Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (mã CK: DNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt 207,2 tỷ đồng, tăng cao gấp 3,3 lần so với quý 3/2019. Giải trình nguyên nhân doanh thu tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước, phía Danameco cho biết, sự bùng phát của dịch Covid 19 trong năm 2020 đã khiến nhu cầu các sản phẩm như khẩu trang, trang phục chống dịch… tăng mạnh. Cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế. Chi phí giá vốn cũng tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ nên dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ thu về 32,6 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 15,7%.
Doanh thu hoạt động tài chính đi ngang so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính lại tăng mạnh gấp 2,6 lần cùng kỳ lên mức 3,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN lần lượt tăng gấp 4,6 lần và tăng gấp rưỡi quý 3/2019, lần lượt đạt 16,7 tỷ và 6,5 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí thuế, DNM ghi nhận lãi sau thuế 4,8 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 59 triệu đồng cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, DNM ghi nhận doanh thu 573,5 tỷ đồng – tăng cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Công ty đạt 31 tỷ LNST, tăng gấp 10 lần so với con số hơn 3 tỷ thu về hồi 9 tháng đầu năm ngoái và đã vượt 27% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến 30/09/2020, tổng tài sản của DNM tăng gấp 2,3 lần so với hồi đầu năm lên 490 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho tăng gấp 2,5 lần lên 96,6 tỷ đồng và tài sản cố định hữu hình tăng gấp 4 lần lên 107,5 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến cuối kỳ cũng tăng gấp gần 3 lần so với hồi đầu năm, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 2,7 lần lên 183 tỷ và vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng gấp 12 lần lên gần 31 tỷ đồng.
Danameco cho biết, trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020 công ty đã mở rộng việc đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, và năng lực sản xuất tại các nhà máy. Việc đầu tư này làm cho Danameco có sự mất cân đối giữa tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn vì đã sử dụng 1 phần nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư. Mặc dù vậy thì tình hình này Tổng công ty cũng đã lường trước và có cân đối phù hợp lại trong thời gian tới từ các nguồn tài trợ của ngân hàng và tổ chức Tài chính…
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)