng. Chỉ số VN-Index từ tham chiếu 100 điểm cũng kết phiên tại mốc 101,55.
Bà Thanh chia sẻ, dù đã chuẩn bị, cân nhắc và quyết định hàng tháng trước, sự biến động giá cổ phiếu phiên 28/7 cũng khiến lòng bà vô cùng háo hức, chộn rộn. Tuy nhiên, nếu nói về cảm xúc xuyên suốt hành trình 20 năm qua, nữ tướng REE khẳng định dù quyết định là mạo hiểm nhưng nhìn lại Công ty chỉ có được chứ không mất.
“Đến bây giờ, tôi vẫn muốn khẳng định với REE, cổ phần hoá là một quyết định quan trọng và niêm yết cũng là một quyết định vô cùng quan trọng khác. Vì Công ty cần vốn để phát triển, và niêm yết lên sàn là một giải pháp thay cho nguồn vốn duy nhất thời điểm ấy là vay ngân hàng.
Chưa kể, vay ngân hàng tại thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khủng hoảng, lãi suất có lúc lên đến 20-25%. Đến nay, mức lãi cho vay đầu tư tại ngân hàng cũng không hề thấp, và điều này hạn chế khả năng đầu tư của doanh nghiệp.
Nói như vậy để nhấn mạnh rằng niêm yết là việc cần thiết để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tạo được niềm tin để nhà đầu tư bỏ vốn vào”, bà Thanh bày tỏ.
Đơn cử REE, tiên phong niêm yết đã tạo tiền để cho doanh nghiệp huy động nguồn tiền dồi dào phục vụ cho kinh doanh. Qua 21 lần tăng vốn, Công ty đã mở rộng quy mô vốn điều lệ từ mức 150 tỷ (năm 2000) lên hơn 3.100 tỷ hiện nay, nền tảng hoạt động cũng được cho là khác vững chắc với 4 mảng kinh doanh: (1) Dịch vụ xây lắp cơ điện công trình M&E – là ngành cốt lõi với tổng giá trị của các hệ thống hiện chiếm đến 20-30% giá trị các công trình xây dựng, (2) Kinh doanh điện gia dụng với thương hiệu Reetech, (3) Cho thuê văn phòng, (4) và Ngành tiện ích điện và nước.
Với việc sở hữu dòng tiền nhàn rỗi lên đến hàng ngàn tỷ đồng, cổ phiếu ổn định đi cùng tỷ lệ cổ tức đều đặn hằng năm khiến REE luôn là lựa chọn đầu tư an toàn. Năm 2020, REE không thay đổi chỉ tiêu LNST 1.620 tỷ đồng, dù kế hoạch này được đưa ra khi Covid-19 vẫn chưa xuất hiện. Công ty cũng sẽ tái cấu trúc sang mô hình Holdings với 4 ngành chính.
Giao dịch REE 20 năm qua.
Mới đây, Công ty đã chính thức tổ chức lễ chuyển giao thế hệ lãnh đạo, trong đó bà Thanh sẽ từ nhiệm khỏi chức vụ Tổng Giám đốc. Thay thế là ông Huỳnh Thanh Hải, hiện đang là Phó Tổng Giám đốc REE kiêm Giám đốc Điều hành REE M&E.
“Hôm nay, trên vai trò trao chiếc chìa khoá cho thế hệ thứ 3, cũng là lúc nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bước vào thập niên mới, thời kỳ mới: thời kỳ đầy biến động về kinh tế chính trị, tôi kỳ vọng với đội ngũ trẻ, năng động, tiếp thu nhanh đặc biệt về công nghệ sẽ đưa REE lên những tầm cao mới”, bà Thanh xúc động nói.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)