Dịch Covid – 19 ảnh hưởng tới nhiều ngành công nghiệp sản xuất trên toàn thế giới, trong đó có ngành sản xuất ô tô. Chỉ tính riêng Hoa Kỳ, số lượng xe mới bán ra dự kiến chỉ đạt 14,4 triệu đến 14,6 triệu xe mới trong năm 2020 – giảm từ 17 triệu hoặc cao hơn trong 5 năm qua, tương ứng với mức giảm trên 15%.
Tính trên bình diện toàn cầu, số lượng xe bán ra cũng được dự kiến giảm tới hơn 20%, tức chỉ đạt khoảng 60 – 63 triệu xe. Điều này dẫn đến việc các hãng xe lớn buộc phải đưa ra những hành động quyết liệt để có thể tiếp tục tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Peugeot là biểu tượng của ngành sản xuất ô tô tại Pháp, tiền thân là tập đoàn Peugeot được thành lập từ năm 1810, tham gia vào nhiều ngành sản xuất kinh doanh như lưỡi cưa, máy đục, xe đạp…
Phải tới năm 1889, hãng mới bắt đầu sản xuất chiếc xe ô tô đầu tiên với chỉ ba bánh và chạy bằng động cơ hơi nước. Một năm sau, công ty sản xuất chiếc xe bốn bánh được đánh giá là tinh xảo hơn nhiều so với các xe cùng thời, sở hữu động cơ đốt xăng chạy trong theo giấy phép của Daimler.
Với bước đệm đó, năm 1896, những động cơ ô tô mang thương hiệu Peugeot đầu tiên được chế tạo; họ không còn phụ thuộc vào Daimler nữa. Cùng năm, Armand Peugeot, một trong những bộ não thiên tài của dòng họ Peugeot đã tách ra để thành lập công ty riêng với tên gọi Société Anonyme des Automobiles Peugeot nhằm tập trung vào việc sản xuất ô tô. Chỉ 3 năm sau, số lượng xe bán ra của hãng đạt con số 300, trong khi tổng doanh số bán xe hơi của toàn nước Pháp năm đó là 1.200. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra đã khiến Peugeot phải thay đổi chiến lược kinh doanh, sản xuất các loại máy móc khác thay vì ô tô.
Một trong những chiếc xe đầu tiên của Peugeot, Type 19 1899 (Ảnh: Buch-t)
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Peugeot chủ yếu chuyển sang sản xuất vũ khí, trở thành nhà sản xuất vũ khí và phương tiện quân sự lớn, từ xe bọc thép, xe đạp đến vỏ đạn. Khi chiến tranh kết thúc, việc sản xuất được khôi phục, hãng cho ra mắt một loạt động cơ mới, đồng thời sản xuất chiếc xe được cho là rẻ nhất thị trường Pháp thời bấy giờ, Peugeot 201. Trong những năm 1930, hãng cho ra mắt ba mẫu xe nổi tiếng là Peugeot 202, Peugeot 302 và Peugeot 402; không lâu sau đó, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và việc sản xuất lại một lần nữa bị tạm dừng.
Peugeot 201, một trong những xe nổi bật của hãng xe Pháp (Ảnh: Catawiki)
Năm 1946, chiến tranh chấm dứt, công ty bắt đầu lại việc sản xuất ô tô với việc bán ra 14.000 bản Peugeot 202 và lập kỷ lục về số xe bán được trong năm 1947 với Peugeot 203. Năm 1960, hãng bắt đầu bán những chiếc Peugeot 404 đầu tiên tại Hoa Kỳ trong công cuộc mở rộng thị trường. 15 năm sau, hãng tiếp quản lại Citroën và hợp nhất thành tập đoàn PSA, đồng thời mua lại Chrysler châu Âu vào năm 1978; sau hợp nhất, PSA phát triển mạnh mẽ nhiều năm sau đó.
Tuy nhiên sau giai đoạn thành công này, hãng bắt đầu tỏ ra tụt lại tại thị trường Mỹ và Canada. Những dòng xe của hãng tỏ ra thiếu sức cạnh tranh do thiết kế cũ kỹ và không có gì nổi bật khi so sánh với các sản phẩm tại 2 quốc gia này. Tổng doanh số bán hàng của Peugeot tại hai thị trường này đã giảm xuống còn 4.261 chiếc vào năm 1990 và 2.240 chiếc cho đến tháng 7 năm 1991, khiến công ty phải ngừng hoạt động tại Mỹ và Canada sau 33 năm.
Những năm tiếp theo, hoạt động kinh doanh xe của hãng cũng không thật sự nổi bật như thời kỳ trước đó, dẫn đến việc năm 2014, gia đình Peugeot đã đồng ý từ bỏ quyền kiểm soát công ty bằng cách giảm tỷ lệ nắm giữ từ 25% xuống 14%. Đồng thời, Dongfeng Motors và chính phủ Pháp cũng mua lại mỗi nhà đầu tư 14% cổ phần của công ty, tạo ra ba đối tác có quyền biểu quyết ngang nhau. Việc hợp tác giúp Peugeot mở rộng sản xuất của mình tại Trung Quốc, trước khi đi đến quyết định hợp nhất vào đầu năm nay với Fiat.
