Founder “Tối nay ăn gì” trải lòng sau thỏa thuận bất thành với Shark Việt: Bám theo chiến lược con gián “bò thấp để tồn tại”, đặt mục tiêu hơn 1.000 POD tại Việt Nam

Startup “Tối nay ăn gì” từng gây chú ý khi có màn gọi vốn khá ấn tượng và “sóng gió” tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3. Đây là một ứng dụng gợi ý món ăn, giúp khách hàng đặt mua và nhận thực phẩm sơ chế phục vụ cho bữa tối một cách nhanh chóng mà không cần đau đầu suy nghĩ xem “Tối nay ăn món gì?”.

Dù mô hình của founder Lê Thị Thùy Linh bị các “cá mập” đánh giá là chưa thực sự mới mẻ hay “chưa trúng long mạch” nhưng cuối cùng, “Tối nay ăn gì” đã thuyết phục thành công shark Việt rót vốn, với thỏa thuận 2,5 tỷ đổi lấy 36% cổ phần. Không chỉ vậy, đến phút cuối của chương trình, nữ founder còn có màn cá cược trị giá 2,5 tỷ với shark Bình, thể hiện quyết tâm đi đến cùng với “đứa con tinh thần”.

Tuy nhiên, trong buổi trò chuyện với Trí thức trẻ gần đây, chị Thùy Linh cho biết đã dừng việc DD với shark Việt sau hơn một năm làm việc cùng nhau.

“Ban đầu cả hai bên khá cởi mở nhưng đến thời điểm bùng phát dịch Covid, mỗi bên lại có những khó khăn riêng, chúng tôi cũng thay đổi mô hình kinh doanh. Shark Việt không còn cảm thấy phù hợp, mô hình của “Tối nay ăn gì” lại không phải thế mạnh của Intracom” nên chúng tôi quyết định dừng việc DD”, nữ founder chia sẻ.


Thay đổi mô hình

Trong suốt một năm kể từ khi lên sóng Shark Tank đến nay, chị Thùy Linh chuyển hướng startup của mình sang mô hình sàn thương mại điện tử. Quy trình đặt hàng, giao và nhận hàng vẫn như cũ, nhưng “Tối nay ăn gì” sẽ không tự phát triển các điểm bán nữa. Thay vào đó là triển khai các điểm giao hàng cá nhân.

Ví dụ, bất kỳ ai – sinh sống tại chung cư hay khu vực đông dân cư, có khả năng nhận, sơ chế và giao thực phẩm, đều có thể đăng ký làm điểm POD (Point of Delivery) và giao cho các khách hàng ở gần đó.

“Khi ấy, mối quan hệ hàng xóm láng giềng của bạn sẽ được phát huy”, chị Linh cho biết.

Hiện có hai nguồn cung cấp thực phẩm cho các POD, hoặc do “Tối nay ăn gì” giới thiệu đối tác, hoặc có thể lấy từ chính trang trại của PODer cá nhân (nếu có). Nữ founder cho biết ở cả hai hình thức, công ty đều có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra chất lượng, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Trong giai đoạn cao điểm chống Covid, nếu như dịch vụ đi chợ hộ có cơ hội phát triển bùng nổ thì “Tối nay ăn gì” cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, chị Linh cho biết đó chỉ là hiện tượng mang tính thời điểm, khi cuộc sống bình ổn trở lại thì làn sóng này cũng không còn nữa.

Đồng thời, dẫu đã xuất hiện những “tay chơi” nặng đô như Grab Mart, Now hay be nhưng nữ founder vẫn tự tin về sự khác biệt trong mô hình của mình.

“Nhiều bên cũng đang làm về lĩnh vực này nhưng giao diện của họ đơn thuần chỉ là giao thực phẩm. Chúng tôi có thể làm hơn thế. Nếu như với các ứng dụng khác, bạn vẫn phải nghĩ món ăn trước rồi tìm nguyên liệu thì ‘Tối nay ăn gì” làm ngược lại. Chúng tôi gợi ý món ăn, có công thức chuẩn và gợi ý luôn các nguyên liệu để giúp mọi người đi chợ nhanh hơn, nấu nướng đơn giản hơn.

Miếng bánh thị trường rất lớn, không ai có thể chiếm được hoàn toàn. Nếu tập trung và dồn nhiều tâm huyết thì sẽ có phần dành cho mình”.

Từ 3 điểm POD, hiện “Tối nay ăn gì” đã phát triển được trên 60 điểm trên địa bàn Hà Nội, 1 điểm tại TP. HCM. Số lượng khách hàng thường xuyên đạt khoảng 1.000 người, giao dịch ít nhất 2 lần/tuần. Giá trị mỗi đơn hàng trung bình ở mức khoảng 165.000 đồng.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến nhiều con đường của giới startup vốn đã chông gai lại càng thêm nhọc nhằn. “Tối nay ăn gì” cũng không phải ngoại lệ. Nguồn vốn có hạn, các quỹ đầu tư lao đao vì khủng hoảng mà hạn chế rót vốn, startup này phải tạm thời gác lại kế hoạch mở rộng và tăng trưởng của mình.

“Với mô hình POD cá nhân, ban đầu chúng tôi có rất nhiều mục tiêu nhưng do thực tế khó khăn về tài chính, đội ngũ phải lo đến những yếu tố sống còn trước, đi chậm và chắc hơn. Nếu không có vốn đầu tư thì công ty cứ tăng trưởng chậm chậm thôi”, chị Linh thẳng thắn nhìn nhận.

