Không chỉ sớm trả 500 tỷ nợ trước hạn, chủ quản Mì 3 miền còn bất ngờ với mức LNST 6 tháng đột biến gấp trăm lần, bằng tổng của nhiều năm cộng lại

Ngày 31/7/2020, Uniben vừa mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, mới được phát hành trong khoảng thời gian từ 30/12/2019 – 27/3/2020. Số trái phiếu này được đảm bảo bằng cổ phần của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Không chỉ gây chú ý khi chi hàng trăm tỷ mua lại trước hạn lô trái phiếu, Uniben còn bất ngờ công bố LNST nửa đầu năm ở mức 103 tỷ đồng, tăng cả trăm lần so với con số 1,3 cùng kỳ năm 2019. Chưa kể, con số lợi nhuận này bằng tổng lãi ròng của nhiều năm trước đó cộng dồn lại.

Được biết, Uniben có tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, được sớm thành lập vào năm 1922 và là tên tuổi lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Danh mục sảm phẩm chính là mì ăn liền, cháo, phở, hủ tiếu, nước mắm, hạt nêm… với 2 thương hiệu chính là Reeva và 3 Miền.

Hiện, Uniben đang sở hữu 2 nhà máy lớn tại Hưng Yên và Bình Dương với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy Uniben tại Bình Dương vừa chính thức khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 3/2019. Nhà máy có quy mô xây 16ha, diện tích dưới mái gần 50.000m2 thuộc KCN Việt Nam – Singapore 2 (tỉnh Bình Dương), tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Suốt hành trình phát triển của mình, chủ quản thương hiệu Mì tôm 3 Uniben được biết đến trong một mối quan hệ mật thiết với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam do ông Đặng Khắc Vỹ làm Chủ tịch HĐQT. Không dừng lại ở việc vay vốn ngàn tỷ, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra) từng là cổ đông lớn VIB là công ty con của Uniben.

Về kinh doanh, lĩnh vực FCMG là một đấu trường tương đối khốc liệt với các tay to phải kể đến như Acecook của Nhật Bản, Masan với thương hiệu Kokomi, Omachi… hay Asia Foods – chủ quản Mì Gấu đỏ. Dù được mệnh danh là ngành tỷ USD với tốc độ tăng trưởng đỉnh điểm đạt đến 20%/năm giai đoạn 2010-2013, các doanh nghiệp kinh doanh mì gói cũng tiêu tốn không ít tiền cho quảng cáo khuyến mại, bên cạnh các chi phí đầu tư nhà máy, chất lượng hương vị sản phẩm.

Theo đó, dù doanh thu luôn đạt từ 2.000 – 3.000 tỷ mỗi năm với mức biên lãi gộp trung bình lên đến 32%, lợi nhuận sau cùng Uniben thu về khá mỏng. Năm 2016, Uniben đạt 2.451 tỷ doanh thu, lợi nhuận gộp đạt 535 tỷ, song LNST chỉ ghi nhận vỏn vẹn 4 tỷ đồng.

Sang năm 2017, mức lãi ròng bắt đầu cải thiện với tốc độ tăng đáng kể. Bình quân 4 năm từ 2016-2019, LNST tăng trưởng 140%/năm, trong khi doanh thu chỉ tăng 5%. Cuối năm 2019, LNST Uniben đạt 42 tỷ, gấp 10 lần con số năm 2016 – song so với ngành vẫn còn khá khiêm tốn.

Bất ngờ trong công bố mới nhất, nửa đầu năm 2020 Uniben đạt đến 103 tỷ LNST, tức tăng gấp 100 lần con số 1,3 tỷ cùng kỳ và gấp hơn 2 lần mức lãi cả năm 2019.

Tính đến ngày 30/6/2020 Công ty còn tăng mức vốn chủ sở hữu từ 1.022 tỷ lên 1.153 tỷ đồng. ROE cải thiện mạnh, từ 0,1% lên 8,9%. Song song, nợ Uniben cũng tăng tương ứng, từ 1.431 tỷ đầu năm lên 1.729,5 tỷ đồng – tương ứng hệ số nợ/vốn chủ vào mức 1,5.

Đi cùng chỉ số kinh doanh đột biến, cơ cấu sở hữu của Uniben nửa đầu năm nay cũng ghi nhận chuyển biến lớn. Trong đó, tại ngày 19/7/2016, Công ty có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, riêng cổ đông Uniben Holdings Pte. Ltd chiếm tỷ lệ sở hữu 38,59%. Thì theo cập nhật đến nagyf 18/8/2020, một cổ đông ngoại khác là Greaton Investment S Pte. Ltd đã thay thế và hiện nắm tỷ lệ 44,39% vốn tại Uniben. Không loại trừ khả năng cổ đông ngoại này đã thế chân Uniben Holdings Pte. Ltd tại chủ quản thương hiệu Mì tôm 3 miền.

Đồng thời, sau khi đổi cổ đông lớn, Uniben cũng chuyển trụ sở chính sang số 32 VSIP II-A đường số 30, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện của Uniben là ông Vũ Tiến Dũng (SN 1978).

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *