Các địa phương luôn trải thảm đỏ cho các dự án lọc hoá dầu. Với vốn đăng ký từ vài tỷ USD đến vài chục tỷ USD, các dự án lọc hoá dầu được kỳ vọng sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương những khoản thuế khổng lồ và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.
Mặc dù đã có rất nhiều lời hứa song ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có 2 dự án lọc hoá dầu đang vận hành là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, trong khi đó nhà máy hoá dầu Long Sơn mới khởi công vào tháng 2/2018 và đã 100% về tay người Thái. Trong khi đó dự án lọc hoá dầu Victory 22 tỷ USD tại Bình Định, Lọc dầu Vũng Rô 3,2 tỷ USD ở Phú Yên đã bị thu giấy phép vì chậm triển khai.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang là nhà máy lọc dầu “nội địa” duy nhất tại Việt Nam khi PVN đang sở hữu 92,12% vốn tại BSR.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành năm 2009 với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Năm 2019, sản lượng lọc dầu của Dung Quất đạt 6,95 triệu tấn, tương đương 148.000 thùng/ngày.
Nhằm tối ưu hoá công suất của nhà máy, năm 2019 lần đầu tiên BSR nhập dầu thô từ Azerbaijan,Mỹ và Singapore, chiếm trên 48% tổng nhu cầu nguyên liệu đầu vào chế biến của nhà máy. Cũng trong năm 2019, BSR đã chế biến và phối trộn thành công các loại dầu nhập hẩu như WTI (Mỹ).
Theo một báo cáo của công ty chứng khoán KB, BSR và NSR lần lượt chiếm 35% & 44% thị phần thị trường lọc dầu Việt Nam, còn lại 22% là nhập khẩu. BSR hiện tại vẫn tập trung vào sản phẩm lọc dầu như khí LPG, xăng, dầu DO, dầu hỏa kerosene, dầu FO và một phần nhỏ hạt PP. Trong khi đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất khí LPG, xăng, dầu DO, dầu hỏa và dầu FO, trong khi sản phẩm hóa dầu là hạt PP, dung môi paraxylene và benzene.
Thị phần lọc dầu tại Việt Nam (nguồn KB Securities)
Đại hội cổ đông năm 2019 của BSR đã thông qua phương án mở rộng nhà máy Dung Quất từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày, với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Các sản phẩm của nhà máy mở rộng bao gồm: Khí hóa lỏng (LPG), Propylene, Xăng RON 92, Xăng RON 97 (hoặc RON 95), dầu hỏa / nhiên liệu phản lực (Jet A1), dầu Diesel, dầu FO (Fuel Oil), nhựa đường (Asphalt), lưu huỳnh rắn. Như vậy sau khi mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR sẽ có các sản phẩm hoá dầu với biên lợi nhuận dự kiến cao hơn là các sản phẩm lọc dầu thông thường.
Năm 2020, dưới tác động kép của khủng hoảng giá dầu và Covid-19, các nhà máy lọc dầu đa phần đều lỗ nặng. Tháng 4/2020, lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô WTI giao dịch ở mức âm 37,63 USD/thùng, giá dầu Brent cũng giảm 25% trong phiên và giảm khoảng 60% so với đầu năm. Các hoạt động giãn cách xã hội cũng làm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh trong quý 2, kết quả, doanh thu thuần của BSR trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 31.727 tỷ đồng, giảm 37,7% cùng kỳ năm trước, lỗ sau thuế 4.255 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng của Bình Sơn: Đã có thời điểm khi dịch Covid 19 bùng phát, tồn kho của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn lên đến 90%, PVN đã đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu để giải cứu nhưng không được Bộ Công Thương đồng
Về tình hình SXKD 9 tháng, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết do ảnh hưởng tiêu cực từ tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của BSR. Trong quý III/2020, mặc dù Nhà máy ngừng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng tổng thể gần 2 tháng nhưng Công ty vẫn có lợi nhuận, chấm dứt giai đoạn lợi nhuận âm của 2 quý đầu năm.
