Điện mặt trời đang trở thành phương án ngày càng hấp dẫn đối với Việt Nam nhờ chi phí giảm xuống trong những năm gần đây, thời gian xây dựng nhanh, và đóng góp của điện mặt trời giúp đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì môi trường bền vững.
Để hỗ trợ phát triển điện mặt trời, năm 2017, Chính phủ đã ban hành chính sách biểu giá điện năng lượng tái tạo ưu đãi hòa lưới (Feed-in-tariff hay FIT). Hệ quả của chính sách này là 4,5 GW điện mặt trời được triển khai tính đến giữa năm 2019, FIT 2 đã được đưa ra tạo điều kiện cho những dự án có thể hoàn thành nối điện trước khi kết thúc năm 2020. Dự kiến theo FIT 2 sẽ có thêm khoảng 1,5 GW bổ sung vào công suất phát điện quốc gia trong năm nay.
Trên khía cạnh chuỗi cung ứng, ít người biết rằng Việt Nam cũng là một công xưởng của thế giới về sản xuất module và tấm pin năng lượng mặt trời. Theo số liệu từ World Bank, năm 2017 khoảng 5 GW tấm năng lượng mặt trời được sản xuất tại Việt Nam, chiếm 7% thị trường toàn cầu. Các chủ đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc và Mỹ.
Công suất sản xuất module của Việt Nam hiện nay gần như dành hoàn toàn cho xuất khẩu, khoảng 5,2 GW/năm, gấp 3 lần công suất tối đa dự kiến mỗi năm của thị trường trong nước. Chỉ số ít nhà máy sản xuất linh kiện có thể bán cho thị trường nội địa.
Quy hoạch điện 8 (PDP 8) đang thảo luận công suất mục tiêu điện mặt trời 18 GW vào năm 2030. Điều này để ngỏ mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất, các công ty EPC cũng như cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng trong tương lai.
Theo dữ liệu của chúng tôi, quán quân về doanh thu trong số các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời trong năm 2019 thuộc về First Solar với doanh thu 13.566 tỷ đồng. Tuy vậy do mới đi vào hoạt động và quy mô lớn, First Solar cũng ghi nhận mức lỗ ròng 1.271 tỷ đồng, năm trước đó thậm chí lỗ tới 1.941 tỷ đồng.
First Solar là nhà sản xuất module đến từ Mỹ, hai nhà máy của công ty này đặt tại Củ Chi, TP HCM có thể đạt đến công suất 2,4 GW mỗi năm, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Đứng ở vị trí tiếp theo, Vina Solar Technology – một nhà sản xuất từ Trung Quốc đạt doanh thu 8.459 tỷ đồng, lãi ròng 467 tỷ đồng. Trước đó hai năm (2017), công ty này thậm chí còn thu về lần lượt hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu và lãi khoảng 800 tỷ đồng.
Vina Solar Technology trụ sở tại Thượng Hải, đặt nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, công suất sản xuất module quang điện 4,5 GW, công suất sản xuất tế bào quang điện 1,8 GW, giá trị sản lượng hàng năm đạt 1 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Bắc Giang giống như một công xưởng sản xuất pin mặt trời, tập trung nhiều nhà máy lớn chủ yếu của các ông chủ Trung Quốc.
Có thể liệt kê như Boviet Solar doanh thu gần 4.500 tỷ đồng năm vừa rồi, lãi ròng 175 tỷ đồng. Công suất của Boviet Solar khoảng 1 GW, đây là công ty con của Tập đoàn Powerway, niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải – Trung Quốc.
Những cái tên khác cũng đặt nhà máy tại Bắc Giang gồm Trina Solar (Trung Quốc) doanh thu hơn 2.800 tỷ đồng, lãi 86 tỷ; JA Solar (Trung Quốc) doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng, lỗ 278 tỷ đồng.
Hải Phòng cũng là một trung tâm lớn khi đặt hai nhà máy của Canadian Solar (Canada), doanh thu 3.300 tỷ đồng, lãi 166 tỷ; và HT Solar (Trung Quốc) doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, lãi 215 tỷ đồng.
Quy mô khiêm tốn nhất trong số các nhà máy thuộc về Irex Energy, với doanh thu 315 tỷ đồng và lợi nhuận tượng trưng. Đây là thành viên của Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách khoa (SolarBK). Điểm đáng chú ý nằm ở việc SolarBK là công ty thuần Việt với kinh nghiệm từ các tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa TP HCM.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)