Có những nguyên lý, những hiệu ứng đang được các doanh nghiệp ứng dụng để phát triển hệ thống sản xuất kinh doanh. Hiệu ứng fomo – nỗi sợ hãi khi bỏ lỡ một điều thú vị, hay hiệu ứng thỏi nam châm – sức hút – đang là những hiệu ứng được ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt, thời đại thương mại điện tử, các trang thương mại điện tử đang ứng dụng những hiệu ứng này để gia tăng tương tác với khách hàng.
Hiệu ứng Fomo – nỗi sợ hãi khi bỏ lỡ một điều thú vị
Hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out) còn được biết đến là nỗi sợ hãi khi bỏ lỡ một điều thú vị nào đó mà người khác đang trải nghiệm. Trên thực tế, hiệu ứng Fomo khiến bạn luôn luôn phải cập nhật, chú ý vào những diễn biến quanh mình để không bị bỏ lỡ những điều quan trọng khác.
Những năm gần đây, số lượng người dùng truy cập các trang thương mại điện tử đang ngày một gia tăng. Cùng với đó, các trang thương mại điện tử cũng đang dùng rất nhiều chiêu thức, hiệu ứng để thu hút khách hàng.
Khi bạn ghé thăm một trang thương mại điện tử, bạn xem qua 1 sản phẩm và rồi một quảng cáo hiện ra với nội dung hấp dẫn giảm giá xx% trong khoảng thời gian nào đó. Bạn bỏ qua, xem tiếp điều bạn đang làm, nhưng tâm trí thì vẫn thôi thúc bạn quay trở lạ với cái quảng cáo hấp dẫn kia. Khi bạn rời đi rồi vẫn quay lại, chính là hiệu ứng Fomo. Các doanh nghiệp ứng dụng hiệu ứng này bằng các hình ảnh quảng cáo bắt mắt, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút sự chú ý của khách hàng. Không khó để bắt gặp những chương trình khuyến mãi hấp dẫn khi ghé thăm các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo…
FOMO là một trong những ứng dụng hành vi tâm lý người tiêu dùng để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất, đặc biệt trên các trang website thương mại điện tử kích thích nhu cầu tiêu dùng gia tăng doanh số hoạt động của công ty.
Thành lập vào năm 2015, Shopee lại nhanh chóng giành được ưu thế và tầm ảnh hưởng do xác định phân khúc khách hàng tốt, tập trung vào các chủ shop online và các đối tượng khách hàng trẻ. Shopee nhận vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty SEA (Singapore). Tencent (công ty công nghệ của Trung Quốc) đang là cổ đông lớn nhất của SEA – công ty mẹ của Shopee với 40% cổ phần.
Tiki là một trong những trang web mua sắm trực tuyến hàng đầu Việt Nam sở hữu hơn 800.000 khách hàng và cung cấp đến 120.000 sản phẩm thuộc 10 ngành hàng khác nhau. Bên cạnh đó dịch vụ vận chuyển thần tốc Tikinow trong 2h giúp khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến một cách tiện lợi vừa tiết kiệm được thời gian, công sức. tại Tiki, có nhiều tên tuổi xuất hiện như VNG (Việt Nam), quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ EDBI của Singapore, JD.com của Trung Quốc và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; đến từ Nhật như CyberAgent Ventures, Sumitomo…
Lazada thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma, có mặt ở Việt Nam từ năm 2012. Sàn thương mại điện tử này không cung cấp tất cả các hàng hóa dịch vụ mà chủ yếu là tạo ra sàn giao dịch online cho các cửa hàng đăng ký bán hàng trên website, công ty chỉ đảm bảo về giao dịch trực tuyến và quản lý cửa hàng, khách hàng. Tại Alibaba, ngoài các nhà đầu tư của Alibaba còn có sự xuất hiện của Temasek của Singapore…
Những trang thương mại điện tử này thường đưa ra nhiều deal hấp dẫn, trong đó có thể kể đến như việc dùng thời gian thanh toán giá hời chỉ còn đếm ngược bằng giờ nhằm tạo ra sự thúc giục cho người mua hàng là điều mà FOMO hướng đến. Khách hàng sẽ có xu hướng nhanh chóng thanh toán, hoàn tất các thủ tục thanh toán để mua sản phẩm.
Những thỏi nam châm
Những sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo hay Shopee đang rất phát triển. Tuy vậy, hiện nay, một mô hình khác, kết hợp offline và online đã và đang phát triển mạnh, âm thầm xâm nhập vào thế giới thương mại điện tử theo một cách khác – đó là mô hình mà Thế giới di động đang áp dụng tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh và The CrownX thực hiện trên nền tảng các cửa hàng Vinmart. Thế giới di động và Masan dùng chính các chuỗi cửa hàng offline để làm nam châm, thu hút khách hàng tiến tới giao dịch online.
