Chuyện khởi nghiệp của một giảng viên Đại học Bách Khoa với vốn 30 triệu đồng đến tham vọng công ty công nghệ doanh thu ngàn tỷ

Giảng viên Đại học Bách Khoa khởi nghiệp với 30 triệu đồng

Ở thời đại kỹ thuật số như hiện nay, công nghệ quảng cáo digital đã tiến một bước rất dài so với cách đây 10 năm. Nhờ sức mạnh của công nghệ, các nhãn hàng có thể tìm được đúng đối tượng cần quảng cáo thông qua hành vi, thay vì chỉ hướng đến các đối tượng chung chung như độ tuổi, giới tính…

Thời điểm những năm 2000, Nguyễn Khánh Trình khi đó còn là một giảng viên của Đại học Bách Khoa. Với số vốn 30 triệu đồng, anh lập trang web somi.vn với mục tiêu ban đầu muốn lập một chợ điện tử để bán áo sơmi qua mạng. Dự án này không thành công, nhưng lại là tiền đề để Nguyễn Khánh Trình lập Clever Group sau này, một công ty công nghệ về quảng cáo digital. Trong quá trình làm Somi.vn, anh Trình đã nhận thấy có tới 80% traffic (lượng truy tập) đến từ các tìm kiếm trên Google và CleverAds, Công ty cổ phần Quảng cáo Thông Minh  đã         ra đời năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu 400 triệu đồng.

Năm 2011, công ty trở thành đối tác cao cấp chính thức của Google (Google Premier SMB Partner) tại Việt Nam và năm 2013 trở thành Đại lý uỷ quyền của Facebook (Facebook Authorized Reseller) đầu tiên tại Việt Nam.

Không chỉ hoạt động tại thị trường Việt Nam, CleverAds còn mở rộng thị trường sang Indonesia, Phillipines, Myanmar, Cambodia thông qua việc mở chi nhánh và mua các công ty con. Năm 2017, Yello Digital Marketing, tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc về Mobile Digital Marketing đã trở thành cổ đông chiến lược của công ty.

Sau 12 năm khởi nghiệp với Clever Group, Nguyễn Khánh Trình lại thử sức với một sân chơi mới: đưa công ty niêm yết trên sàn HoSE với các tiêu chuẩn khắt khe về các chỉ số tài chính, yêu cầu công bố thông tin…

Mục tiêu doanh thu nghìn tỷ năm 2023, tăng trưởng CAGR 43% giai đoạn 2021-2023

Ở thời điểm hiện tại, hệ sinh thái của Clever Group gồm công ty mẹ và 9 công ty con cùng các công ty đối tác hoạt động trong 4 mảng bao gồm:

(i) quảng cáo digital: triển khai các chiến dịch quảng cáo đa kênh cho khách hàng (CleverAds là mảng kinh doanh chính của  Clever Group, hoạt động như một đại lý quảng cáo Digital được uỷ quyền của  Google và Facebook tại Việt Nam, Revu, NAH – là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội); 

(ii) sáng tạo nội dung: sáng tạo các nội dung quảng cáo có tính lan toả  trên mạng xã hội (Orion Media, công ty mới sáp nhập năm  2019); 

(iii) hỗ trợ thương mại: Cung cấp các giải pháp hỗ trợ  hoạt động thương mại điện tử B2B (Clever X, EcomEasy); 

(iv) công nghệ: Cung cấp các giải pháp công nghệ  liên quan  tới quảng cáo digital và nghiên cứu mạng xã hội như social listening (ADOP, Adtech, cMetric, WindSoft). 

Hệ sinh thái Clever Group (nguồn: SBSI)

Trong báo cáo năm 2019, Adsota ước tính thị trường ngành quảng cáo digital tại Việt Nam có tổng giá trị khoảng 284 triệu USD (tương ứng khoảng 6.600 tỷ đồng). 

Kết quả kinh doanh của Clever Group cho thấy doanh thu tăng trưởng CAGR 19,7% trong giai đoạn 2016-2019, năm 2019 doanh thu đạt hơn 362,6 tỷ và lợi nhuận ròng đạt 39,4 tỷ. Năm 2020, Clever Group đặt kế hoạch đạt gần 500 tỷ đồng doanh thu và 55,2 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Trong cơ cấu doanh thu, 94,4% từ dịch vụ quảng cáo của Google và Facebook.

Mục tiêu chiến lược của Clever Group sẽ đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất vào năm 2023, chiếm khoảng 10% tổng thị phần ngành quảng cáo digital. Mức tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2021-2023 sẽ là 43%. 

Theo ông Nguyễn Khánh Trình, một trong các “ngựa chiến” của Clever Group giúp công ty tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giai đoạn tới là công ty Revu (Clever Review), đây là công ty có thị phần số 1 về quảng cáo qua người nổi tiếng. Dự kiến tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 của Revu là 130-150%/năm nhờ xu hướng quảng cáo qua người có ảnh hưởng. Ngoài ra Orion Media cũng đang bắt đầu lên kế hoạch cho các dự án web-drama và film sitcom.

Bên cạnh đó, nguồn tăng trưởng doanh thu có thể đến từ các công ty khác trong hệ sinh thái như: ADOP, REVU (Clever Review), cMetric, CleverX. Đây là những công ty có lãi gộp tốt, giúp phần tăng gross margin.

Theo ông Trình, dịch Covid-19 thực sự ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Tháng 4/2020, doanh thu chỉ đạt 20% cùng kỳ năm trước, đến tháng 7 đạt 90% nhưng sang tháng 8 khi đợt Covid thứ hai thì doanh thu lại giảm. Tuy nhiên ông Trình lạc quan tin rằng doanh thu năm nay vẫn sẽ đạt khoảng 80% năm 2019 và lợi nhuận sẽ cao hơn năm trước.

Để trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư cũng như muốn chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, ngày 18/11 tới đây Trí thức Trẻ tổ chức buổi toạ đàm “Tiềm năng của khởi nghiệp công nghệ nhìn từ cơ hội cổ phiếu Clever Group” với sự tham gia của ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Clever Group; Ông Nguyễn Quang Anh – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Stanley Brother và ông Trần Hữu Đức, Tổng giám đốc Quỹ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam – VIISA. Tại buổi toạ đàm, các diễn giả sẽ chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp và tiềm năng của các công ty công nghệ, cũng như con đường đưa một công ty công nghệ non trẻ lên sàn chứng khoán.

Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày 18/11/2020

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *