Giải thích về việc có mặt bất ngờ tại Hà Nội và có hẹn với ông Park Hang-seo (HLV trưởng đội tuyển Việt Nam), ông Park Noh-wan – Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT TPBank kiêm Nhà sáng lập Tập đoàn Doji, bầu Đức nói: Tại sao lại có anh Phú trong buổi gặp mặt này thì chuyện cũng cần có dẫn dắt một tí.
Cách đây 3 năm (năm 2018), tôi và Hoàng Anh Gia Lai đang rất khó khăn. Tôi vẫn máu làm bóng đá và là Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam phụ trách tài chính. Lúc đó, Liên đoàn lại khó khăn về tài chính mà thực ra khó đủ thứ.
Mình là dân làm bóng đá, có lứa cầu thủ rất xuất sắc mà không có một động thái gì thì chắc chắn có vấn đề, đặc biệt là lứa cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai sẽ thui chột luôn. Đắn đo mãi, tôi mới tìm cách nghiên cứu xốc đội tuyển lại.
Muốn xốc đội tuyển lại thì phải có HLV giỏi. Việt Nam có nền tảng cầu thủ giỏi rồi như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, rồi Quang Hải, Văn Hậu… nhưng không có thầy giỏi thì cũng vứt đi. Hơn nữa, ước mơ vô địch Sea Games đã thôi thúc tôi mấy chục năm nay rồi. Làm bóng đá tôi rất căm Thái Lan, mỗi lần đá lại sợ họ… Nhiều cái thôi thúc như thế nên muốn tìm cho ra một HLV giỏi.
Đương nhiên tìm HLV thì chúng tôi đã thống nhất trong nội bộ liên đoàn về tiêu chí là chọn người châu Á – thực ra chỉ có Hàn Quốc, Nhật Bản thôi. Tôi sang Nhật hẹn gặp HLV từng dẫn dắt đội tuyển Olympic (HLV Takashi Sekizuka – từng đưa đội U-23 Nhật Bản giành vị trí thứ 4 tại Olympic London 2012 và vô địch U-23 châu Á 2016) thì ông ấy hẹn 2-3 tháng sau mới trả lời nên mới quay qua Hàn Quốc.
Ở Hàn Quốc, tôi cũng thuộc loại có uy tín (cười), vì có Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đi bên Nhật, Hàn Quốc. Tôi đi không mang danh thiếp Chủ tịch công ty, mà là Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Tôi nhờ Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc tư vấn giúp tìm một huấn luyện viên đúng tầm, giỏi, để dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Họ hỏi: “Ông có biết đội tuyển Hàn Quốc đứng thứ 4 thế giới không năm đó không (năm 2002)?”. Tôi nói “sao không biết được”. Họ mới tiếp tục nói ông Park Hang-seo hồi đó là trợ lý của Guud Hiddink (HLV trưởng Đội tuyển Hàn Quốc năm 2002).
Một người như vậy cần gì xem lý lịch. Quá giỏi rồi! Trợ lý của Hiddink thì không phải bàn nữa. Từ đó, tôi tìm mọi cách để gặp, đặt vấn đề, thương lượng, đàm phán lương… để đưa ông Park về Việt Nam. Đến khi ông ấy đồng ý thì Liên đoàn… không có tiền (cười).
Khi đó, tôi phải bỏ tiền ra. Hợp đồng ký 1 năm thì họ đâu chịu, làm HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia mà 1 năm thì sao làm? Vậy nên phải ký hợp đồng 2 năm.
Thời điểm đó, Hoàng Anh Gia Lai sở hữu khối tài sản 55 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ đô la, cũng không phải nghèo. Nhưng khi đã mất thanh khoản thì 1 tỷ đồng kiếm cũng không ra nên lúc đó tôi không có tiền. Vậy lấy tiền đâu trả lương cho ông Park?
Thời điểm đó, không ai khác, anh Phú chính là người giúp tôi. Trước đó tôi không biết anh Phú. Thật ra nói không biết cũng không đúng, ai mà không biết anh ấy? Nhưng lúc đó chúng tôi chưa là bạn của nhau.
Tình cờ, cũng được giới thiệu, trao đổi ngắn thôi, thì tôi thấy anh Phú là người hiểu sâu, nắm được vấn đề. Người ta đi thì anh Phú vào. Tôi quan hệ với 7-8 ngân hàng, nhưng họ không dám tiếp tôi nữa, tại nợ quá hạn thì chết nữa, họ né liền. Chỉ có anh Phú tiếp tôi, lên lịch trình luôn.
Rồi chuyện doanh nghiệp của Anh Phú đứng ra mua lai nợ của Temasek, Quỹ đầu tư Chính phủ lớn nhất của Singapore. Xưa giờ, có doanh nghiệp, ngân hàng nào dám mua nợ nước ngoài không? Mua nợ của Temasek là chuyện chưa từng có tiền lệ. Một doanh nghiệp Việt Nam mua nợ nước ngoài, số tiền không hề nhỏ, nghìn tỷ chứ không phải trăm. Mà cuối cùng anh Phú thắng, thắng to, thắng người nước ngoài chứ không phải thắng ông trong nước.
Ông Park từng nói với truyền thông: “Không có ông Đức thì không có tôi ở đây, không có sự thành công khiến tôi nổi tiếng cả ở Việt Nam và Hàn Quốc”. Tôi nói giỡn với anh Phú là tôi không có mặt ở đó, chứ nếu có mặt tôi sẽ nói với ông Park là: “Thực ra là không có ông Phú thì mới không có ông Park chứ không phải là không có ông Đức thì không có ông Park”. Anh Phú cứu mình thì mình mới có tiền đưa ông Park về mà (cười).
Hôm nay, tôi chính thức mời ông ấy ăn cơm với anh Phú và muốn nói với ông Park câu chuyện này, để ông ấy hiểu người Việt Nam có những người cực kỳ tốt như thế. Câu chuyện nó dắt dây như thế.
Những lúc anh phải làm bóng đá trong điều kiện khó khăn như vậy thì có “ló được cái khôn” nào không?
Thực sự, đã không có tiền rồi thì không thông minh nổi đâu, nhưng ở trong cái thế phải làm như vậy. Lúc đó, tôi là phó chủ tịch, lại là người phụ trách tài chính, buộc phải làm.
Trong thời điểm khó khăn như thế mà anh vẫn còn mê bóng đá đến vậy sao?
Đã thích thì không thay đổi, chỉ có chết thì thôi. Có tiền cũng thích mà không có tiền cũng vẫn thích, bằng mọi giá. Thật ra tôi tin tưởng rằng mình có tài sản lớn, chẳng qua thanh khoản bị trục trặc, chứ không phải mình không có tiền. Tôi đi mượn rồi xử lý đâu vô đó. Tắc thanh khoản khác với không có tài sản.
Hiện tại, anh và Hoàng Anh Gia Lai đã hết khó khăn chưa?
Tất nhiên bây giờ tôi cũng tương đối “thoát” rồi. Tài sản Hoàng Anh Gia Lai hơn năm mấy ngàn tỷ còn nguyên, không bị ai giải chấp, bán rẻ. Còn về nguyên tắc, đi vay, thế chấp, tới hạn mà không trả được nợ thì tài sản định giá 10 đồng họ bán 7 đồng cũng chịu chết, mất ngay tài sản.
Còn có thành công hay không thì chưa biết. Giờ các ngân hàng mới ngồi lại nói chuyện chứ ngày xưa họ tháo chạy (cười).
Làm thế nào trong đại dịch Covid-19, HAGL vẫn có kết quả kinh doanh khởi sắc hơn, giảm mạnh lỗ luỹ kế?
Cuối năm còn giảm nữa (cười). Tôi cũng may mắn thôi. Tôi thất bại với cao su, cọ dầu, ai cũng biết rồi. Tôi chuyển diện tích đất đó sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi. Mà đó lại là mặt hàng thiết yếu, xã hội không bỏ được, nên chúng tôi không những không giảm mà còn tăng trưởng, tăng trưởng tới hai chữ số. Đó là sự chuyển đổi mà may mắn gặp thời.
Covid-19 thì người ta cũng không thể không ăn thịt, không ăn chuối được. Họ mua ào ào, chỉ sợ không ai bán thôi.
Nếu không tiếp tục gặp các biến động bất thường, HAGL bao giờ sẽ có lãi?
Mọi người quan tâm lãi chứ tôi chỉ quan tâm số nợ thôi, cứ giảm nợ là mừng rồi. Giảm nợ mới là quan tâm số 1. Tại vì nợ khổ lắm. Người ta chưa thấm chứ tôi thấm rồi. Tôi là người biết nợ rồi, biết thế nào là tắc thanh khoản rồi.
Trong 5 loại cây chiến lược là chuối, bưởi, xoài, sầu riêng, mít – hiện ngoài chuối thì loại quả nào đang có triển vọng?
Về cây thì chúng tôi có chiến lược rồi, tập trung vào cây chuối trước. Cây chuối sản lượng ra bao nhiêu bán cũng hết, chỉ sợ mình không có mà bán thôi. Thị trường Trung Quốc một năm tiêu thụ hai mươi triệu tấn chuối, mà chúng tôi mới đang phấn đấu làm sao để được một triệu tấn.
Chúng tôi không phải đặt mục tiêu đầu ra. Khi kinh doanh mà có đầu ra ổn rồi thì không có gì để lo hết, chỉ lo trồng thôi. Các loại cây khác thì có thể trồng sau, nhưng chúng tôi đang hướng vào chiến lược mới. Nguyên tắc nông nghiệp là phải khép kín, có chăn nuôi thì mới kết hợp được, tận dụng được phụ phẩm, đất đai cho nông nghiệp. Thiếu chăn nuôi là chưa khép kín đâu.
Tập trung vào nông nghiệp, anh thấy khác gì so với trước?
Nó nhẹ đầu hơn. Sản phẩm nông nghiệp là thiết yếu, ai cũng cần và không có nhiều chuyện phức tạp khác (cười).
Nhưng có vẻ làm nông nghiệp còn rủi ro hơn khi anh bị cú thua lỗ rất nặng với cao su?
Đương nhiên làm cái gì cũng có rủi ro hết, nhưng mức độ nào mình chấp nhận được. Trồng cây cao su, nhưng không có thời thì thua. Lúc trồng giá 5.000 đô/tấn, lúc bán còn có 1.100 đô/tấn, thì không có lý gì sống được. Sống mới lạ, còn chết là bình thường (cười). Chứ nếu bán giá 5.000 đô thì tôi thắng rồi. Nhưng thôi, mình chấp nhận sai đường thì mình thua.
Tóm lại bây giờ tiền nhiều mà rủi ro quá thì cũng né (cười). Giờ tôi chọn an toàn để làm và làm gì cũng rất gọn thôi. Cách đây 10 năm, 15 năm tôi làm bạo lắm: thủy điện hàng ngàn MW, qua đầu tư cả Myanmar. Nhưng khi tuổi tác có rồi thì mình làm gọn lại, trong vòng kiểm soát được tình hình, không vươn ra nữa.
Nói về đầu tư nước ngoài, tôi là người đầu tiên chứ ai. Hồi đó tôi gọi là “đánh bắt xa bờ”: đi xa mới có cá lớn chứ ở nhà đâu có. Thời đó tôi hay đi trước, mà đi trước thì hay rủi ro (cười).
Vậy giờ tránh bớt rủi ro rồi, anh đã thấy thư giãn hơn trước chưa?
Thư giãn thì chưa đâu, tôi nghĩ phải vài năm nữa, có tốt hơn so với cách đây 2-3 năm thôi. Tôi ưu tiên giải quyết nợ nần, không lạm dụng đòn bẩy nhiều nữa, làm an toàn.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)