Các siêu thị, trung tâm thương mại đang áp dụng các chiến lược nam châm trong bán hàng nhằm mở rộng tệp khách hàng. Một trong những ví dụ điển hình là BigC với “thỏi nam châm” là những chiếc bánh mỳ. Các trung tâm thương mại luôn có các cửa hàng trà sữa được giới trẻ yêu thích như Hoi, hay các khu vui chơi, các cửa hàng đồ ăn nhanh KFC, McDonald’s…để thu hút khách hàng như một “thỏi nam châm”.
Bánh mỳ là thỏi nam châm của BigC.
Người tiêu dùng Việt không còn xa lạ với hệ thống bán hàng của Thế giới di động với chuỗi cửa hàng Thế giới di động, Điện May Xanh. Những năm gần đây, khi lấn sân vào lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng, chuỗi Bách Hóa Xanh ra đời, dựa trên nền tảng có sẵn của các chuỗi Thế giới di động. Với lợi thế sẵn có, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh dần có mặt ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước với chuỗi hàng nghìn cửa hàng lớn bé.
Bách Hóa Xanh là thỏi nam châm chiến lược của Thế giới di động.
Chị L, một giáo viên kể, lần đầu chị đến với Bách Hóa Xanh khá đặc biệt. Lúc đó chị chuyển nhà mới, vào Điện May Xanh mua một số đồ gia dụng điện tử. Mấy ngày sau đó, chị nhận được tin nhắn từ Điện Máy Xanh, thông báo được tặng khuyến mãi 100.000 đồng khi mua đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên tại Bách Hóa Xanh, kèm với đó là link dẫn tới cửa hàng Bách Hóa Xanh. Chị L vào web Bách Hóa Xanh, chọn vài món đồ đủ giá trị 200.000 đồng, chọn địa điểm và thời gian giao hàng. Chị ngạc nhiên khi hàng giao đúng giờ chị order, tiện lợi còn hơn việc chị chạy ra siêu thị mua hàng. Từ đó chị chọn luôn kênh mua sắm hàng tiêu dùng online.
Không chỉ Thế giới di động, chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+ còn rộng lớn hơn, có mặt tại nhiều nơi. Sau khi về với Masan, được quản lý bởi The CrownX, nhờ nền tảng sẵn có với các sản phẩm của Masan, chuỗi Vinmart ngày càng có nhiều cửa hàng. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển theo xu hướng nhượng quyền đã đưa Vinmart đến sát hơn với người tiêu dùng. Không khó để thấy các biến cửa hàng Vinmart với tấm biển màu đỏ đã đi về tới các vùng miền xa xôi hơn.
Hệ thống Vinmart, Vinmart+ là những thỏi nam châm chiến lược của Masan
Thế giới di động, Masan đã dùng chính chuỗi cửa hàng Bách Hóa xanh, Vinmart làm “thỏi nam châm” trước hết là đưa sản phẩm đến với khách hàng thông qua các cửa hàng, thu hút khách hàng đến với thương hiệu bán hàng này. Sau đó, mới dần đưa hàng tiêu dùng này đến với khách hàng thông qua hình thức thương mại điện tử.
Hiện tại Masan đang sở hữu 3.000 cửa hàng bán lẻ, và dự kiến nâng số cửa hàng lên thành 30.000 vào năm 2025, trong đó có khoảng 20.000 cửa hàng nhượng quyền. Đối tượng khách hàng cũng ước tính tăng từ 9 triệu lượt người lên 30 triệu người. Lãnh đạo Masan cho biết, để theo đuổi kế hoạch này, Masan Consumer – đơn vị có thế mạnh về sản xuất và bán lẻ (sở hữu Vnmarrt+ và VinEco) – thành lập The CrownX – The CrownX có trách nhiệm xây dựng hệ thống công nghệ hợp nhất giữa kênh bán hàng truyền thống và hiện đại.
Chiến lược kết nối từ ofline đến online
Khác với Tiki, Lazada, Shopee hay Sendo, Bách Hóa Xanh và Vinmart tiến tới việc đưa sản phẩm hàng tiêu dùng đến tận tay người dùng thông qua nền tảng là chuỗi các cửa hàng với nội lực có sẵn.
Nói về hệ thống, không chỉ các store như các trang thương mại điện tử khác – là nơi các nhà bán hàng cùng tập trung kinh doanh trên nền trang thương mại có sẵn, Bách Hóa Xanh, Vinmart đưa chính sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng qua hình thức. Ecommerce theo hình thức liên kết đưa ofline thành online với các chuỗi cửa hàng sẵn có làm thỏi nam châm.
