Financial Times: Siêu chu kỳ hàng hóa đang đến?

Đã một thập kỷ kể từ thời điểm diễn ra cuộc bùng nổ cuối cùng của thị trường hàng hóa, sự kiện được kích hoạt bởi sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Nhưng một đợt tăng giá trên diện rộng đã đẩy giá các nguyên liệu thô quan trọng bao gồm đồng, gỗ, quặng sắt lên mức cao nhất mọi thời đại cùng với các mặt hàng nông nghiệp. Kỳ vọng về một siêu chu kỳ hàng hóa mới đã xuất hiện.

Nhưng siêu chu kỳ hàng hóa là gì, điều gì làm cho nó khác với các chu kỳ kinh doanh ngắn hạn?

Siêu chu kỳ

Mặc dù không có định nghĩa thống nhất về siêu chu kỳ, nhưng từ này thường được dùng để mô tả thời kỳ mà giá hàng hóa tăng trên xu hướng dài hạn trong khoảng từ 10 – 35 năm.

Sự tăng giá kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu trong khoảng thời gian này, cuối cùng cung bắt kịp cầu. Kết quả là một chu kỳ đầy đủ có thể kéo dài từ 20 đến 70 năm.

Chỉ số hàng hóa của Bloomberg

Theo Capital Economics, siêu chu kỳ hàng hóa tăng giá thường được kích hoạt bởi “một số loại cơ cấu thúc đẩy nhu cầu đủ lớn ở mức độ toàn cầu” và nguồn cung đáp ứng chậm.

Với tài nguyên thiên nhiên, thường có độ trễ giữa cung và cầu vì có thể mất 10 năm trở lên để xây dựng một mỏ và phát triển một mỏ dầu cỡ lớn.

Bao nhiêu siêu chu kỳ đã diễn ra?

Tính đến nay, các nhà kinh tế đã xác định 4 giai đoạn tăng giá hàng hóa. Lần đầu tiên trùng với giai đoạn Mỹ nổi lên như một cường quốc kinh tế những năm 1880.

Đợt thứ hai đi cùng giai đoạn tái vũ trang những năm 1930 và tiếp sau đó bước vào thời kỳ tái thiết sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Siêu chu kỳ hàng hóa thứ ba diễn ra trong giai đoạn cú sốc giá dầu những năm 1970, điều này gián tiếp thúc đẩy giá các mặt hàng khác do tăng chi phí sản xuất.

Đợt bùng nổ giá gần đây nhất diễn ra trong thời kỳ công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc bắt đầu tư cuối những năm 1990. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự tăng giá mạnh của các mặt hàng nông nghiệp gây ra cuộc khủng hoảng lương thực 2007 – 2008.

Siêu chu kỳ từ Trung Quốc

Tốc độ và quy mô đô thị hóa của Trung Quốc vào đầu những năm 2000 khiến ngành tài nguyên thiên nhiên phải bất ngờ. Các nhà sản xuất và khai thác dầu lớn đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thô vô độ của Trung Quốc khi nước này bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế chóng mặt. Họ chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng và thành lập các thành phố mới.

Kết quả là giá đồng, vốn chỉ ở mức 2.000 USD/tấn trong giai đoạn 1990 tăng cao kỷ lục lên trên 10.000 USD. Trong khi đó dầu đạt 140 USD/thùng. Khi cung cuối cùng bắt kịp cầu vào năm 2011, thị trường hàng hóa rơi vào vòng xoáy sụt giảm.

Một siêu chu kỳ khác đang đến?

Đối với các nhà đầu cơ hàng hóa như Goldman Sachs, câu trả lời là đúng. Họ cho rằng đại dịch COVID-19 đã mở ra một kỷ nguyên mới của tăng trưởng thâm dụng hàng hóa khi các chính phủ chú trọng nhiều hơn vào tạo việc làm và tính bền vững của môi trường hơn là tập trung vào ổn định tài chính như cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2009.

Tổ chức này lấy kế hoạch hành động 2.300 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden và Thỏa thuận Xanh châu Âu làm bằng chứng, cả hai sẽ bơm ra lượng tiền đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng và các dự án thâm dụng hàng hóa nhằm đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các nhà đầu cơ giá lên hàng hóa nhấn mạnh việc giá thấp trong nhiều năm đã khiến cho các nhà sản xuất hạn chế chi tiêu vào các dự án mới và đầu tư mở rộng, khiến nguồn cung bị siết chặt.

“Tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một siêu chu kỳ”, Ivan Glasenberg, Giám đốc điều hành của Glencore một trong những công ty giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới cho biết.

Điều này không chỉ đúng với ngành khai thác mỏ, nơi đầu tư bị cắt giảm sau đợt suy thoái tàn khốc năm 2014; mà còn cả với dầu mỏ, nơi nhiều công ty đang tìm cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Một số ngân hàng ở phố Wall cho rằng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục vượt xa tốc độ tăng trưởng nguồn cung trong những năm tới, có khả năng tạo nên đợt tăng giá cuối cùng trước khi xe điện khiến lượng tiêu thụ đạt đỉnh.

Trong nông nghiệp, nhu cầu và nhiên liệu sinh học của Trung Quốc đang thúc đẩy giá ngũ cốc và hạt dầu. Nhu cầu ngô của Trung Quốc dường như đang ở một quỹ đạo mới khi nước này tìm kiếm nguồn nhập khẩu làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời, sự tập trung vào năng lượng tái tạo ở một số quốc gia đang chú ý đến nhiên liệu sinh học được sản xuất từ các nguồn nông nghiệp.

Có lý do để nghi ngờ?

Đúng. Đối với nhiều nhà kinh tế, hiệu suất tăng chóng mặt của hàng hóa từ mức thấp năm 2020 do COVID-19 chỉ là sự đi lên theo chu kỳ được thúc đẩy bởi gói tài chính – tiền tệ khổng lồ đối phó với đại dịch.

Họ cho rằng đang thiếu một câu chuyện cơ cấu thuyết phục như những lần thúc đẩy siêu chu kỳ trước đây và sự chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu sẽ không xuất hiện đủ nhanh để bù đắp tác động của việc tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nơi các biện pháp kích thích thời đại dịch đã bị rút lại.

Những người hoài nghi cho rằng sự tăng giá sẽ tập trung vào một nhóm nhỏ kim loại công nghiệp như đồng, coban, niken, vốn là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng và các dự án mới đang bị thiếu hụt nguồn cung.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *