Năm 1985, Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư và thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP).
Thuở ấy, ông Hạnh kể lại ông mang ba chục triệu USD về nước, chừng ấy phải tương đương 3 tỷ USD bây giờ. Một căn nhà trên phố Nguyễn Huệ khi ấy chỉ chừng 5.000 – 10.000 USD. Nhưng thay vì bỏ tiền mua tài sản, doanh nghiệp ông đầu tư toàn vào hàng hiệu.
“Vì sao toàn rót vào hàng hiệu? Một, hai chục năm về trước, ai nghe tới hàng hiệu thì dị ứng lắm. Họ nghĩ hàng hiệu thì cần gì? Chỉ cần đôi dép và quần áo mặc thôi…”.
“Nhưng 108 thương hiệu hàng hiệu nay là “lá chắn” để chúng tôi phát triển khu phi thuế quan“, Vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ tại sự kiện Cafe Doanh nhân HUBA với chủ đề “Câu chuyện doanh nhân”.
Giữa năm 2020, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương – doanh nghiệp của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn – trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng Khu phi thuế quan Phú Quốc 101 ha.
Mục tiêu của dự án là xây dựng khu phi thuế quan và khu thương mại, dịch vụ… nằm ngoài khu phi thuế quan ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến 6.830 tỉ đồng.
Ông Hạnh kể lại, khi đó có 5 nhà thầu, nhưng họ “bỏ chạy hết” với yêu cầu nhà thầu phải có hai chục thương hiệu.
“Khu phi thuế quan là gì? Là phải có thương hiệu, là phải có Factory Outlet, có khu hàng miễn thuế để hấp dẫn khách du lịch đến mua hàng. Đấy là khu đầu tiên chúng tôi sẽ làm“, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ.
Ván bài Factory Outlet
Một cửa hàng Outlet của Adidas tại Hongkong.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết đề án khu phi thuế quan doanh nghiệp ông đã ‘thai nghén’ trong 5 năm. Và khu phi thuế quan là thế mạnh của doanh nghiệp gia đình ông.
Vì sao khu phi thuế quan và Factory Outlet lại quan trọng?
Hàng hiệu công ty ông nhập 100 triệu USD, thì chỉ bán được 50 triệu USD ở thị trường Việt Nam, còn 50 triệu USD phải tái xuất về cho các nhà cung cấp
“Lý do Factory Outlet cực kỳ quan trọng bởi đấy là sức hút của ngành du lịch Việt Nam“, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Một lý do khác ông Hạnh bày tỏ là hàng hiệu công ty ông nhập 100 triệu USD, thì chỉ bán được 50 triệu USD ở thị trường Việt Nam, còn 50 triệu USD phải tái xuất về cho các nhà cung cấp Anh, Pháp, Đức, Ý…
Từ các mặt hàng tái xuất này, các thương hiệu mở các Factory Outlet để hút khách từ Trung Quốc, Việt Nam, các quốc gia Đông Nam Á khác qua mua…
“Tại sao chúng ta không để hàng đó tại Việt Nam mà bán cho khách du lịch tại các khu phi thuế quan? Tôi xuất ra cũng được hoàn thuế lại, hoàn thuế GTGT, hoàn thuế nhập khẩu…“, ông vua hàng hiệu nói.
Dự án Factory Outlet của doanh nghiệp ông Hạnh đã được Chính phủ lắng nghe. Cuối tháng 8/2020, Nghị định số 100/2020/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế ra đời, quy định cụ thể về chính sách thuế, đối tượng mua hàng, đồng tiền sử dụng. Trong đó, đồng tiền sử dụng trong giao dịch hàng miễn thuế được nới rộng từ đồng Việt Nam, USD, EUR đến các đồng tiền của nước có chung biên giới đất liền với địa điểm đặt cửa hàng miễn thuế tại khu vực biên giới; Đồng tiền của quốc gia nơi các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện nhập cảnh, quá cảnh tại quốc gia đó.
Khu phi thuế quan và tham vọng đón 200 triệu khách
“Đừng nghĩ mở khu phi thuế quan là mất tiền. Thưa không! Chúng ta được nhiều hơn mất. Đem hàng vô bán miễn thuế, chúng ta được gì? Được 20% trên thuế Thu nhập doanh nghiệp, được 200 triệu khách…”
“Tôi đã kinh doanh tại sân bay quốc tế Cam Ranh là 6,8 triệu khách, chỉ tính 1 sân bay. Nhưng nếu nhân tất cả toàn bộ khu vực này thì sao? Việt Nam không phải như Singapore – họ tới rồi quên. Việt Nam chúng ta miền Bắc khác, miền Trung khác, miền Nam khác, Đà Nẵng khác, Khánh Hòa khác, Vịnh Hạ Long khác, Sapa khác… Mỗi nơi đều có trung tâm khác“, ông vua hàng hiệu bày tỏ.
Ông cũng cho biết khu phi thuế quan 6.800 tỷ đồng tại Phú Quốc sẽ là khu đầu tiên doanh nghiệp ông làm.
Và khi thông tin này xuất hiện trên báo chí, phía Đà Nẵng, Nha Trang, và Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng đã ngỏ lời. Trong số đó, Phú Quốc, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), và Vân Đồn (Quảng Ninh) đã có quy hoach trở thành các đặc khu hành chính – kinh tế để thu hút đầu tư.
“Tất cả khu phi thuế quan này sẽ không thành công nếu chúng ta không có trung tâm tài chính“, ông Hạnh nói.
“Tôi muốn nhấn mạnh đây là cơ hội cho chúng ta. Cơ hội không chỉ riêng cho công ty tôi, mà cơ hội cho tất cả doanh nghiệp. Chúng ta không phải làm cho TPHCM, mà làm cho cả nước và vì cả nước, và chúng tôi sẽ là một đầu tàu. Một cây làm chẳng nên non, cả hiệp hội doanh nghiệp hợp lại sẽ thành hòn núi cao. Chúng tôi mong muốn chúng ta cùng đồng hành, cùng phát triển”.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)