Ngay lập tức, con số 1 tỷ USD GMV (Tổng giá trị tiêu dùng – ND) đạt được vào năm 2021 do GIGA1 công bố gây choáng váng thị trường. Tuy nhiên, các cơ sở để vươn tới mục tiêu này, đã dần hé lộ với đối tác và giới đầu tư.
“Không có Yeah1, sẽ không có GIGA1”
Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Nhà sáng lập & Chủ tịch của Yeah1 tại Sự kiện ra mắt “GIGA1 Chiếm Lĩnh Tương Lai”. Trên nền bùng nổ nhắc lại cú IPO kỷ lục hồi năm 2018 – đưa Yeah1 đến nay là công ty truyền thông đầu tiên và duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh Hose, vị doanh nhân trẻ mỉm cười nhắc lại về cú vấp ngã với đối tác toàn cầu Youtube, nhưng cũng là cột mốc quyết định: Yeah1 cần tiến thật xa, thật nhanh khỏi mảng media truyền thống.
Các nền tảng Media là chưa đủ, cho dù các kỷ lục của Yeah1 sẽ còn rất lâu mới có đơn vị nội địa khác đuổi kịp. Khi Media kết hợp với các thành tố khác: Phân phối (Distribution) – Mua bán (Purchase) – Chương trình Loyalty, cộng với dữ liệu người dùng được tích hợp suốt 14 năm khuấy đảo mặt trận social và digital, ngay lập tức Hệ sinh thái GIGA1 do Yeah1 kiến tạo nên đã đủ cứng cáp để thách thức các tiêu chuẩn thông thường của thị trường bán lẻ.
Hay nói cách khác, GIGA1 theo đuổi mục tiêu công nghệ hóa bán lẻ, và dồn toàn lực trong thời gian qua để trình làng các giải pháp nâng tầm phương thức Phân phối – Tiêu dùng – Trung thành.
736.584 sản phẩm bán ra trong ngày và con số 1 tỷ USD
Khi nhận nhiệm vụ lèo lái cỗ máy bán lẻ 4.0, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Tổng giám đốc GIGA1 đã chia sẻ trên sân khấu: “Chúng tôi muốn các bạn tập trung vào các con số. Một ý tưởng đẹp vượt thời đại, sẽ vô hiệu nếu thiếu đi mục tiêu của những con số.”
Đầu tiên, đó là con số 736.584 sản phẩm được tiêu thụ trong một ngày của Giga1 thời gian vừa qua và chắc chắn nó sẽ còn bị phá vỡ và cán những mốc “kỷ lục” hơn nữa trong thời gian sắp tới. Cỗ máy bán lẻ khởi động với sự hợp tác thương mại cùng Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Nếu tính vị chi, hơn 22 triệu chai nước được GIGA1 bán ra trong vòng 1 tháng, đủ sức lay động doanh thu của tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam. “Đó mới chỉ là một sản phẩm và một thương hiệu – chúng tôi hướng đến con số 2 triệu chai nước một ngày trong năm 2021. Và bạn hãy nhân lên với số lượng các nhãn hàng, thương hiệu và đối tác khác đang đồng hành cùng GIGA1”, bà Quỳnh Anh tiếp tục.
Như vậy, 1 tỷ USD giá trị giao dịch và tiêu dùng hoàn toàn có thể vươn tới. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, GIGA1 cần sự thâm nhập và mở rộng các ngành hàng có giá trị thặng dư cao. Sắp tới, nước uống và giải khát sẽ tiếp nối chuỗi mua bán tiêu dùng nhanh, ngoài ra còn phải kể đến ngành hàng Mẹ & Bé, Mỹ phẩm, Điện gia dụng, Vận tải hàng không; cũng như kết hợp tín dụng tiêu dùng và phương thức tài chính. Một sự đồng hành cùng thắng lợi win-win mà GIGA1 mang lại cho các đối tác, hợp lực lay động thị trường bán lẻ.
GIGA1 đang làm điều đó như thế nào?
Câu trả lời đơn giản từ bà Quỳnh Anh cũng bất ngờ như chính ý tưởng của GIGA1: “Chúng tôi không làm điều gì đặc biệt, mà công nghệ hóa hoàn toàn các phương thức bán lẻ truyền thống.”
“Ví dụ, hàng hóa được tối giản tối đa các công đoạn phân phối, điều này giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí. Tất cả hành vi mua bán, phân phối đều tích hợp qua ứng dụng. Vẻ đẹp của GIGA1 còn thuyết phục ở chỗ: Mua vào (Sell-in) được thì Bán ra (Sell-out) lại càng được. Tất cả các bên từ Nhà sản xuất, Chủ điểm bán cho tới Người tiêu dùng, đều hưởng lợi và tích cực tham gia vào hệ sinh thái.”
Minh họa cho chiến lược này không gì rõ ràng hơn sự tiên phong của tổ hợp ứng dụng Mega1. Nếu như ứng dụng Mega1Shop là cầu nối vô cùng tiện ích giữa Nhà sản xuất và Điểm bán – một sự tiên phong của số hóa các tạp hóa truyền thống, thì Mega1Sale là điểm chạm vươn tới Người tiêu dùng cuối. Hình thức phân phối được tinh giản hóa nhờ ứng dụng Mega1Van và Mega1Go, đó là chưa kể đến hệ thống tích hợp mua bán trực tuyến Mega1Mall và chuỗi kho bãi chuẩn mực giao nhận Mega1GoldHouse.
Với thị trường, có thể nhìn nhận GIGA1 đang ôm đồm các hệ thống đa kênh. Tuy nhiên, nếu nhìn về bức tranh lớn của bán lẻ, từng nhân tố đều có vai trò ngang nhau trong Hệ sinh thái Tiêu dùng này, và cùng phục vụ mục tiêu cuối cùng: Hiện thực hóa tương lai bán lẻ – Đặt người dùng vào trọng tâm tiêu dùng, mua bán, thanh toán.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)