Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vừa diễn ra lễ động thổ dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền Núi của CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai (Điện gió Chư Prông) và dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên của CTCP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai (Năng lượng gió Chư Prông).
Hai dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ cung cấp tổng sản lượng điện lên đến 319,5 triệu kW/năm, với doanh thu 627,6 tỷ đồng và nộp ngân sách 125 tỷ đồng mỗi năm.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Năng lượng gió Chư Prông và Điện gió Chư Prông đều được thành lập vào tháng 4/2020 với vốn điều lệ ban đầu 25 tỷ đồng, cùng đặt trụ sở chính tại 18 Hùng Vương, Pleiku, Giai Lai.
Trong đó, Điện gió Chư Prông có 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Sen (nắm giữ 80% VĐL), bà Lê Thị Giang Hà (nắm giữ 10% VĐL) và ông Nguyễn Hồng Minh (nắm giữ 10% VĐL).
Còn Năng lượng gió Chư Prông có 4 cổ đông là bà Nguyễn Thị Phương Mai (nắm giữ 45% VĐL), ông Phạm Ngọc Khánh (nắm giữ 20% VĐL), bà Nguyễn Thị Sen (nắm giữ 20% VĐL) và bà Nguyễn Thị Ngọc Minh (nắm giữ 15% VĐL).
Chân dung nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sen (Nguồn: baogialai.com.vn)
Trong khi đó, tại Năng lượng gió Chư Prông cũng xuất hiện một cổ đông pháp nhân là Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên (Chế biến Tây Nguyên) với tỷ lệ sở hữu 55% vốn. Được biết, đây cũng là doanh nghiệp được bà Nguyễn Thị Sen góp vốn thành lập.Ngày 16/6/2020, bà Nguyễn Thị Sen giảm tỷ lệ sở hữu tại Điện gió Chư Prông xuống còn 25% vốn điều lệ, 55% vốn của bà được chuyển sang cho cổ đông pháp nhân mới là CTCP Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai (Miền Núi Gia Lai) – pháp nhân thuộc sở hữu của bà Sen.
“Soi” thực lực chủ đầu tư
Đóng vai trò hạt nhân trong “hệ sinh thái” của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sen (SN 1956), Miền Núi Gia Lai được thành lập vào tháng 4/2007, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản. Tính đến cuối tháng 1/2019, công ty này có vốn điều lệ 21,1 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Sen nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 94,44% vốn.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của Miền Núi Gia Lai luôn được duy trì trên mức trăm tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên khoản lợi nhuận chỉ đạt vài tỷ đồng, thậm chí là thua lỗ.
|
Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Miền Núi Gia Lai lần lượt đạt 293,84 tỷ đồng và 190,34 tỷ đồng, lãi thuần lần lượt ở mức 3 tỷ đồng và 2,29 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 126,88 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước; lỗ thuần ở mức 5,47 tỷ đồng (năm 2018 lỗ thuần 797 triệu đồng).
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Miền núi Gia Lai đạt 104,49 tỷ đồng, tăng 7,2% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 19,7 tỷ đồng.
Chế biến Tây Nguyên được thành lập vào tháng 10/2018, trụ sở chính đặt tại 18 Lê Hồng Phong, Pleiku, Gia Lai với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn gạo. Công ty này có vốn điều lệ 35 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập là ông Phạm Ngọc Khánh (nắm giữ 20% VĐL), bà Nguyễn Thị Ngọc Minh (nắm giữ 15% VĐL), bà Nguyễn Thị Phương Mai (nắm giữ 45% VĐL) và bà Nguyễn Thị Sen (nắm giữ 20% VĐL).
Từ khi thành lập đến nay, Chế biến Tây Nguyên không phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ thuần 28,4 triệu đồng năm 2018 và 88,26 triệu đồng năm 2019.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Chế biến Tây Nguyên đạt 34,9 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 34,88 tỷ đồng.
Ngoài các pháp nhân kể trên, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sen còn là cổ đông lớn tại một loạt doanh nghiệp khác như CTCP Chè Bàu Cạn, CTCP Phát triển Năng lượng gió miền Núi, Công ty TNHH Phát triển Môi trường xanh Tây Nguyên và Công ty TNHH Quang Anh Gia Lai.
Việc UBND tỉnh Gia Lai cấp phép các dự án nghìn tỷ cho nhà đầu tư chưa rõ ràng về năng lực, thậm chí kinh doanh thua lỗ đang là chủ đề thu hút sự chú ý trên truyền thông.
Nhắc lại, hai dự án điện gió của Phát triển Miền Núi và Chế biến Tây Nguyên có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, trong đó phần vốn tự có bắt buộc của mỗi doanh nghiệp dự án là 383 tỷ đồng. Trong khi đó, Miền núi Gia Lai chỉ có vốn điều lệ 21,1 tỷ đồng, còn Chế biến Tây Nguyên chỉ có vốn điều lệ 35 tỷ đồng.
“Lướt sóng” dự án, bán lại cho doanh nghiệp Thái Lan
Một dữ liệu khác của VietTimes cho biết, ngày 7/8 vừa qua, HĐQT Eastern Power Group của Thái Lan đã thông qua chủ trương mua 2,25 triệu cổ phần, tương đương 90% cổ phần Năng lượng Gió Chu Prông với giá 7,875 triệu USD và mua 2,5 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần Điện gió Chư Prông với giá 8,75 triệu USD.
Việc mua cổ phần sẽ được tiến hành qua 5 giai đoạn, từ khi các dự án được chấp thuận đầu tư đến thời điểm được cấp phép hoạt động và đi vào vận hành.
Cập nhật theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngày 18/9/2020, EPVN W2 (HK) Company Limited – một công ty con của Eastern Power Group đã sở hữu 9% vốn tại Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai và 10% vốn tại Điện gió Chư Prông Gia Lai.
Đồng thời, ông Yuth Chinsupakul, Chủ tịch Tập đoàn Eastern Power cũng được bổ sung vào HĐQT tại 2 doanh nghiệp dự án này.
Trước đó, ngày 19/6/2020, HĐQT Eastern Power Group cũng thông qua mua lại hai dự án Điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 ở Quảng Trị từ nhóm đại gia Mai Văn Huế và Tân Hoàn Cầu Group.
Như vậy, nếu kế hoạch của Eastern Power Group hoàn thành, thì thương vụ “lướt sóng” tại 2 dự án điện gió ở Gia Lai sẽ mang về cho nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sen cùng nhóm nhà đầu tư của mình hàng trăm tỷ đồng chỉ trong khoảng thời gian ngắn./.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)