Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 9/2020, Tập đoàn TH true MILK có 2 sự kiện lớn: Khởi công dự án chăn nuôi bò sữa tập trung tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, Kontum) và Khánh thành Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Đây đều là những vùng đất “phên dậu” của Việt Nam và TH quyết định rót vào tới hàng nghìn tỷ đồng.
Những dự án nghìn tỷ
Dự án Chăn nuôi bò sữa tại Kontum có tổng mức đầu tư 2.544 tỷ đồng, xây trên diện tích 441ha. Dự án triển khai 2 mô hình: chăn nuôi đàn bò nuôi tập trung với số lượng 10.000 con, và liên kết với nông dân, dự kiến 20.000 con. Bên cạnh đó, TH sẽ xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày.
Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất vùng Tây Nguyên.
Tại Sơn La, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020-2025) có mức đầu tư 1.200 tỷ đồng với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược, giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 hecta nguyên liệu.
Trước mắt nhà máy tập trung vào chế biến các loại quả như: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo… và sản xuất các loại nước ép rau củ quả.
Tuy nhiên, đó không phải là những dự án duy nhất của TH tại các vùng hẻo lánh và hiểm trở mà chẳng mấy nhà đầu tư nông nghiệp mặn mà.
Tại Hà Giang, tập đoàn này đã xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao với quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng cùng dự án trồng và chế biến dược liệu công nghệ cao tại huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Bắc Mê. Dự án dược liệu có tổng diện tích đất 5.536 ha (gồm toàn bộ khu vực trồng cây nguyên liệu và nhà máy) và vốn đầu tư là 2.000 tỷ đồng.
Những dự án tại Phú Yên, Thanh Hóa và sắp tới là An Giang, Cao Bằng đang vẽ nên bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước. Tập đoàn này đặt mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân đạt 400.000 con.
Sự thật đằng sau
Khi bà Thái Hương quyết định làm dự án bò sữa tại Nghệ An – một vùng đất nắng nóng, hoàn toàn không phù hợp với bò sữa, Tập đoàn TH đã gặp vô số nghi ngờ. Kể cả khi dự án đã thành công, đưa sản phẩm ra thị trường với chất lượng được kiểm định thì vẫn có những nghi ngờ về “sự thật” đằng sau các dự án của TH, mà mối nghi thường gắn với quyền lợi về đất đai.
Thực tế, như bà Thái Hương nói tại lễ khởi công dự án tại Kontum: Làm nông nghiệp thì rất cần đất đai. TH có thể nuôi bò sữa công nghệ cao ở Nghệ An nhờ chính quyền chuyển đổi đất nông lâm trường, vận động quy hoạch lại đất đai cho TH.
Nhưng sau vấn đề đất, TH vẫn phải đối mặt với các khoản chi phí rất lớn để có thể nuôi bò sữa trên vùng đất nóng bằng công nghệ cao. Đó hoàn toàn không phải là con đường dễ dàng mà chỉ cần có đất là làm được.
Với Kon Tum, đây là vùng rộng lớn, mật độ dân số thấp, khí hậu cao nguyên mát mẻ rất phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa. Chi phí cho dự án này sẽ thấp hơn dự án ở Nghệ An, đó là một điểm thuận lợi của TH bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền đối với vấn đề tập trung đất nông nghiệp quy mô lớn.
Nhưng “sự thật” không chỉ có vậy.
Đầu tư dự án tại Kontum, Sơn La hay Hà Giang, Thanh Hóa… TH đều nhắm đến mục tiêu góp phần cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội địa phương, đặc biệt là các vùng nghèo khó.
Các nhà máy trước hết sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ví dụ, ở giai đoạn 1 của Nhà máy tại Sơn La, ngoài 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy thì còn có hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận.
“Chúng tôi luôn muốn hướng đến việc làm thế nào để đưa bà con nông dân gần xa và các tỉnh nghèo khó phát triển, xóa đói giảm nghèo. Và xóa đói giảm nghèo bền vững nhất là đưa họ vào một phương thức canh tác sản xuất.” – Bà Thái Hương nói.
Chính vì thế, nông dân được đưa vào chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu. Từ định hướng liên kết nhà nông thông qua các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, Tập đoàn TH sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế.
“Theo mô hình, mỗi hộ nông dân nuôi 5-10-20 con bò. Sau 5 năm họ thu được toàn bộ giá trị đầu tư ban đầu và họ thực sự làm giàu được trên con bò sữa” – Bà Thái Hương phân tích.
Trong mô hình này, Hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Từ đó, sản phẩm tạo ra từ các nhà máy này là những sản phẩm chất lượng cao và phù hợp với xu hướng tiêu thụ sản phẩm thiên nhiên, tốt cho sức khỏe của thế giới. Nếu như Kontum, Hà Giang làm ra sữa tươi sạch như trang trại Nghệ An thì nhà máy tại Sơn La sản xuất hoa quả, nước ép nguyên chất bằng công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
Mục tiêu của TH cũng là cùng nông dân đẩy mạnh kết hợp trồng cây ăn quả và dược liệu để phát triển du lịch vùng miền tại địa phương, làm kinh tế dưới tán rừng với vùng nguyên liệu dược liệu hàng nghìn hecta song song với việc phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên.
Đáng chú ý, các dự án của TH được xây ựng với hình mẫu kinh tế tuần hoàn. Nhà máy Sơn La có tỷ lệ thu hồi nước ép cao (lên tới 80%), tiết kiệm nhiên liệu (tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm điện).
Chất thải của nhà máy là các bã trái cây đã được nghiền nát, được dẫn ra khỏi nhà máy tới nhà chứa bã bằng trục vít khép kín. Tại đây bã sẽ được phơi khô làm phân bón, chất đốt hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Qui trình này hoàn toàn khép kín, bảo vệ môi trường.
Không chỉ phát triển kinh tế, có thể nói sự xuất hiện của TH ở vùng biên giới, khó khăn sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư để nâng tầm kinh tế vùng biên giới, bảo vệ biên giới.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)