Việc phát triển chức năng gợi ý menu theo độ tuổi, giới tính hay tình trạng sức khỏe nằm trong giai đoạn 2 của dự án và hiện đang tạm dừng để tập trung phát triển những tính năng đã có.

Chiến lược hiện tại của “Tối nay ăn gì” giống như những con gián, “bò rất thấp nhưng phải tồn tại được”. Nữ founder cũng không ngại nếu trong tương lai, startup của mình được một “con cá” lớn hơn nuốt. Chị cho rằng chỉ cần có thể phát triển với định hướng và sứ mệnh đã đề ra, việc mang danh nghĩa nào cũng không còn quá quan trọng.


Chồng ủng hộ hay không thì vẫn làm

Trò chuyện với phóng viên, chị Thùy Linh tiết lộ rằng đã từng startup 2 lần trước khi bắt đầu hành trình với “Tối nay ăn gì”. Một lần trong lĩnh vực LED, một về thời trang. Tất cả đều không phải chuyên môn của cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân.

“Tối nay ăn gì” là ước mơ mà nữ founder đã ấp ủ từ lâu nhưng do thời thế chưa phù hợp, chị phải chọn ngành khác để nuôi sống gia đình cũng như tích lũy nguồn vốn đủ lớn.

“Từ việc quan tâm tới sức khỏe cộng đồng, tôi muốn mọi người có một sức khỏe và những bữa ăn lành mạnh. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng nhưng thôi mình cứ làm, làm từ từ và khi có nhiều người đồng hành cùng, mọi thứ sẽ thay đổi dần”.

Vốn đã “yên bề” với công ty về LED nên việc khởi nghiệp của chị gặp phải nhiều sự phản đối của gia đình. Tuy nhiên dường như điều này không quá ảnh hưởng đến nữ founder.

“Tôi là người rất rõ ràng giữa công việc và gia đình. Dù có nhận được sự hỗ trợ, hậu thuẫn từ gia đình hay không thì mình vẫn giữ nguyên quyết tâm với công việc. Được chồng ủng hộ là niềm động viên nhưng điều này cũng không quá ảnh hưởng đến quyết định của tôi khi bắt đầu startup.

Bên cạnh đó, gia đình của chúng tôi có sự độc lập nhất định. Chồng theo kỹ thuật còn tôi lại có thiên hướng kinh doanh nhiều hơn. Do đó, tất cả các quyết định đều dựa trên sự tôn trọng và khả năng của mỗi người. Đồng thời, chúng tôi cũng kết hôn đủ lâu để hiểu được tính cách và khả năng của người bạn đời, nên không có chuyện phản đối hay kìm hãm nhau”.

May mắn, sau một thời gian, nữ founder đã nhận được sự ủng hộ của người thân để theo đuổi đam mê.

Là mẹ của 3 em bé, chị Thùy Linh thừa nhận những áp lực mà nữ giới phải đối mặt trong cuộc sống, đặc biệt với những phụ nữ lãnh đạo hay startup. Phụ nữ thường tỉ mỉ, chắc chắn hơn nam giới nên việc quản lý tài chính có chút lợi thế. Tuy nhiên, việc phát triển những mối quan hệ, giao lưu tìm kiếm đối tác, khách hàng thì họ thiệt thòi hơn các đấng mày râu do còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình.

“Nhiều người hỏi tôi cách làm thế nào để cân bằng cuộc sống. Tôi cũng có lúc chông chênh giữa gia đình và sự nghiệp, khi bên này, lúc lại bên kia. Quan trọng là bản thân phải biết mình muốn một cuộc sống như thế nào.”


“Các nhà đầu tư có lẽ sẽ không thích điều này”

Chị Thùy Linh thẳng thắn chia sẻ: “Bản thân tôi không phải người quá tham vọng trong công việc, tôi làm vì đam mê nên tinh thần rất thoải mái. Tôi không đặt mục tiêu cho mình hay cho đội ngũ rằng phải tranh đua với ai, chiếm lĩnh điều gì. Chúng tôi làm mọi thứ theo cách tự nhiên và đúng khả năng của bản thân”.

Sau hơn 14 năm kinh doanh các lĩnh vực khác nhau, nữ founder tin rằng điều quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn cả là sức khỏe và sự cân bằng cuộc sống của đội ngũ, không ai phải “sống chết” chạy theo công việc.

Tất nhiên không có tham vọng thì chẳng có cạnh tranh. Có thể các nhà đầu tư, các quỹ nước ngoài sẽ không thích điều này nhưng nếu cứ suốt ngày chỉ chạy theo những KPI thì bản thân chúng tôi đang không tôn trọng chính mình. Bởi đây là ước mơ của chúng tôi, chúng tôi cần sức khỏe về tinh thần, thể chất để theo đuổi lâu dài. Ở tầm tuổi này, mình cần những người bạn đồng hành hơn là những đầu tư chỉ nghĩ đến tiền.”

Biết rằng dấn thân vào một con đường còn khá mới mẻ đồng nghĩa với việc có vô vàn khó khăn đang đón chờ, nhà sáng lập “Tối nay ăn gì” cũng đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Với người phụ nữ này, việc chuẩn bị là cần thiết và sẽ giúp bản thân cố gắng nhiều hơn. Sau cùng, làm được việc mình yêu thích đã là một niềm hạnh phúc, kết quả thế nào thì vẫn luôn vui vẻ.

Nói về bức tranh của “Tối nay ăn gì” trong tương lai, chị Linh đặt kỳ vọng sẽ phủ được 500 điểm POD tại Hà Nội và 600 điểm tại Sài Gòn, hướng đến các thực phẩm đều lạnh mạnh, tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc từ thực vật nhiều hơn.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *