Bên lề một sự kiện sáng nay (14/5), ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết đã nhận chuyển nhượng tổ hợp Cà Ná từ Tập đoàn Hoa Sen ( HoSE:HSG ). Giá trị chuyển nhượng không được ông Tiến tiết lộ, tuy nhiên vị CEO có nói đang xin chuyển nhượng dự án KCN Cà Ná thành KCN có phát triển mảng điện tử, làm sản phẩm bo mạch mà Trung Nam đang theo đuổi.
Tổ hợp Cà Ná, Ninh Thuận từng được ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen cho biết có vốn đầu tư khoảng 10,6 tỷ USD, sản xuất 16 triệu tấn thép mỗi năm. Dự án được đề xuất triển khai và thông qua chủ trương từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng để tính toán kỹ hơn các vấn đề môi trường, nhu cầu thép và tổng mức đầu tư.
Đến năm 2020, Hoa Sen thông qua chủ trương chuyển nhượng 100% vốn 2 công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp Quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Hai doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná. Vào thời điểm chuyển nhượng, giá trị đầu tư của Hoa Sen vào 2 doanh nghiệp khoảng 10 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng theo Hoa Sen sẽ không thấp hơn chi phí thực tế mà tập đoàn đã góp vốn.
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết hiện tại, với dự án cảng Cà Ná, Chính phủ đã cho phép điều chỉnh làm dự án điện LNG khí hóa lỏng và cảng tổng hợp, do địa thế cảng có mực nước sâu, điều kiện tự nhiên là cảng hở, phải xây kè chắn sóng. Trước đây, Bộ Công Thương quy hoạch vùng này làm điện hạt nhân, vì tạm dừng, Bộ Công Thương và Chính phủ đồng ý bổ sung, bù đắp lại cho Ninh Thuận làm LNG Cà Ná. Việc Cảng Cà Ná được chuyển đổi một phần sang làm năng lượng chính là lý do để Trung Nam mua lại dự án này.
Tập đoàn Trung Nam được thành lập từ năm 2004, có 17 năm phát triển trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản. Trong mảng năng lượng, Trung Nam đầu tư các dự án thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Công ty đầu tư nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW – dự án đường dây truyền tải điện 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam. Với mảng hạ tầng, Trung Nam chính là chủ đầu tư dự án giải quyết chống ngập do triều cường tại TP HCM, giai đoạn 1 với vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng xây dựng cầu Bạch Đằng kết nối Hải Phòng – Quảng Ninh. Trong mảng bất động sản, Trung Nam có các dự án như Golden Hills – Đà Nẵng 381 ha, Golf Valley – Đà Lạt 19,7 ha hay có quỹ đất 150 ha tại TP HCM.
|
Theo dữ liệu từ Virace, tập đoàn có 18 công ty con và công ty liên kết. Cập nhật tới 31/12/2019, Trung Nam có vốn điều lệ 4.250 tỷ đồng, tổng tài sản 33.728 tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 6.480 tỷ đồng còn lợi nhuận gộp là 390 tỷ đồng, gấp lần lượt 7 lần và 6,5 lần năm trước. ROE đạt 3,12%.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)