Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 125.000 tỷ đồng, tăng 15% và 4.750 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 21% so với năm 2020.
Dù đánh giá thị trường năm nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, MWG vẫn đặt mục tiêu trở lại đà tăng trưởng hai chữ số. Trong đó, hoạt động bán lẻ thiết bị di động và điện máy vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính. Song song, chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến đóng góp 25% doanh thu, đặt mục tiêu có lời EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) ở cấp độ Công ty.
Mảng điện máy: Mở rộng thị phần trong nước thông qua mô hình đại lý, lấn sân sang thị trường mới là Indonesia
Với ngành điện thoại điện máy, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết MWG đang nỗ lực gia tăng thị phần bằng cách mở thêm các mô hình kinh doanh để mở rộng phát triển từ thành thị đến nông thôn.
Đáng chú ý, mới đây MWG có triển khai mô hình bán hàng thông qua đại lý nhằm nối dài cánh tay và gia tăng thị phần. Hiện, MWG chiếm khoảng 50% thị phần trong khi các nhà bán lẻ khác chiếm 30%. Thị phần còn lại 15-20% đang nằm ở khoảng 20.000-30.000 cửa hàng nhỏ lẻ khác, đây là thị trường MWG vẫn chưa “với tới được” khi từng thất bại với mô hình Điện Thoại Siêu Rẻ.
Dù vậy, theo MWG, thị trường Việt Nam không còn nhiều cơ hội để gia tăng thị phần trong mảng điện thoại và điện máy. Do đó, MWG đã sớm lấn sân các thị trường lân cận.
Kết thúc năm 2020, MWG đẩy mạnh và phát triển được 51 cửa hàng Điện Máy Xanh tại (thương hiệu Bluetronics). Công ty cho biết đã hoàn tất mục tiêu mở rộng, thử nghiệm và tìm ra công thức.
Nhưng, tình hình dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này khiến MWG chưa thể thực hiện được định mở thêm 30 cửa hàng nữa. Mặt khác, dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, MWG cho biết phải đóng khoảng 22/51 cửa hàng tại Campuchia, làm doanh số sụt giảm 35% từ ngày 14/4 đến bây giờ.
Ngược lại, MWG chia sẻ đã học được cách thức kinh doanh online ở nước ngoài, dự kiến thị trường Campuchia sẽ đạt 25 triệu USD và chính thức có lời trong năm 2021.
“Trong bối cảnh dịch bệnh, bước tiến tiếp theo ra thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn nên chúng ta phải chậm lại đôi chút. MWG đã có nghiên cứu thị trường Indonesia. Đồng thời, MWG đang xúc tiến một số thủ tục để tìm hiểu sâu hơn và nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt, chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường Indonesia”, ông Hiểu Em nói thêm.
Bách Hoá Xanh: Doanh thu hiện đạt 20.000 tỷ thì lãi đã có thể đủ bù đắp chi phí cửa hàng và DC
Với chuỗi Bách Hoá Xanh, tính đến cuối năm 2020, chuỗi đã đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng. Ở mức này, theo MWG phần tiền lãi kiếm được đã có thể bù đắp cho chi phí tại cửa hàng và trung tâm phân phối.
Tuy vậy, Bách Hoá Xanh còn hai khoản chưa làm được là chi phí khấu hao và chi phí chung. Và mục tiêu của năm nay là cải thiện hiệu quả để xử lý được lên mức chi phí chung.
Trong năm 2021, ban lãnh đạo kỳ vọng tiền lãi từ Bách Hoá Xanh sẽ trang trải được mọi chi phí, ngoại trừ khấu hao là chưa xử lý được; thêm năm nữa sang 2022 thì khoản này sẽ được xử lý.
Cập nhật đến tháng 4/2021, chuỗi Bách Hóa Xanh tăng 29% doanh thu lên 2.150 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và 9% so với tháng 3. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng quay về 1,2 tỷ đồng/tháng.
Ước tính, nếu như trước kia vào những ngày không phải cuối tuần, doanh thu Bách Hoá Xanh vào khoảng 60 tỷ đồng/ngày thì những ngày gần đây, từ cuối tháng 4 sang đầu tháng 5, con số này đã lên 70 tỷ đồng/ngày.
“Nếu quý cổ đông cho rằng ESOP khiến các vị thiệt hại thì cá nhân tôi sẽ thiệt hại hơn cả quý vị rất nhiều, vì tôi đang nắm giữ 15% cổ phần tại đây”
Năm 2020, Công ty đạt doanh thu thuần hợp nhất 108.546 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% và lợi nhuận sau thuế đi ngang tại mức 3.920 tỷ đồng. Tương ứng, MWG sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối đa 15% (1.500 đồng/cp).
Song song, MWG còn phát hành 237,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức dựa trên lợi nhuận chưa phân phối với tỷ lệ 2 : 1. Sau phát hành, vốn điều lệ MWG dự tăng từ 4.754 tỷ đồng lên hơn 7.131 tỷ đồng.
Đặc biệt, về kế hoạch phát hành ESOP, sang năm 2021, MWG trình cổ đông kế hoạch phát hành với tỷ lệ tối đa 3% số cổ phiếu đang lưu hành (không quá 21,5 triệu đơn vị).
Với mệnh giá vào khoảng 142.500 đồng/cp, giá trị ESOP năm nay (tương tự hàng năm) có giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Điều này liên tục được thảo luận tại các phiên Đại hội, khi cổ đông bên ngoài phải đối mặt với vấn đề pha loãng cổ phần, giảm giá trị đầu tư trên sàn.
Trả lời, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG nhấn mạnh: “Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của Công ty đó có vấn đề”.
Vẫn giữ quan điểm trước đây, vị này cho biết việc ESOP tồn tại sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì Công ty. Chủ tịch khẳng định vẫn sẽ ủng hộ chính sách này của MWG bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất tại đây, ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG.
“Tôi mong muốn và hi vọng cổ đông hãy ở lại để xây dựng Công ty. Nếu cổ đông và ban điều hành cứ đấu đá nhau hoài sẽ tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Tài nói.
Mặt khác, ông Tài cho biết thực tế bản thân đã không tham gia vào chính sách ESOP đã 2 năm rồi. Do đó, nếu quý cổ đông cho rằng ESOP khiến các vị thiệt hại thì cá nhân ông Tài tự nhận sẽ thiệt hại hơn rất nhiều bởi ông đang nắm giữ 15% cổ phần.
Ngoài ra, Đại hội lần này cũng bầu lại các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2021 – 2024 với số ứng viên 10 người. Trong đó, ông Điêu Chính Hải Triều sẽ không còn là Thành viên HĐQT. Thay thế, ông Nguyễn Tiến Trung, Thành viên HĐQT CTCP Ôtô Sông Hàn và ông Đỗ Tiến Sĩ – Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Thép Pomina trúng cử HĐQT MWG.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)