Được xem như “của để dành” trên báo cáo tài chính, cổ phiếu quỹ đang được nhiều doanh nghiệp lớn rao bán trong bối cảnh cổ phiếu dần lấy lại đà tăng trưởng sau “đòn” Covid-19. Ghi nhận, Haxaco (HAX) đã thông qua quyết định HĐQT bán toàn bộ 134.270 cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là lượng cổ phiếu doanh nghiệp mua vào đầu năm 2019 với giá bình quân 16.600 đồng/cp.
Trên thi trường cổ phiếu HAX liên tục lập đỉnh mới, hiện đang giao dịch tại vùng giá 18.000 đồng/cp, tức tăng 125% so với mức đáy thiết lập hồi đầu tháng 4/2020. Tạm tính theo mức giá chốt phiên ngày 26/11, Haxaco dự thu về 2,44 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giao dịch bán trong tháng 11 và 12, sau khi được UBCKNN chấp thuận hồ sơ.
Không ngoài cuộc, Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng – DIC Corp (DIG) cũng mới thống nhất chủ trương bán 8,26 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian dự kiến hoàn tất trong quý 4/2020.
Trên thị trường, DIG cũng đang tăng khá nhanh, thị giá tăng cao gấp đôi chỉ sau vài tháng. Hiện, thị giá DIG tiến sát vùng 22.000đồng/cp, dự kiến DIC Corp sẽ thu về 181 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ.
Được biết số cổ phiếu quỹ này được DIC Corp mua vào hồi tháng 4/2020 với tổng giá trị chỉ hơn 90 tỷ đồng, giữa bối cảnh cổ phiếu Công ty giảm sâu bởi ảnh hưởng dịch Covid-19. Như vậy sau khoảng 7 tháng nắm giữ, DIC Corp đã thu về lợi nhuận khoảng 90% từ thương vụ này.
Đáng chú ý, liên tục tăng trưởng cả doanh thu lẫn cổ phiếu bất chấp đại dịch, Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) cũng sẽ bán toàn bộ 310.099 cổ phiếu quỹ, thời gian làm thủ tục chậm nhất đến ngày 31/12/2020.
Kết thúc quý 3/2020, Vinamilk tiếp tục thu về 15.563 tỷ doanh thu thuần, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn vào doanh thu là thị trường nội địa với 13.264 tỷ đồng, tăng 8,9%. Theo lý giải từ Vinamilk, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 vào cuối tháng 7/2020 đã có tác động đến hoạt động bán hàng song tình hình đã được cải thiện trong tháng 9/2020. Phần lớn các ngành hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ 2019 nhờ chiến lược tiếp thị phù hợp và ra mắt sản phẩm mới như sữa tươi và sữa bột trẻ em có chứa tổ yến.
Ngoài ra, Vinamilk bắt đầu hợp nhất kết quả GTNFoods từ đầu năm nay. Mảng kinh doanh sữa của GTN là Sữa Mộc Châu (MCM) đạt mức tăng trưởng doanh thu 13,7% sau khi áp dụng các chính sách mở rộng và hỗ trợ nhà phân phối, khách hàng với giá bán hợp lý.
Trên thị trường, cổ phiếu VNM đang tăng mạnh, duy trì ở mức 3 con số từ vài tháng trở lại đây và chốt phiên 27/11 tại mức 109.800 đồng/cp, tăng hơn 29% kể từ đầu tháng 8. Trong khi đó, giá trị sổ sách bình quân của số cổ phiếu quỹ trên chưa đến 38.000 đồng/cp. Như vậy, chênh lệch VNM ghi nhận vào khoảng hơn 22 tỷ đồng.
Song song, đơn vị trực thuộc là GTNFoods (GTN) cũng thông qua Nghị quyết bán 1 triệu cổ phiếu quỹ. Mục đích nhằm không còn cổ phiếu quỹ nữa, thời gian giao dịch dự kiến sau khi UBCKNN chấp thuận hồ sơ bán và Công ty tuân thủ theo quy định về thời gian công bố thông tin.
Được biết, chỉ số kinh doanh của GTN cải thiện mạnh mẽ sau khi về chung nhà với Vinamilk. Quý 3/2020, Công ty đạt doanh thu thuần 775 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ – tăng 289% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, GTN đạt 2.144 tỷ đồng doanh thu và 175,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – tăng trưởng 174%. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 80%, đạt gần 103 tỷ đồng.
Thị giá GTN trên thị trường cũng giao dịch tích cực. Hiện, cổ phiếu đang ở mức 24.350 đồng/cp, tăng gấp đôi kể từ tháng 3/2020, thanh khoản cải thiện mạnh. Tạm tính theo mức giá này, lô cổ phiếu quỹ trên dự mang về hơn 24 tỷ cho Công ty.
Là công cụ củng cố giá cổ phiếu để doanh nghiệp mua vào thời điểm thị trường khủng hoảng, chịu rủi ro, cổ phiếu quỹ còn là kênh đầu tư cho những đơn vị có tiền nhàn rỗi, hoặc đơn giản là niềm tin của ban lãnh đạo vào chính công ty mình.
Mặt khác, cổ phiếu quỹ cũng có nhiều giá trị khác. Trong đó, bên cạnh những đơn vị kể trên, tháng 8/2020 HĐQT Vietjet (VJC) cũng ra quyết định chuyển nhượng 17,77 triệu cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng lượng tiền mặt nắm giữ. Số cổ phiếu quỹ này được VJC mua vào chưa đầy 1 năm, tương đương 3,28% vốn điều lệ. Tuy nhiên, do chịu áp lực nặng từ dịch Covid-19, vì cần tăng lượng tiền mặt nắm giữ nên HĐQT VJC cho biết đã thông qua việc chuyển nhượng số cổ phiếu này.
Giao dịch dự kiến thực hiện phương thức thoả thuận trong hoặc ngoài biên độ giá cho phép. Thương vụ này nhằm mục đích cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn chủ sở hữu, tối ưu hoá bảng cân đối tài chính và đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận.
Hay Yeah1 (YEG), HĐQT Công ty cũng vừa thông qua phương án bán hơn 1,77 triệu cổ phiếu quỹ nhằm thu nguồn tiền bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư. Được biết, mức giá bán cổ phiếu quỹ YEG đưa ra trong khoảng từ 35.000 – 85.000 đồng/cp.
Về Yeah1, sau sự cố với YouTube, hiện doanh nghiệp đang cần vốn để thiết lập nền tảng kinh doanh mới. Ngày 24/11 mới đây, Yeah1 chính thức cho ra mắt hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ bán lẻ Giga1 sau một thời gian khai phá, dung dưỡng và định hình. Các đối tác chiến lược của Giga1 gồm: Tân Hiệp Phát, Budweiser, Oishi, M150. Được biết, Giga1 là nền tảng truyền thông tích hợp với 56 tỷ views; 48 triệu người dùng, hướng đến chiến lược “media – commerce”.
Gelex (GEX) cũng gây chú ý với kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho người lao động theo chương trình ESOP là 12 triệu đơn vị, tương đương 2,55% tổng số cổ phần đang lưu hành. Đối tượng mua là cán bộ nhân viên của GEX và một số đơn vị thành viên của GEX, giá bán 12.000 đồng/cp – thấp hơn so với thị giá hiện nay là 20.000 đồng/cp.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)