Tình hình kinh tế – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh quý I/2020 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng giữa Nga và Ả Rập Saudi, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cùng với biến đổi khí hậu đã khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất bị gián đoạn.
Trong nước, giá cả bị tác động một phần bởi giá vàng, giá dầu của thế giới; ngành du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh; ngành chăn nuôi chưa kịp hồi phục sau bệnh dịch tả Châu Phi lại đối phó với nguy cơ nhiễm bệnh dịch cúm khác.
Đứng trước những khó khăn, thách thức Thành uỷ và UBND Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương vừa phải tập trung phòng, chống dịch một cách hiệu quả, quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “tất cả vì sức khoẻ, an toàn của nhân dân” vừa phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP quý I năm 2020 ước đạt 335.682 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 240.201 tỷ đồng, tăng 0,42% so năm trước (cùng kỳ tăng 7,64%).
Trong mức tăng trưởng chung 0,42% của kinh tế Thành phố: khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 4,06%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,13%, đóng góp 0,70 điểm phần trăm (trong đó công nghiệp tăng 3,37%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm, xây dựng tăng 2%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm); khu vực thương mại dịch vụ giảm 1,23%, làm giảm 0,76 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,89%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm.
− Nhìn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
− Chịu tác động nhiều nhất là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này chỉ bằng 98,77%, giảm 1,23%. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng. Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: vận tải kho bãi giảm 0,37%; kinh doanh bất động sản giảm 12,85%; giáo dục và đào tạo giảm 26,57%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%. Còn lại 4 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng như sau: thương nghiệp bán buôn, bán lẻ tăng 3,95%; thông tin và truyền thông tăng 5,07%; tài chính ngân hàng tăng 3,51%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 2,13%.
Giá trị gia tăng của 9 ngành dịch vụ chiếm 55,2% trong GRDP, chiếm 91,2% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp (21,3%), vận tải, kho bãi (9%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (4,3%), tài chính ngân hàng (6,2%).
So sánh trong nội bộ khu vực dịch vụ: 9 ngành dịch vụ chiếm 91,2%, 4 ngành chủ đạo gồm thương nghiệp, vận tải, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, tài chính ngân hàng chiếm 67,3%.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)