Cổ đông ngoại kiếm bộn từ GreenFeed Việt Nam
Tháng 8/2019, GreenFeed Việt Nam kỷ niệm 16 năm thành lập trong một hoàn cảnh đặc biệt – dịch bệnh tả heo châu Phi đang tác động mạnh tới mảng chăn nuôi (feed&farm) của tập đoàn này. Song, trong thư gửi tới cán bộ, công nhân viên, ông Lý Anh Dũng – trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) GreenFeed Việt Nam – vẫn tự tin rằng tập đoàn có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2019.
Ở chiều hướng ngược lại, các nhà quản lý quỹ Vietnam Phoenix Fund Limited (VPFL) – cổ đông ngoại tại GreenFeed Việt Nam – không lạc quan như vậy. Họ cho rằng GreenFeed Việt Nam sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và dự báo tập đoàn này sẽ phát sinh thêm chi phí để ngăn ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi lan rộng trong các trang trại trong nửa cuối năm 2019. Tình hình dịch bệnh khiến giá trị định giá khoản đầu tư của VPFL vào GreenFeed Việt Nam giảm tới 14,6% trong tháng 6/2019.
Để rồi, đến ngày 11/9/2019, VPFL đã hoàn tất việc bán toàn bộ khoản đầu tư lớn nhất của mình, thu về 33,7 triệu USD sau thuế (tương đương 781,4 tỉ đồng). Cộng với các khoản cổ tức đã nhận, VPFL cho biết đã có lãi sau thuế 4,8 lần (a post-tax return multiple) kể từ khi đầu tư vào GreenFeed Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình một phần báo cáo của PVFL |
Được biết, VPFL đã đầu tư vào GreenFeed Việt Nam từ tháng 5/2010. Ban đầu, quỹ này rót 9,5 triệu USD, bao gồm 4,2 triệu USD cổ phần và 5,8 triệu USD qua công cụ tài chính có quyền hoán đổi (redeemable convertible instrument), với tỉ lệ sở hữu sau pha loãng lên tới 19% vốn. Tới tháng 7/2014, VPFL rót thêm 0,7 triệu USD mua thêm cổ phần phát hành thêm của GreenFeed Việt Nam.
Sau khi cổ đông ngoại thoái lui, như đã biết, GreenFeed Việt Nam cũng chứng kiến sự chuyển giao thế hệ, khi ông Lý Anh Duy Quang (SN 1987) thay thế người cha Lý Anh Dũng (SN 1966) đảm nhiệm cương vị đứng đầu tại tập đoàn.
|
Như VietTimes từng đề cập , IFC đang cân nhắc rót 180 triệu USD vào GreenFeed Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận của GreenFeed Việt Nam có dấu hiệu tạo đáy vào năm 2018 (giai đoạn dịch bệnh dịch tả lợn bùng phát mạnh mẽ) và bắt đầu hồi phục từ năm 2019, tỉ suất lợi nhuận vượt trội hơn cả với những đại gia cùng ngành như Dabaco hay Masan MeatLife.
Để có được tỉ suất sinh lời ấn tượng, trụ vững trước dịch bệnh, GreenFeed Việt Nam phần nào còn được tiếp sức bởi Quang Dũng Group – tập đoàn kín tiếng có kết quả kinh doanh ấn tượng không kém, do ông Lý Anh Dũng sáng lập.
“Hệ sinh thái” của nhà chủ GreenFeed Việt Nam Lý Anh Dũng |
‘Đế chế’ Quang Dũng Group
Trên trang chủ của CTCP Phân phối công nghệ Quang Dũng (QDTek), ông Lý Quang Dũng được giới thiệu một cách trang trọng, xếp trên cả ông Ngô Trường Đà – Chủ tịch HĐQT QDTek. Theo đó, ông Lý Quang Dũng được giới thiệu là nhà đồng sáng lập QDTek, Chủ tịch Quang Dũng Group, Chủ tịch và đồng sáng lập GreenFeed Group.
Theo tìm hiểu của VietTimes, QDTek được thành lập từ tháng 4/2005, đăng ký địa chỉ trụ sở tại toà nhà Centec (số 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, Quận 3, Tp. HCM) – ‘đại bản doanh’ của Quang Dũng Group và cũng là trụ sở chính của nhiều thành viên GreenFeed Group. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Thạch Quân (SN 1972).
Sau nhiều năm hoạt động, tới tháng 1/2019, QDTek có quy mô vốn 20 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Quang Dũng (50% VĐL), ông Ngô Trường Đà (30% VĐL) và ông Đặng Thạch Quân (20% VĐL).
Đến tháng 12/2020, QDTek đã tăng vốn lên 126,85 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này bất ngờ ghi nhận sự góp mặt của CTCP GreenFeed Việt Nam (GreenFeed Việt Nam) với tỉ lệ sở hữu 47,3%. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện của QDTek lúc này là ông Nguyễn Tùng Lâm (SN 1972).
QDTek là nhà phân phối hạ tầng công nghệ thông tin, IT, thiết bị giám sát an ninh, viễn thông và hạ tầng điện tại Việt Nam. Mảng công nghệ không đóng góp quá nổi bật trong kết quả kinh doanh của nhóm Quang Dũng Group.
|
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, QDTek đều báo lãi, song biên lợi nhuận khá mỏng so với các thành viên khác cùng nhóm. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu 477,4 tỉ đồng, báo lãi mỏng 1,7 tỉ đồng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Quang Dũng (Quang Dũng Investment), theo tìm hiểu của VietTimes, đóng vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái Quang Dũng Group. Pháp nhân này được thành lập từ tháng 8/2013, giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Diễm Thuý (SN 1978).
Một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, cổ phần Quang Dũng Investment được chia đều cho 5 cá nhân, đó là bà Phan Thị Kim Thoa (SN 1968), ông Ngô Hoài Phong (SN 1976), bà Diệp Hữu Linh Lan (SN 1979), bà Nguyễn Thị Diễm Thuý, ông Nguyễn Ảnh Đôn (SN 1970).
Đáng chú ý, bà Phan Thị Kim Thoa có cùng địa chỉ thường trú với ông Lý Anh Dũng. Bà Diệp Hữu Linh Lan, ông Ngô Hoài Phong và ông Lý Anh Dũng là các cổ đông của CTCP Nguyên Liệu Mê Kông.
Các cá nhân kể trên, cùng với Quang Dũng Investment, chia nhau góp vốn tại nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, vận tải.
|
Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại Quang Dũng (QDFeed) chuyên cung cấp khô dầu đậu nành, các nguyên liệu đơn dùng trong sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản, chất xử lý môi trường nước dùng trong nuôi tôm, nuôi cá.
Công ty này được thành lập từ tháng 2/1999, do bà Diệp Hữu Linh Lan làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, sở hữu 12,31% vốn. Trong khi đó, nắm cổ phần chi phối tại QDFeed là Quang Dũng Investment với tỉ lệ sở hữu 72,31%.
Ông Lý Anh Dũng từng xuất hiện tại nhiều sự kiện quan trọng của QDFeed. Tháng 1/2011, trên cương vị Chủ tịch HĐTV, ông Lý Anh Dũng đã thay mặt QDFeed ký kết hợp tác với Tập đoàn Bunge, chính thức cho ra mắt Công ty TNHH Bunge Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của công ty sau nhiều năm làm đại lý độc quyền cho Bunge tại Việt Nam.
Đến tháng 7/2016, ông Lý Anh Dũng thêm một lần nữa đại diện cho QDFeed thành lập liên doanh mới với Bunge và Wilmar.
Theo đó, Bunge sẽ bán 45% cổ phần tại Nhà máy ép dầu Bunge Việt Nam cho Wilmar, tạo thành một liên doanh mới giữa ba công ty. Cụ thể, Bunge và Wilmar sẽ cùng giữ số cổ phần bằng nhau là 45%, 10% còn lại sẽ vẫn do QDFeed nắm giữ.
Ông Lý Anh Dũng (ngoài cùng, bên trái) cùng đại diện của Bunge và Wilmar tại buổi lễ công bố liên doanh mới |
Công ty TNHH Bunge Việt Nam nay đã đổi tên thành Công ty TNHH Kinh doanh Nông sản Việt Nam (Vietnam Agribusiness), tổng giám đốc kiêm đại diện là ông Nguyễn Minh Vĩ (SN 1974).
Trong giai đoạn 2016 – 2019, kết quả kinh doanh của Vietnam Agribusiness cũng không hề thua kém GreenFeed Việt Nam với doanh thu cả chục nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Đỉnh điểm là năm 2018, Vietnam Agribusiness ghi nhận doanh thu đạt 13.382,9 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 612,9 tỉ đồng. Trên bảng cân đối, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Vietnam Agribusiness đạt 5.826,6 tỉ đồng, cao gấp 5,6 lần vốn chủ sở hữu.
|
Quang Dũng Investment còn là cổ đông tại CTCP Dầu thực vật Nam Mỹ (thành lập tháng 1/2011) và Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Quang Dũng (thành lập tháng 8/2002). Vào năm 2015, nhóm Quang Dũng Group còn chuyển nhượng toàn bộ vốn Công ty TNHH Thực phẩm Dinh Dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutrifood) – chuyên sản xuất và cung cấp những sản phẩm xúc xích tiệt trùng và thực phẩm đóng hộp – cho tập đoàn Masan .
Ngoài ra, Quang Dũng Investment và GreenFeed Việt Nam hiện là các cổ đông lớn, cùng nhau nắm chi phối tại Công ty TNHH Feddy – nơi ông Lý Anh Duy Quang đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐTV. Một số thành viên khác cùng nhóm cũng có thể kể tới như: CTCP Fedfarm, CTCP Thương mại Joy Foods./.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)