CTCP Tập đoàn ASG đã thông qua ngày chính thức giao dịch trên sàn HoSE là ngày 24/9/2020. Giá tham chiếu được điều chỉnh về mức 30.000 đồng/cp. Nguyên nhân theo ASG dựa trên quan điểm thận trọng trước các biến động vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không nói chung và hoạt động SXKD của Công ty nói riêng, HĐQT quyết định mức chiết khấu 15% so với mức giá dự kiến ban đầu là 36.000 đồng/cp.
Về ASG, Công ty được thành lập vào tháng 10/2010 với tiền thân là CTCP Dịch vụ Bưu chính Interserco, định hướng phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế. 2 năm sau, Công ty được đổi tên thành CTCP Dịch vụ Sân bay với định hướng cung cấp dịch vụ sân bay, gồm 3 lĩnh vực chính là hàng hoá hàng không, kho bãi và vận chuyển cùng các dịch vụ logistics khác.
Sang năm 2015, Công ty chính thức sử dụng thương hiệu ASG, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động – đặc biệt tham gia làm cổ đông chiến lược tại Dịch vụ Sân bay quốc tế Cam Ranh (CIAS).
Cũng từ thời điểm này, ASG liên tục tăng vốn, từ mức vài chục tỷ lên hơn 630 tỷ hiện tại, trong đó năm 2018 Công ty chính thức thâu tóm CIAS với sở hữu 51% vốn. Hiện, ASG đang có hệ thống 11 công ty con và 2 công ty liên doanh liên kết hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ hàng không, hạ tầng và phát triển KCN… đến giao nhận, thương mại hàng không.
Cơ cấu cổ đông ASG hiện khá loãng với hơn 71% thuộc về cá nhân. Tổ chức nắm 28,98% vốn, trong đó có 2 cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và Tư vấn Thành Long (Hà Nội) sở hữu 6,48% vốn và CTCP Giao nhận và kho vận Quốc tế (Hà Nội) nắm 8,89% vốn.
40% doanh thu đến từ hoạt động dịch vụ phục vụ hàng hoá hàng không
Hoạt động kinh doanh ASG được chia là 4 mảng chính: (i) Dịch vụ phục vụ hàng hoá hàng không; (ii) dịch vụ phục vụ hành khách hàng không; (iii) dịch vụ vận tải; và (iv) dịch vụ kho bãi. Phạm vi hoạt động tại 3 miền Bắc, Trung Nam tập trung tại các sân bay quốc tế lớn và khu công nghiệp lớn, chi tiết tại các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Tp.HCM.
Trong cơ cấu doanh thu các năm gần đây, hơn 40% doanh thu đến từ hoạt động dịch vụ phục vụ hàng hoá hàng không và chủ yếu là dịch vụ cung cấp tại kho hàng không kéo dài. Hiện, ASG giới thiệu là đơn vị lớn nhất cung cấp dịch vụ khai thác hàng hoá hàng không theo quy trình kho hàng không kéo dài tại Sân bay Nội Bài và khu vực phía Bắc, công suất mảng này cùng các dịch vụ liên quan tại ga hàng hoá lên đến 360.000 – 540.000 tấn/năm.
Tại mảng phục vụ hành khách, bao gồm dịch vụ tiện ích tại nhà ga và phục vụ mặt đất được thực hiện thông qua 2 công ty con là CIAS và AGS. Trong đó, CIAS chuyên về các dịch vụ tiện ích nhà ga như phòng khách hạng thương gia, đưa đón tổ bay/hành khách đi sân bay, bán hàng lưu niệm, ăn uống… Còn AGS chuyên về dịch vụ checkin, kéo đẩy tàu bay, chở hành khách trong sân đỗ…
Với dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá, ASG đang có đội xe gần 110 xe tải chuyên dụng với công suất chở từ 1,25-14 tấn, Công ty cũng có hệ thống xe tải gồm 30 xe lạnh chuyên dụng theo yêu cầu đặc biệt.
Cuối cùng dịch vụ khai thác kho bãi, ASG đã đầu tư xây dựng hệ thống tại bãi tại Khu Dịch vụ Logistics Nội Bài – Hà Nội, Khu Công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh và Khu Công nghiệp Yên Bình – Thái Nguyên. Tổng diện tích kho là 21.000 m2 trong đó kho lạnh là 600 m3, kho mát là 5.000 m3. Trong thời gian sắp tới, Công ty dự kiến mở rộng thêm 11.000 m2 kho tại Khu Công nghiệp Yên Phong và 6.000 m2 tại Khu Công nghiệp Yên Bình.
Năm 2019 doanh thu tăng đột biến nhờ hợp nhất CIAS, ngược lại LNST giảm hơn 5%
Về kinh doanh, doanh thu 3 năm gần nhất ghi nhận tăng trưởng đều, lợi nhuận gộp cũng tăng tương ứng. Trong khi lãi ròng thu về tăng với tốc độ chậm hơn.
Riêng năm 2019, doanh thu từ dịch vụ mặt đất hàng không đạt 179 tỷ, tăng đột biến 131% do hoạt động dịch vụ mặt đất hàng không của AGS được ghi nhận hợp nhất từ khi CIAS trở thành công ty con của ASG từ tháng 6/2018 và số lượng chuyển bay phục vụ trong năm 2019 tăng 12% so với năm 2018. Song song, doanh thu kho bãi, khác đạt 134 tỷ, cũng tăng mạnh 167,55%. Ngược lại, doanh thu từ hoạt động vận tải năm 2019 đạt 201 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%.
Hiện, chi phí dịch vụ mua ngoài chiếm tỷ trọng chính của ASG (gần 40% tổng doanh thu trong năm 2019), bao gồm chi phí thuê dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không tại các cảng hàng không từ các đối tác Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt nam (ACSV), Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS)… (chiếm 57% chi phí dịch vụ mua ngoài), thuê xe phục vụ dịch vụ vận chuyển (chiếm 32% chi phí dịch vụ mua ngoài).
Dù doanh thu 2019 tăng mạnh, LNST lại giảm từ 165 tỷ về 156 tỷ đồng, chủ yếu do các chi phí cũng tương ứng tăng đáng kể sau khi hợp nhất CIAS. Nửa đầu năm 2020, dù chịu tác động chung bởi Covid-19, ASG vẫn ghi nhận lợi nhuận 33 tỷ đồng, dù giảm khá mạnh so với mức 86 tỷ cùng kỳ.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)