Năm 2020 chứng kiến hoạt động số hoá mạnh mẽ của ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam, với nhiều cái bắt tay giữa các tổ chức tài chính, công ty công nghệ lớn và các fintech. Làn sóng số hoá này đang tạo ra tiềm năng phát triển lớn cho không chỉ ngành tài chính ngân hàng mà còn cả lĩnh vực công nghệ khi các doanh nghiệp trong ngành có thể tăng tốc đầu tư vào công nghệ mới, mở rộng thị trường, và củng cố hơn nữa giá trị doanh nghiệp.
Chuyển đổi số vì khách hàng
Xu hướng chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng đang diễn ra từng ngày dưới sự dẫn dắt bởi khách hàng khi đòi hỏi nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính truyền thống.
Livebank của TPBank là một ví dụ thành công về chuyển đổi số. Nhóm khách hàng trẻ của TPBank có lẽ đã khá quen thuộc với việc tương tác cùng nhân viên ngân hàng từ xa qua hệ thống video tích hợp cùng những cây ATM. Phương thức giao tiếp giữa ngân hàng và khách hàng này đã đánh trúng nhu cầu và tâm lý của khách hàng muốn nâng cao trải nghiệm giao dịch, qua đó giúp tiết kiệm tới 40% thời gian so với cách thức giao dịch trực tiếp tại quầy.
Trong làn sóng số hoá, một số tổ chức tài chính chọn hợp tác với các fintech, trong khi số khác chọn bắt tay với các công ty công nghệ để tận dụng những nền tảng, giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số sẵn có để tích hợp vào hệ thống hiện hữu, nhằm mang tới những trải nghiệm thanh toán di động vượt trội cho khách hàng.
Lấy ví dụ ứng dụng FPT.AI của FPT được Home Credit áp dụng để mang “nhân viên ảo” vào nghiệp vụ trực tổng đài, phục vụ nhu cầu của hàng trăm nghìn khách hàng một cách tự động hoàn toàn, từ xử lý thắc mắc tới nhắc lịch thanh toán khoản nợ.
Sau 3 tháng vận hành, tổng đài trợ lý ảo Home Credit đã tự động thực hiện 300.000 cuộc hội thoại với khách hàng, với thời lượng mỗi cuộc hội thoại kéo dài 1-2 phút, tỷ lệ cuộc gọi thành công đạt 98%, nâng cao 40% hiệu suất vận hành của công ty tài chính này.
Để mang tới những tiện ích tài chính số tới tay khách hàng, ông Dương Lê Minh Đức, Giám đốc giải pháp Công ty TNHH FPT Smart Cloud, cho rằng những công ty công nghệ như FPT đã và đang sử dụng những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo (AI), nền tảng hội thoại thông minh Chatbot hay eKYC … nhằm giúp các tổ chức tài chính thực hiện được mục tiêu số hoá.
“Khách hàng cần được chủ động, cá nhân hoá, tức thời và liền mạch. Các tổ chức tài chính cũng muốn kết nối với khách hàng 24/7 và tự động hoá các tác vụ. Ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp tài chính là để tăng năng suất, tự động hoá và đổi mới dịch vụ cũng như trải nghiệm khách hàng”, ông Đức nhận định.
Thời khắc vàng cho chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong hệ thống tài chính tại Việt Nam hiện đang đi vào giai đoạn nước rút là tiền đề mở ra một sân chơi rộng lớn hơn cho chính ngành tài chính-ngân hàng và cả lĩnh vực công nghệ trong những năm tới đây.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường về chuyển đổi số IDC, bất chấp đại dịch Covid-19, đầu tư vào chuyển đổi số trực tiếp vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 15,5%, từ năm 2020 đến năm 2023, và con số dự kiến sẽ đạt 6,8 nghìn tỷ USD khi nhiều công ty tận dụng công nghệ để trở thành các doanh nghiệp số hoá trong tương lai.
Một khảo sát sơ bộ của NHNN cho thấy 94% ngân hàng tại Việt Nam đã bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số.
Nhận xét về xu hướng chuyển đổi số trong ngành tài chính-ngân hàng, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, nhận định các mô hình kinh doanh mới áp dụng công nghệ đang thay thế các mô hình kinh doanh truyền thống.
Trong đó, các fintech đã khá thức thời khi dự đoán trước làn sóng chuyển đổi số trên toàn thế giới và thành công trong việc phát huy mô mình kinh doanh này. Đơn cử như VNPay của Việt Nam thu hút được 300 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, thành kỳ lân tỷ đô thứ 2 của Việt Nam, hay ví điện tử Momo bỏ túi gần 135 triệu USD vốn từ các quỹ và ngân hàng như Warburg Pincus, Goldman Sachs và Standard Chartered Bank.
Sự thay đổi của ngành sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, bởi đây chính là nhân tố không thể thiếu trong công cuộc chuyển đổi số lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Những công ty công nghệ sớm hoạch định chiến lược chuyển đổi số và có nguồn lực đảm bảo về công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm chuyển đổi số như FPT và cả những startup công nghệ, theo đó sẽ có thể tận dụng cơ hội phát triển của thị trường để ngày một lớn mạnh, bền vững.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)