Theo báo cáo của công ty chứng khoán KB, KB ước tính tăng trưởng CAGR của BSR là 17,5% trong năm 2021E và 2025E. Kết quả lợi nhuận sẽ tốt hơn trong 2021E và đạt 3.335 tỷ VND do 1) giá sản phẩm lọc dầu sẽ trở lại mức trước đại dịch và có lợi nhuận; và 2) hiệu suất hoạt động quay lại mức 110%. Với giả định quá trình nâng cấp và mở rộng NMLD với giá trị 1,8 tỷ USD trong năm 2023E bất chấp khó khăn về tài chính, KB cho rằng việc nâng cấp/mở rộng cho phép: 1) tăng tổng sản lượng lên 30%; 2) nâng cấp nhà máy sang chế độ lọc phức tạp (complex refining) từ chế đọc lọc đơn giản (simple refining) và có thể sử dụng cả dầu thô chua và ngọt; và 3) tăng sản lượng sản phảm hóa dầu có biên lợi nhuận cao.
Dự phóng KQKD của BSR – Nguồn: KB
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Công ty TNHH lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, đi vào hoạt động từ năm 2018.
Nhà máy lọc dầu này có công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô nhập khẩu từ Kuwait mỗi ngày (tương đương 10 triệu tấn mỗi năm). Loại nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản phẩm là diesel cao cấp (2.204 kt / năm), sau đó là diesel thường (1.470 kt / năm), RON 92, RON 95 (1.153 kt / năm), LPG, nhiên liệu máy bay và nhiều loại hóa dầu các sản phẩm.
NSRP được thành lập vào tháng 4 năm 2008, với các cổ đông gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Kuwait Oil Europe BV (KPE), Idemitsu Kosan Co., Ltd. (IKC) và Mitsui Chemicals Inc. (MCI) với tư cách là nhà tài trợ, đóng vai trò phát triển, xây dựng và vận hành Nhà máy lọc dầu.
Khác với Dung Quất đa phần lọc dầu từ các mỏ trong nước, 100% dầu thô của Nghi Sơn là nhập khẩu từ Kuwait.
Trong năm đầu tiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã xử lý hơn 7,1 triệu tấn dầu thô từ Kuwait để sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu chất lượng cao. Ước tính NSRP đáp ứng khoảng 33% nhu cầu của Việt Nam.
Năm 2020, Nghi Sơn lần đầu tiên xuất bán xăng máy bay JetA1 cho Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex (PA). Đây là chuyến xuất bán sản phẩm Jet A-1 đầu tiên tại thị trường nội địa do PVNDB thực hiện.
Theo số liệu của chúng tôi, năm 2019 Nghi Sơn lỗ sau thuế khoảng 22.684 tỷ đồng (khoảng 970 triệu USD), trong 3 năm gần nhất lỗ hơn 1,5 tỷ USD. Tổng tài sản của Nghi Sơn là hơn 205.000 tỷ, gấp 5 lần quy mô của BSR. Trong khi đó, năm 2019 BSR có lãi sau thuế 2.873 tỷ. Cũng phải nói là nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào vận hành 10 năm, trong khi Nghi Sơn mới vận hành 1 năm nên chi phí khấu hao lớn.
KQKD của Bình Sơn và Nghi Sơn
Nhà máy lọc hoá dầu Long Sơn
Dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam thuộc quản lý của Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn (LSP) đặt tại Bà Rịa, Vũng Tàu với vốn đầu tư ban đầu là 3,7 tỷ USD, công suất 1,6 triệu tấn/năm do PVN góp 18% vốn, Vinachem góp 11%, Tập đoàn SCG Thái Lan chiếm 46% và tập đoàn QP của Qatar chiếm 25%.
Do vấn đề thu xếp vốn của phía Việt Nam chậm nên chưa đủ điều kiện tài chính để ký kết hợp đồng EPC, ảnh hưởng dến tiến độ của dự án, Vinachem chuyển cổ phần cho PVN vào năm 2014, và đến năm 2018, PVN cũng rút toàn bộ. Tập đoàn Thái Lan và công ty con là công ty Nhựa và hoá chất TPC nắm 100% cổ phần của lọc hoá dầu Long Sơn.
Cuối năm 2019, SCG quyết định tăng vốn đầu tư dự án từ 3,7 tỷ USD lên 5,1 tỷ USD và xin lùi tiến độ đến năm 2022. Nhà máy Hóa dầu Long Sơn sẽ chủ yếu tập trung vào sản xuất polypropylene, ethylene.
Các sản phẩm hoá dầu của các nhà máy (nguồn: KB Securities)
Nhà máy hoá dầu Long Sơn dự kiến bán thương mại vào năm 2023
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)