Một trong những chiếc xe được sản xuất bởi sự hợp tác của Dongfeng và Peugeot (Ảnh: Chinadaily)
Đối tác hợp nhất của Peugeot là Fiat, một hãng xe có tuổi đời 121 năm với trụ sở đặt tại Italia. Được thành lập bởi ông Giovanni Agnelli, Fiat bắt đầu sản xuất xe ô tô từ năm 1900 với số lượng 24 chiếc xe. 6 năm sau, bằng tài năng và sự chăm chỉ của các kỹ sư, số lượng xe sản xuất của công ty đã lên tới trên 1000; đồng thời công ty cũng niêm yết cổ phiếu ra công chúng trên sàn chứng khoán Milan.
Kể từ năm 1910, Fiat trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Italia, tuy nhiên việc sản xuất cũng phải tạm dừng vì chiến tranh. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Fiat đã phải dành tất cả các nhà máy của mình để cung cấp máy bay, động cơ, súng máy, xe tải và xe cứu thương cho quân Đồng minh.
Nhưng gần như ngay sau khi những cuộc chiến kết thúc, Fiat đã quay trở lại vị thế hàng đầu với 80% thị phần sản xuất xe ô tô tại Ý. Đến năm 1925, Fiat kiểm soát tới 87% thị trường xe hơi Ý và giữ vững ngôi vị nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại châu Âu; 4 năm sau, hãng giới thiệu chiếc xe Fiat 509 độc đáo ra thị trường.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, năm 1945, Ủy ban Giải phóng Quốc gia Italia đã loại bỏ gia đình Agnelli khỏi vai trò lãnh đạo ở Fiat vì có quan hệ với chính phủ phát xít của Mussolini; phải tới năm 1963, cháu trai của Giovanni là Gianni mới quay trở lại cương vị Tổng giám đốc và sau đó là chủ tịch của Fiat, khôi phục lại vị thế cho gia tộc Agnelli.
Xe Fiat 509 phiên bản 1929 độc đáo của hãng xe hơi hàng đầu Italia (Ảnh: Classic Driver)
Tới năm 1970, Fiat sản xuất tới hơn 1.4 triệu xe ô tô với hơn 100,000 công nhân tại Italia, giữ vững vị thế hàng đầu tại châu Âu và thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ sau GM và Ford trong giai đoạn này. Sau đó, cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô những năm 80 của thế kỷ trước đã gây ra nhiều khó khăn cho công ty; tuy nhiên công ty nhanh chóng hồi phục và duy trì được phần nào vị thế của mình. Tới năm 2013, Fiat vẫn là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai châu Âu và thứ bảy thế giới. Hàng triệu chiếc xe ô tô của hãng tiếp tục được ưa chuộng tại nhiều thị trường như châu Âu, Brazil (nơi mà Fiat là hãng xe có doanh số hàng đầu), Mỹ, châu Á…
Thị trường tiêu thụ chính của Fiat là tại Mỹ, theo số liệu năm 2018 (Ảnh: Fiat)
Mặc dù là hai nhà sản xuất xe hàng đầu của Ý và Pháp, song nhu cầu về xe ô tô giảm tại thị trường chính là châu Âu những năm gần đây, cùng với ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid – 19 khiến hai hãng xe tính toán đến việc hợp nhất. Và điều này đã diễn ra tương đối thuận lợi, khi tỷ lệ chấp thuận lên tới 99%.
Công ty mới được thành lập sẽ mang tên Stellantis có giá trị được ước tính là 52 tỷ USD và là doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới. Với sản lượng hàng năm khoảng 8 triệu xe trên toàn cầu cùng doanh thu hơn 165 tỷ euro (203 tỷ USD), công ty mới thành lập này dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngành công nghiệp ô tô bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những chiếc xe điện.
Stellantis – hãng xe mới được hình thành từ Fiat và Peugeot (Ảnh: Motor1)
Việc sáp nhập sẽ giúp cho hai hãng xe hưởng lợi từ việc cắt giảm nhiều loại chi phí cũng như tận dụng thương hiệu, các công nghệ mà hai hãng sở hữu. Stellantis sẽ sở hữu 14 thương hiệu, bao gồm Fiat, Maserati, Jeep, Dodge và Ram cho đến Peugeot, Citroen, Opel, tập trung vào các thị trường Châu Âu và Mỹ. Cổ phiếu của Stellantis sẽ bắt đầu giao dịch tại sàn chứng khoán Milan và Paris vào ngày 18 tháng 1 và tại New York một ngày sau đó theo kế hoạch được hai nhà sản xuất ô tô công bố. Đồng thời, hai công ty cũng cam kết sẽ không đóng cửa thêm một nhà máy sản xuất nào trong thời gian sắp tới.
Như vậy, những khó khăn từ dịch Covid – 19 tạo nên cùng với việc thế giới bắt đầu chuyển sang sản xuất những loại xe sử dụng năng lượng sạch, mà đi đầu là Tesla đã làm cho nhiều hãng sản xuất xe truyền thống phải thay đổi. Việc sáp nhập của hai hãng xe hàng đầu châu Âu chính là tiền đề để họ có thể tạo dựng vị thế mới với những thương hiệu nổi tiếng của mình cùng việc nghiên cứu và phát triển nhiều loại xe điện trong tương lai. Điều này được hi vọng sẽ mang đến những tín hiệu tích cực trong ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô trên toàn thế giới.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)