Chị M, một nhân viên văn phòng tại một công ty X nọ. Chị M cho biết, cuộc sống văn phòng rất thú vị. Vài năm trước, trước khi vào làm việc ở đây, chị làm việc ở một công ty khác. Ngoài công việc, cuộc sống của chị khá tất bật khi đi làm về phải tranh thủ đi chợ, nấu ăn… với vòng xoáy công việc không tên.
Từ khi vào làm nơi đây, thấy các chị em khác trong văn phòng có thể thoải mái thời gian sau giờ làm, chị lân la tìm hiểu và được biết, các chị em ở đây cũng phải làm việc nhà sau giờ làm, tuy vậy họ đã giảm nhẹ gánh công việc bằng cách mau bán online, thay cho thời gian phải đi chợ, đi siêu thị. Chị M kể lại, lần đầu tiên mua hàng online, chị cũng không thực sự tin tưởng, nhưng khi hàng giao đến tận nơi, tươi ngon chẳng khác gì mình đến tận siêu thị lựa chọn, chị đã đổi ngay suy nghĩ, thường xuyên lên các trang thương mại điện tử mua sắm, dành thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.
Cũng theo lời kể của chị M, bây giờ nhóm chị em trong văn phòng thường xuyên theo dõi, những trang nào có khuyến mãi, những mặt hàng nào tốt đều rủ nhau cùng mua, rất thú vị và tiết kiệm được kha khá tài chính cho mỗi người.
App InID của hệ thống Vinmart có hẳn mục “đi chợ” với việc suggest cho bạn những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày giúp bạn dễ dàng lựa chọn hơn. Một trong những “khẩu hiệu” tại app này của VinID là “đi chợ online, tươi ngon thượng hạng”. VinID còn tiện cho người tiêu dùng khi có thể nạp sẵn tiền vào, thanh toán nhanh gọn qua app.
Chị Q, một nhân viên văn phòng cho biết, trước đó, dưới chân chung cư chị ở có hệ thống Vinmart rất tiện lợi, mỗi khi mua hàng chị có thể chạy xuống mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Một lần, chị bận công tác nên xuống mua khá nhiều đồ, chuẩn bị sẵn cho người nhà. Cô nhân viên bán hàng hỏi thăm, rồi nói, nếu ở xa, chị vẫn có thể “đi chợ” bằng cách vào web, app, đặt hàng và hàng sẽ được giao tới tận nhà cho chị, tươi ngon không khác gì chị tự qua lựa chọn. Từ đó chị thường xuyên dùng dịch vụ đi chợ online của Vinmart mua hàng tiêu dùng cho bố mẹ ở quê. Chị kể, chỉ cần vào cái click chuột, hẹn giờ giao hàng phù hợp giờ giấc bố mẹ ở nhà, thì hàng được giao đến tận cửa, tươi ngon hơn cả việc chị khệ nệ mang vác mỗi lần về quê, lại giúp bố mẹ đỡ công đi chợ, thêm thời gian nghỉ ngơi.
Với chuỗi hàng nghìn cửa hàng trên khắp cả nước, sẵn nhà cung cấp các thực phẩm “nhà làm được” của Masan Group, hệ thống phân phối của The CrownX đến tay người tiêu dùng đã thực hiện theo chuỗi khép kín, từ trang trại đến bàn ăn. Mục tiêu của The CrownX hay Bách hóa Xanh là đưa thương mại điện tử với các mặt hàng tiêu dùng đến tận tay người sử dụng.
Với lợi thế khoảng 68 triệu người dân Việt Nam đang dùng internet, chiến lược kết nối từ ofline đến online đang có nhiều thuận lợi. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước tăng trưởng ấn tượng. Ước tính chung năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Và dự kiến tốc độ tăng trưởng của năm 2021 còn lớn hơn. VECOM cũng dự báo quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đến năm 2025 ước đạt 52 tỷ USD.
Tại Đại hội đồng cổ đông của Masan Group, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty The CrownX chia sẻ “Mười năm trước, chúng tôi không biết bán hàng online là gì, nhưng đến bây giờ, chúng tôi đã phác họa được bức tranh bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam phải như thế nào”. The CrownX kỳ vọng rất lớn vào kênh online. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% vào tổng doanh thu.
Không chỉ The CrownX, các nhà bán lẻ khác tại Việt Nam cũng công bố đầu tư mạnh cho kênh online. Ví dụ, Bách Hóa Xanh đặt mục tiêu năm 2021, mảng trực tuyến sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu, tương đương 1.000 tỉ đồng. Central Retail Corporation (CRC) cũng công bố tham gia cuộc đua nâng cao tỉ lệ đóng góp đến từ kênh trực tuyến khi từ cuối năm 2020, doanh thu từ các kênh đa nền tảng của BigC, Nguyễn Kim đóng góp 5% và 8% tổng doanh thu.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỉ USD trong năm 2020, và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ như chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)