Nhìn lại chặng đường đưa Apple thành công ty đại chúng “nghìn tỷ đô”

Cột mốc lịch sử này được thiết lập sau hơn 10 năm chiếc iPhone đầu tiên ra mắt – sự kiện mở đường cho cuộc chuyển mình của “quả táo” …

Logo Apple trên màn hình điện tử bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở New York, Mỹ, sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8 – Ảnh: Reuters.

Hãng công nghệ Apple ngày 2/8 đã trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Mỹ đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD.

Cột mốc lịch sử này được thiết lập sau hơn 10 năm chiếc iPhone đầu tiên ra mắt – sự kiện mở đường cho cuộc chuyển mình của “quả táo” từ một nhà sản xuất máy tính cá nhân thị trường ngách thành một “đế chế” toàn cầu về thiết bị di động và giải trí.

Giá cổ phiếu Apple tăng 2,9% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chốt phiên ở mức 207,39 USD/cổ phiếu, tương đương vốn hóa 1.002 tỷ USD. Trong phiên, có lúc vốn hóa Apple đạt tới 1.006 tỷ USD.

Công ty ra đời trong garage

Cổ phiếu Apple đã tăng khoảng 9% kể từ hôm thứ Ba, khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý 2 vượt dự báo và tuyên bố chi 20 tỷ USD mua lại cổ phiếu. Đây là chuỗi hai phiên tăng mạnh nhất của cổ phiếu Apple từ tháng 4/2014.

Theo hãng tin Reuters, được Steve Jobs đồng sáng lập trong một garage vào năm 1976, Apple đã đạt ngưỡng doanh thu lớn hơn cả tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nhiều quốc gia như Bồ Đào Nha và New Zealand. Trong quá trình lớn mạnh của mình, Apple thay đổi cách người tiêu dùng trên toàn cầu kết nối với nhau và cách các doanh nghiệp làm việc mỗi ngày.

Giờ đây, giá trị vốn hóa của Apple lớn hơn tổng vốn hóa gộp lại của hãng dầu lửa Exxon Mobil, tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G), và nhà mạng viễn thông AT&T. Tỷ trọng vốn hóa củap Apple trong chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đạt khoảng 4%.

Giá cổ phiếu Apple đã tăng hơn 50.000% kể từ khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 1980, so với mức tăng khoảng 2.000% của S&P 500 trong cùng khoảng thời gian.

Là một trong ba nhà đồng sáng lập Apple, ông Jobs ra khỏi công ty vào giữa thập niên 1980, và trở lại một thập kỷ sau đó để cứu “quả táo” khỏi bờ vực phá sản.

Dưới sự lãnh đạo của ông Jobs, Apple tung ra iPhone vào năm 2007, bỏ từ “computer” (máy tính) khỏi tên gọi của công ty và đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp điện thoại di động. Chiến lược này của Apple đã khiến các đối thủ như Microsoft, Intel, Samsung và Nokia rơi vào thế bị động. Nhờ hướng đi đúng đắn, Apple đã vượt qua Exxon Mobil vào năm 2011 để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất của Mỹ.

Trong khoảng thời gian đó, Apple vươn mình từ chỗ là công ty tập trung sản xuất máy tính cá nhân Mac, thành “kiến trúc sư” của cuộc cách mạng di động, khiến hàng loạt nhà sản xuất khác “ăn theo”.

Ông Jobs qua đời vào năm 2011 và được kế nhiệm bởi ông Tim Cook trên cương vị Giám đốc điều hành (CEO) Apple. Kể từ khi ông Cook lên nắm quyền, lợi nhuận Apple đã tăng gấp đôi, nhưng công ty chưa thể tạo ra được một sản phẩm mới có được thành công mang tính thay đổi xã hội như iPhone đã làm. Thêm vào đó, tăng trưởng doanh số iPhone đã chững lại trong những năm gần đây.

Vào năm 2006, một năm trước khi chiếc iPhone đầu tiên trình làng, Apple đạt doanh thu chưa tới 20 tỷ USD và lợi nhuận ròng xấp xỉ 2 tỷ USD. Năm 2017, doanh thu của Apple đã tăng 11 lần, lên mức 229 tỷ USD – mức doanh thu cao thứ tư trong số các công ty thuộc S&P 500, và lợi nhuận đã đạt 48,4 tỷ USD. Với mức lợi nhuận này, Apple là công ty lãi “khủng” nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Apple có thể bị “soán ngôi” vốn hóa

Ông Jeff Carbone, nhà đồng sáng lập công ty quản lý quỹ Cornerstone Financial Partners ở Charlotte, North Carolina, đã đưa cổ phiếu Apple vào danh mục đầu tư của khách hàng suốt khoảng 1 thập kỷ trở lại đây. Gần đây, một số khách hàng lớn tuổi của ông thậm chí còn mua cổ phiếu Apple để dành cho cháu chắt của họ.

“Chúng tôi vẫn nhận thấy khả năng tăng giá của cổ phiếu này, và khi có tiền, chúng tôi tiếp tục mua, nhất là khi giá giảm”, ông Carbone nói.

Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu Apple đã tăng hơn 30%, nhờ sự lạc quan về iPhone X – chiếc điện thoại có giá 999 USD kỷ niệm 10 năm ngày chiếc iPhone đầu tiên ra đời. Trong những tháng gần đây, đà tăng cổ phiếu Apple được đẩy mạnh sau khi hãng tuyên bố sẽ dành 100 tỷ USD cho chương trình mua lại cổ phiếu.

Cho dù Apple đã đạt vốn hóa 1.000 tỷ USD, nhiều nhà phân tích vẫn không xem cổ phiếu Apple là đắt đỏ. Hệ số giá/thu nhập (P/E) của cổ phiếu Apple hiện khoảng 15 lần, so với mức 82 lần của cổ phiếu Amazon và 25 lần của cổ phiếu Microsoft.

Năm 2015, Apple gia nhập chỉ số Dow Jones, “câu lạc bộ” những cổ phiếu blue-chip của Phố Wall. Kể từ năm 1980 đến nay, Apple đã cùng với IBM, Exxon Mobil, General Electric (GE) và Microsoft thay nhau nắm giữ vị trí công ty đại chúng lớn nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, Apple hoàn toàn có thể để mất vị trí này vào tay những đối thủ như Alphabet hay Amazon nếu Apple không tạo ra được sản phẩm hay dịch vụ mới trong bối cảnh thị trường smartphone toàn cầu trở nên bão hòa. Vốn hóa của Amazon, công ty lớn thứ nhì về vốn hóa ở Mỹ hiện nay, đã đạt khoảng 880 tỷ USD, theo sau là Alphabet và Microsoft.

Ngoài ra, Apple cũng không phải là công ty đầu tiên trên thế giới vượt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Vào năm 2007, hãng dầu lửa quốc doanh Trung Quốc PetroChina có lúc đạt vốn hóa 1.100 tỷ USD sau khi lên sàn ở Thượng Hải. Hiện nay, vốn hóa của PetroChina chỉ còn khoảng 200 tỷ USD.

Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *