Năm 2019, Công ty Hyundai Thành Công Việt Nam đã bán ra gần 70.000 xe ô tô, thu về hơn 43.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ đồng lợi nhuận. Con số này vượt qua lợi nhuận lĩnh vực ô tô của Thaco và tương đương với Toyota Việt Nam năm trước đó.
Khoản lợi nhuận khổng lồ giúp Hyundai Thành Công tích lũy được gần 7.400 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối và hiện đang có lượng tiền mặt dồi dào lên đến gần 3.000 tỷ đồng.
Xuất hiện từ năm 1999, Hyundai Thành Công (nay là TC Motor) là doanh nghiệp tư nhân gắn liền với tên tuổi doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn. Những năm gần đây, công ty tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, đứng đầu là Tập đoàn Thành Công và phía dưới là 2 mảng kinh doanh chính là ô tô và bất động sản.
Năm 2019, vốn điều lệ của Tập đoàn Thành Công đạt 3.500 tỷ đồng. Tập đoàn đang nắm giữ 37,5% cổ phần của Hyundai Thành Công. Số cổ phần còn lại do các cá nhân thân cận với ông Nguyễn Anh Tuấn nắm giữ. Lợi nhuận của Hyundai Thành Công, vì thế, một phần chảy về Tập đoàn Thành Công, còn đa phần chảy về túi các cổ đông cá nhân.
Trong vai trò “holdings”, Tập đoàn Thành Công gần như không có doanh thu. Năm 2019, công ty chỉ thu về vỏn vẹn 27 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận của công ty đạt 193 tỷ đồng nhờ thu nhập tài chính 243 tỷ đồng. Đây là khoản tiền Tập đoàn Thành Công thu về từ các công ty liên doanh, liên kết.
Tính tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Thành Công hơn 6.300 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết hơn 3.000 tỷ đồng và các khoản đầu tư khác hơn 1.200 tỷ đồng.
Nhờ hoạt động kinh doanh ô tô “ăn nên làm ra” của công ty thành viên, Tập đoàn Thành Công duy trì lượng tiền mặt dồi dào. Cuối năm 2019, Công ty có 700 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Thành công với Hyundai trong lĩnh vực ô tô thúc đẩy Thành Công hợp tác sâu với tập đoàn Hàn Quốc sang lĩnh vực bất động sản. Đầu năm 2019, Thành Công và Hyundai E&C đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.
Tại Việt Nam, Hyundai E&C tham gia tổng thầu nhiều công trình lớn: Khách sạn JW Marriot tại Hà Nội; toà tháp Bitexco tại TP. Hồ Chí Minh; Nhà máy lọc hoá dầu Long Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trên thực tế, Tập đoàn Thành Công đã bắt đầu gia nhập lĩnh vực bất động sản từ năm 2012 với dự án có quy mô 5,4ha tại Quảng Nam. Đây là dự án hợp tác với The Shilla Hotels & Resorts, thuộc Samsung, khu nghỉ dưỡng (resort) 5 sao mang tên Shilla Monogram Quangnam Danang đã được khai trương vào ngày 26/6 vừa qua.
Shilla Monogram Quangnam Danang mới được khai trương
Hiện nay, Thành Công sở hữu danh mục dự án với một số cái tên đáng chú ý như Khu căn hộ 345 Đội Cấn, Khu du lịch sinh thái Cầu Đôi (11,4ha), Dự án nâng cấp Khách sạn Thủy Tọa gần 10.000 m2 thành tổ hợp Khách sạn 5 sao và khu biệt thự kinh doanh tại Hà Nội, hay Dự án Căn hộ – văn phòng – khách sạn tại 245 Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).
Theo thời gian, quy mô dự án bất động sản do Tập đoàn Thành Công triển khai ngày càng lớn dần lên. Năm 2018, Thành Công thông qua công ty con là Công ty TNHH TCG Land đã mua 75% cổ phần trong Công ty Đầu tư PV-Inconess, qua đó sở hữu hai dự án rất lớn ở Ninh Bình là tổ hợp Du lịch – sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670ha và dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án này lên tới 472 triệu USD.
Gần đây Tập đoàn Thành Công còn được nhắc đến trong việc tham gia lĩnh vực tài chính ngân hàng, với việc đầu tư vào Eximbank. Trong một văn bản gửi Chủ tịch HĐQT Eximbank (khi đó là ông Lê Minh Quốc) vào tháng 4/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết nhóm Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% vốn điều lệ của nhà băng này.
Trong đó, Công tyTập đoàn Thành Công đã sử hữu 60,54 triệu cổ phần EIB (chiếm tỷ lệ 4,9%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công nắm 44,72 triệu cổ phần EIB (chiếm tỷ lệ 3,62%) và ông Nguyễn Tiến Dũng ủy quyền 54,97 triệu cổ phần EIB (chiếm 4,45%).
Tuy vậy đến nay chưa có thông tin chính thức nào được công bố về khoản đầu tư này và đại diện liên quan đến Thành Công cũng chưa xuất hiện trong ban lãnh đạo của Eximbank.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)