Là một cái tên quen thuộc trong làng công nghệ, từng làm quản lý cấp cao nhiều công ty đa quốc gia: IBM, Microsoft, Hewlett Packard, Schneider Electric… ông Nguyễn Bá Quỳnh hiện đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Global Cybersoft – thành viên Tập đoàn Hitachi Consulting, chuyên cung cấp dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin cho khách hàng. Năm 2020, Global Cybersoft đã đổi tên thành Công ty TNHH Hitachi Vantara Vietnam. Hiện, ông Quỳnh là Phó Chủ Tịch Cấp Cao Tập Đoàn Hitachi Vantara – Tổng Giám đốc Hitachi Vantara Vietnam.
Có thể nói, giữa bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là một trong số các ngành đi ngược dòng không bị tác động tiêu cực. Thậm chí, những đơn vị này đang đứng trước cơ hội mới cực kỳ lớn khi doanh nghiệp ngày càng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhằm phản ứng linh hoạt, tối ưu hoá bộ máy quản trị, sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.
Trao đổi về viện vận hành rủi ro giữa Covid-19 tại Shark Tank Forum 2020, ông Quỳnh cho biết: “Tôi thì ở cấp quản lý chứ không phải là doanh nhân, hầu hết các doanh nhân đều tin vào may mắn, có đúng không? Chính tôi cũng tin vào may mắn, tất cả mọi người những người thành công mà tôi được biết họ đều bảo rằng trong thành công thì có may mắn.
Tuy nhiên nếu may mắn đó đến mà anh không đón nhận được may mắn thì cũng chẳng đem lại gì cả. Tinh thần của giới công nghệ thông tin lúc nào cũng vậy, luôn chuẩn bị sẵn sàng, chắc do chương trình học của dân công nghệ thông tin đầu tiên là phải quy trình, tự động hóa quy trình, chuẩn hóa quy trình… của chúng tôi rất phù hợp ở thời điểm bây giờ“.
Người ta thường nói thương trường như chiến trường nên lúc nào cũng là thời chiến, mấy chục năm làm nghề kinh doanh thì bao giờ cũng là trận chiến, ông Quỳnh cho biết thêm câu nói mà bản thân thích nhất thời đi học đó là ‘cơ hội luôn luôn ưu ái cho những ai có tư duy sẵn sàng’, với ông Quyènh thì 6 từ trong cùng 1 từ đó là luôn luôn sẵn sàng.
Bàn về chuyển đổi số, vị này nhấn mạnh bản chất của chuyển đổi số là chuyển đổi văn hóa. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp là một con dao hai lưỡi có thể giết chết doanh nghiệp khi đã quá thành công, nếu tư duy, mindset của công ty đông cứng lại thì thất bại sẽ được dọn sẵn. Vì vậy lãnh đạo cấp cao và dàn lãnh đạo bên dưới lúc nào cũng phải học hỏi, dự đoán được cái gì sắp xảy ra… Đặc biệt, làm sao để đội ngũ cộng sự của mình hiểu được sự chuẩn bị sẵn sàng; để khi sự cố thì doanh nghiệp ít sự ảnh hưởng nhất.
“Văn hóa doanh nghiệp như thế nào sẽ phụ thuộc vào tinh thần của người sáng lập ra nó. Ví dụ, văn hóa doanh nghiệp của Thế giới Di động không thể bê nguyên xi vào trong văn hóa doanh nghiệp của Hitachi và ngược lại. Giống như câu nói trong cuốn sách ‘Good to great: anh không phải chọn người xuất sắc mà sẽ chọn người phù hợp, anh có nhóm người đồng chí hướng cùng nỗ lực giải quyết sự cố nào đó hoặc đem lại giá trị nào đó. Như vậy, những người đó sẽ giúp tạo nên văn hóa, và anh thành công vì biết xây dựng văn hóa đó“, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Shark Nguyễn Hoà Bình – Chủ Tịch Tập đoàn NextTech.
Cùng xuất thân trong lĩnh vực công nghệ, Shark Nguyễn Hoà Bình – Chủ Tịch Tập đoàn NextTech phân trần: “Có những doanh nghiệp trước dịch Covid-19 này vẫn đối mặt với những rủi ro về chiến lược, nhưng đối với doanh nghiệp khác có khi nó lại là cơ hội. Nhìn từ lịch sử, theo tôi trong rủi ro chắc chắn có nhiều cơ hội đặc biệt cho Startup“.
Lấy ví dụ về NextTech, chuyên về các nền tảng kỹ thuật số cho các doanh nghiệp sử dụng nên trong giai đoạn Covid-19 vừa rồi may mắn. “Chúng tôi ít bị ảnh hưởng, thậm chí là rất ít vào khoảng tháng 4 – tháng thực hiện phong tỏa toàn quốc. Sau đó tất cả mọi thứ lại tăng rất nhanh, con số tăng trưởng những tháng sau dịch theo thống kê thậm chí vượt năm 2019 với sự dịch chuyển hàng loạt của các doanh nghiệp: Từ môi trường offline sang môi trường online“, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ước tính, NextTech năm 2020 dự kiến sẽ tăng trưởng. Tất nhiên có những công ty giảm có công ty tang; nhưng tăng trưởng chung đâu đó khoảng 80% so với năm 2019.
Về phía startup, ông Bình cho rằng dịch đang đem lại cơ hội rất lớn. Bởi, trong điều kiện bình thường không có khủng hoảng như năm 2019, các startup theo ông Bình chỉ có cơ hội ở môi trường nhỏ, thị trường sơ khai vì không có ai chen vào. Như vậy, nếu không có khủng hoảng thì startup sẽ không có cửa với các doanh nghiệp lớn. Nhưng, khủng hoảng xảy ra lại là cơ hội để cho các startup nếu biết tận dụng cơ hội sẽ bắt kịp hoặc rút gọn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn.
Mặt khác, startup càng nhỏ thì lúc đối thủ to hơn đang run tay, mình cần phải khôn khéo, tìm cách bứt phá, rút ngắn khoảng cách, ông Bình nói. Trong đó, thời đại bây giờ là nền kinh tế không chạm, có rất nhiều mô hình kinh doanh mới giúp chúng ta có thể bứt phá. Ví dụ trong thời Covid vừa rồi, tham khảo ở trung quốc có hình thức bán hàng rất mới, đó là livestream. Thậm chí là Jack Ma còn phải livestream bán son. “Đó chính là điển hình của nền kinh tế không chạm mà trong giai đoạn Covid, nền kinh tế không chạm đó đã biến mạng internet Trung Quốc một cái chợ, rất Châu Á, rất Asian, nó trở thành một trends cực lớn so với nền kinh tế sờ soạng”, ông Bình nhấn mạnh.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)