Masan Consumer (MCH) báo lãi 4.633 tỷ đồng cả năm, tăng 14% so với cùng kỳ

CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – mã chứng khoán MCH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2020.

Trong đó, tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt gần 7.400 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ tăng chi phí giá vốn cao hơn, đến 22,2% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 3.253 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 45% xuống còn 44%.

Doanh thu tài chính trong quý đạt 185 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn chi phí tài chính 70 tỷ đồng (tăng 3,6 tỷ đồng so với cùng kỳ). Đáng chú ý, chi phí bán hàng trong quý tăng đột biến từ 849 tỷ đồng lên 1.289 tỷ đồng, tương ứng tăng 440 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn chi phí bán hàng lại giảm được 42 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kết quả, Masan Consumer đạt 1.835 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.566 tỷ đồng, xem như đi ngang so với lợi nhuận đạt được quý 4/2019.

Lũy kế cả năm 2020 doanh thu thuần đạt đạt 23.343 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính đạt 755 tỷ đồng, tăng 135 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu tăng thu lãi tiền gửi. Chi phí tài chính tăng 75 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên trên 315 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng tăng mạnh từ 3.015 tỷ đồng lên 4.071 tỷ đồng, tương ứng tăng 1.060 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 33 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 850 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 4.633 tỷ đồng, tăng 14,1% so với lợi nhuận đạt được năm 2019, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 4.555 tỷ đồng. EPS đạt 6.453 đồng.

Tính đến hết năm 2020 tiền và tương đương tiền của Masan Consumer đạt 3.818 tỷ đồng, tăng 1.627 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó có khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng đạt 3.671 tỷ đồng. Tiền gửi dài hạn còn 212 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với đầu năm.

BCTC cũng ghi nhận, đến cuối năm 2020 Masan Consumer còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 6.660 tỷ đồng, tăng 1.547 tỷ đồng so với đầu kỳ. Dư vay nợ thuê tài chính dài hạn còn 787 tỷ đồng, tăng 661 tỷ đồng so với đầu năm.

Lượng hàng tồn kho đến cuối năm còn 1.841 tỷ đồng, tăng 673 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 31 tỷ đồng.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *