Thông tin đáng chú ý nhất ở thời điểm hiện tại từ cuộc họp của Bộ Y tế cho biết ngày 10/12, công ty Nanogen sẽ phối hợp với Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam.
Hiện nay trong nước có 3 đơn vị triển khai quy trình sản xuất vacccine Covid-19 là IVAC, Vabiotech và Nanogen đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Riêng Nanogen đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người.
Chia sẻ với báo giới, ông Hồ Nhân, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, cho biết Nanogen đã bắt đầu nghiên cứu làm vaccine Covid-19 từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Tháng 5/2020, Bộ KH-CN có Quyết định 1204 phê duyệt “Danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch Covid-19”, giao Nanogen đề tài nghiên cứu tạo kháng thể đơn dòng người kháng SARS-CoV-2 ứng dụng trong điều trị Covid-19.
Một tuần sau, ngày 15.5, Bộ KH-CN tiếp tục ban hành quyết định giao Công ty Nanogen nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp tạo tiểu thể giống virus và tiểu thể nano. Đến ngày 21.5, đề tài nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 của Công ty Nanogen được Bộ KH-CN phê duyệt, giao chính doanh nghiệp tổ chức chủ trì.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Hồ Nhân cho biết công ty đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để mở rộng 3 nhà máy, mua nguyên phụ liệu và dây chuyền sản xuất vaccine. Công ty đã thử nghiệm trên chuột và khỉ thành công vào tháng 6/2020. Ông Hồ Nhân cho biết tốc độ nghiên cứu vaccine của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên vì nhiều lý do như quy trình thủ tục và không có phòng thí nghiệm đủ lớn để nghiên cứu trên động vật nên đến tháng 7/2020 mới hoàn thiện hướng dẫn. Công ty cho biết đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các báo cáo đánh giá khả năng vắc xin mà Nanogen nghiên cứu tạo kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2, cho kết quả tốt. Trên cơ sở đó, công ty đã hoàn tất hồ sơ gửi trình Bộ Y tế.
Đại diện Nanogen cho biết giá sản phẩm đưa ra thị trường sẽ không quá 500.000 đồng/liều để người dân có thể tiếp cận được đồng thời đang làm việc để được đưa vào danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả.
Theo liệu trình, mỗi người từ 12 đến 75 tuổi cần tiêm hai liều, cách nhau 28 ngày. Đây là dòng vaccine cúm nên thuốc có tác dụng miễn dịch trong khoảng một năm và phải tiêm nhắc lại.
Việt kiều về Việt Nam lập nhà máy vì muốn sản xuất thuốc đặc trị chỉ bằng nửa giá thuốc nhập ngoại
Ông Hồ Nhân, sáng lập kiêm Chủ tịch Nanogen lớn lên ở New York và lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại đại học Arizona. Ông đã từng mở công ty chuyên làm về dịch vụ nghiên cứu và phân tích thuê cho các công ty dược và hoá chất. Năm 2008, ông Hồ Nhân về Việt Nam định cư và huy động 40 triệu USD để mở công ty Nanogen đặt tại khu công nghệ cao Tp.HCM. Năm 2010, Nanogen đã từng bị tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo vi phạm bản quyền trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và thuốc điều trị viêm gan siêu vi C. Khi đó, Nanogen sản xuất 2 loại thuốc này ở trong nước chỉ với giá bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại và có thị phần lên tới 80%. Sau này, ông Hồ Nhân phủ nhận tố cáo của Roche.
Hiện nay, các sản phẩm chính của NanoGenPegnano (điều trị viêm gan B, C); trên thị trường như Ficoyte (giúp tăng trưởng bạch cầu trung tính, điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong giai đang hóa trị liệu); Nanokine (điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn tính, bệnh nhân ung thư đang hóa trị liệu); Feronsure (điều trị các bênh bạch cầu tế bào tóc, sarcom Kaposi ở bệnh nhân HIV/AIDS, bạch cầu tủy mạn tính, u lympho, ung thư biểu mô tế bào thận giai đoạn tiến triển, u hắc tố ác tính…).
Sản phẩm Pegnano chữa viêm gan B,C của Nanogen
Sau 20 năm phát triển, Nanogen hiện tại có vốn điều lệ 715 tỷ đồng, tổng tài sản gần 1.370 tỷ đồng, doanh thu năm 2019 đạt gần 191 tỷ đồng và lỗ khoảng 26,58 tỷ. Trước đó, các năm 2016-2018 công ty có doanh thu xấp xỉ 180 tỷ đồng/năm và có lợi nhuận khoảng 10 tỷ.
Kết quả kinh doanh của Nanogen vẫn khá khiêm tốn so với các tên tuổi trong ngành dược
Năm 2019, Nanogen đã tăng vốn từ 650 tỷ lên 715 tỷ thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài, thu về 463,6 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty vào khoảng 5.100 tỷ đồng (220 triệu USD). Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty tăng từ 16,28% lên 25,68%, trong đó toàn bộ là các quỹ và cá nhân đến từ Hàn Quốc.
Trong 8 nhà đầu tư nước ngoài, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam nắm giữ 162.500 cổ phần (0,23%), công ty Next Science Co.Ltd có địa chỉ tại Dongtan-gil, Hàn Quốc nắm giữ 10,7% (7.475.000 cp), quỹ STIC Shariah Private Equity Fund III nắm giữ 9,3%, các tổ chức khác như HB Growth Ladder M&A Venture Fund (1,4%), Company K Promising Service Fund (1,86%), Shin Jae Won và Kim Heenyeon cùng nắm giữ 0,23%. Trong đó, nhóm quỹ STIC đã mua 10% cổ phần của Nanogen từ năm 2017.
Ông Hồ Nhân cũng là một nhà đầu tư tài chính khi tham gia vào HĐQT của công ty chứng khoán VinaSecurities.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)