Diễn biến dịch COVID-19 ngày càng lây lan nhanh đã, đang và tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế, hoạt động doanh nghiệp và tâm lý nói chung. Thị trường chứng khoán theo đó tiếp nối những phiên giảm sâu, các mã đầu ngành tiếp tục rớt điểm.
Thống kê cho thấy, nhiều nhà đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp đầu ngành đang bị ‘thất thoát’ 40-50% giá trị tại những thương vụ tiềm năng chỉ trong thời gian ngắn. Ghi nhận trước đó, Thaibev với hơn 53% vốn tại Sabeco đang chịu lỗ hơn nửa giá trị sau 2 năm đầu tư, hiện giá trị Sabeco chỉ còn khoảng 3,5 tỷ USD (trong khi số tiền Thaibev chi ra hơn 5 tỷ USD).
Không riêng Thaibev, cuộc đua Top giảm của những mã đầu ngành đang khiến giá trị của các cổ đông chiến lược lõm 40-50% chỉ trong thời gian ngắn.
Gần đây nhất nhằm ngày 26/2, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) vừa phát hành 64,3 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá bán 27.000 đồng/cp. Danh sách mua vào bao gồm KIM Vietnam Growth Equity đứng đầu số lượng với gần 24 triệu cổ phiếu và KITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund mua 2,65 triệu đơn vị. Đây là 2 quỹ thành viên của nhóm Korea Investment Trust Management Co. (KITMC), một trong công ty quản lý quỹ hàng đầu Hàn Quốc.
Ngoài ra, trước đó quỹ ngoại còn mua cổ phiếu quỹ từ MBB vào tháng 1. Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng, giá trị đầu tư trên đã ‘bay hơi’ gần 41%, khi tính theo thị giá hiện nay của mã MBB chỉ còn 16.000 đồng/cp.
Giao dịch cổ phiếu MBB 6 tháng qua.
Hay chỉ mới cuối năm 2019, Sumitomo Life gây nhiều chú ý khi chi 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua hơn 41,4 triệu cổ phần BVH của Tập đoàn Bảo Việt, tương ứng mức giá 96.817 đồng/cp – cao hơn gần 30% so với thị giá lúc bấy giờ.
Thương vụ này giúp Sumitomo Life đi sâu hơn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam – nơi được đánh giá khá hấp dẫn – nói chung và quá trình hợp tác với BHV nói riêng. Được biết, số tiền trên BVH sẽ bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu, tăng cường năng lực tài chính, phục vụ cho chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.
Song, là cổ phiếu luôn nằm top điều chỉnh khi thị giá BHV giảm sốc hơn 51% trước tác động dịch COVID-19, Sumitomo Life có thể xem là cổ đông chiến lược chịu tác động mạnh nhất. Hiện, BHV giao dịch tại mức 34.700 đồng/cp, giá trị khoản đầu tư của Sumitomo Life theo đó chỉ còn khoảng 85 triệu USD chỉ sau vài tháng (so với mức 173 triệu USD ban đầu).
Giao dịch cổ phiếu BVH 6 tháng qua.
Được quan tâm không kém là việc phát hành 60 triệu cổ phiếu cho Mitsui & Co của Tập đoàn Minh Phú (MPC) hồi giữa năm 2019. Giá chào bán là 50.630,5 đồng/cp, tương đương giá trị thương vụ lên đến 3.038 tỷ đồng (131 triệu USD).
Đến nay sau nửa năm mua vào, khoản đầu tư trên chỉ còn đạt 1.212 tỷ đồng (tính theo thị giá 20.300 đồng/cp), Mitsui & Co theo đó đang chịu lỗ 1.826 tỷ đồng.
Ngoài ra, đi cùng việc mua từ các cổ đông hiện hữu, Mitsui & Co theo đó nâng sở hữu tại MPC lên 35,1%.
Giao dịch MPC 1 năm qua.
Hay Tập đoàn Masan (MSN), tiếp nối đà giảm sâu từ sau thương vụ bom tấn với Vingroup, những cổ đông chiến lược đang tiếp tục ‘ôm’ lỗ trong bối cảnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu. Tính đến phiên 11/3, cổ phiếu MSN chỉ còn giao dịch tại mức 49.200 đồng/cp, giảm khoảng 45% sau 1 năm và hơn 15% trong quý 1/2020.
Việc cổ phiếu cổ phiếu MSN của Masan giảm sâu đã khiến giá trị khoản đầu tư của các cổ đông chiến lược như SK Group, Government of Singapore (GIC) – Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore cũng có sự sụt giảm đáng kể.
Trong đó, vào tháng 10/2018, SK Group đã chi 470 triệu USD để mua vào 110 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng mức giá 100.000 đồng/cp. Theo đó, nếu tính theo thị giá hiện nay, khoản đầu tư của SK Group đã tạm thời mất hơn 50% giá trị, chỉ còn khoảng 229 triệu USD.
Còn GIC cũng đã mua vào khoảng 52 triệu cổ phiếu MSN từ KKR với tổng giá trị hơn 200 triệu USD vào cuối năm 2018, chính thức trở thành cổ đông lớn của Masan. Song, ước tính lượng cổ phiếu mà GIC mua thêm trong khoảng 1 năm qua đã mất tới 46% giá trị.
Giao dịch MSN 6 tháng qua.
Chấp nhận chi giá cao để mua vào 25 triệu cổ phiếu Xây dựng Hoà Bình (HBC), Hyundai Elevator Co., Ltd vào giữa năm 2019 chính thức trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ nắm giữ 10,83% vốn.
Giá phát hành vào mức 23.000 đồng/cp – cao hơn 31% thị giá HBC lúc bấy giờ, tương ứng giá trị 575 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước áp lực giảm điểm chung từ dịch COVID-19, HBC hiện chỉ còn giao dịch tại vùng giá 7.890 đồng/cp, khoản đầu tư của Hyundai Elevator Co., theo giá thị trường chỉ còn khoảng 1/3 giá trị ban đầu.
Tính đến nay, diễn biến thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Kết phiên 20/3, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm mạnh, hiện tiến sát về vùng 700 điểm. Đáng chú ý, giao dịch khối ngoại diễn ra khá tiêu cực khi họ tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là phiên bán ròng kỷ lục của khối ngoại trong vòng nhiều năm qua, trong đó áp lực bán có một phần đóng góp từ các quỹ ETFs (VNM ETF, FTSE Vietnam ETF) khi thực hiện cơ cấu danh mục.
Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp đã công bố thông tin về việc mua cổ phiếu quỹ từ đầu năm 2020 nhằm hỗ trợ đà giảm sâu, một lãnh đạo tại doanh nghiệp lớn cũng tiến hành mua vào cổ phiếu.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)