“Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông được thành lập vào năm 2009, với mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản trung và cao cấp”.
Lời “tự giới thiệu” của chủ đầu tư dự án Khu dân cư Villa Park (Quận 9, TP. HCM) dường như chưa phản ánh hết thực lực của doanh nghiệp này, hay đúng hơn là ông lớn bất động sản mới nổi đứng sau.
Thêm nữa, những chuyển biến bên trong tại Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông (BĐS Khu Đông) cũng kín tiếng không kém.
Theo dữ liệu của VietTimes, ngay đầu năm nay (13/1/2020), BĐS Khu Đông đã tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên mức 1.075 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông chứng kiến sự đảo vai giữa Công ty TNHH Thương mại Trường Sa (TM Trường Sa) và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Terra Capital (Terra Capital).
Cụ thể, TM Trường Sa giảm tỷ lệ sở hữu từ 52% xuống chỉ còn 49,674%. Còn Terra Capital tăng tỷ lệ sở hữu từ 48% lên mức 50,326%. Tuy nhiên, đây nhiều khả năng chỉ là sự thay đổi vai trò mang tính nội bộ, bởi cả 2 doanh nghiệp này đều do ông Lê Việt Anh (SN 1986) làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ông Lê Việt Anh là một mắt xích quan trọng trong một hệ sinh thái tài chính – bất động sản , có nhiều mối liên hệ với CTCP Dịch vụ Tây Yên Tử – chủ đầu tư dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử tại tỉnh Bắc Giang.
Trở lại với BĐS Khu Đông, hoạt động tăng vốn chỉ diễn ra ít ngày sau khi doanh nghiệp này dồn dập phát hành tổng cộng 1.138 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng thời gian từ 15/11 – 24/12/2019. Số trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 năm đến 3,5 năm, với mức lãi suất từ 10,2 – 10,4%/năm.
Thông thường, các doanh nghiệp tìm đến kênh huy động vốn qua trái phiếu khi “cửa” để vay vốn ngân hàng đã hẹp.
Đối với BĐS Khu Đông, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp này báo lỗ 57,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn có khối nợ lên tới 4.240 tỷ đồng, gấp 5,3 lần quy mô vốn chủ sở hữu.
Còn sau thương vụ trái phiếu, trong 6 tháng đầu năm 2020, BĐS Khu Đông báo lỗ 139,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần với cùng kỳ. Trong khi đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vẫn giữ nguyên ở mức 5,3 lần, tương đương với việc BĐS Khu Đông đang phải “gánh” khối nợ lên tới 5.697,5 tỷ đồng.
Bức tranh tài chính trước mắt có thể chưa khả quan nhưng khi rót hàng nghìn tỷ đồng vào trái phiếu của BĐS Khu Đông, các trái chủ hẳn phải đã tìm hiểu rất kỹ và có niềm tin lớn vào nhà phát hành cũng như “danh mục” loạt dự án bất động sản mà công ty này đang gián tiếp sở hữu.
Quỹ “đất vàng” tại đảo ngọc Phú Quốc
Theo tìm hiểu của VietTimes, BĐS Khu Đông là công ty mẹ, nắm giữ cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Khu Đông Phú Quốc, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ thế Kỷ Xanh, Công ty TNHH Hải An Huy, CTCP Ngôi sao Cửa Dương.
Trong số những cái tên kể trên, Công ty TNHH Sản Xuất – Thương Mại Và Dịch Vụ Thế Kỷ Xanh là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Du lịch Phú Quốc – Thế Kỷ Xanh quy mô 1.133.298 m2 tại ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Công ty TNHH Hải An Huy là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Green Hill tại đồi Móng Tay, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Quy hoạch tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Green Hill tại Phú Quốc
Còn CTCP Ngôi sao Cửa Dương là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Ngôi Sao – Lucky Star Resort tại địa chỉ Ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn – Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
BĐS Khu Đông còn từng nắm giữ 74% vốn của Công ty TNHH Bất động sản Thạch Bàn Lakeside – chủ đầu tư dự án nhà ở Thạch Bàn Lakeside quy mô 78.194 m2 tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Vào tháng 4/2018, BĐS Khu Đông đã chuyển giao số cổ phần tại Thạch Bàn Lakeside cho một thành viên khác cùng nhóm là Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Hải Dương.
Ngoài ra, BĐS Khu Đông còn được biết tới là cổ đông lớn, nắm giữ 35% vốn tại Công ty cổ phần Tổng công ty Licogi (Mã CK: LIC).
Như VietTimes từng đề cập , tháng 9/2018, LIC đã trình cổ đông kế hoạch phát hành tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm đầu tư Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội do công ty con là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi làm chủ đầu tư.
Về kế hoạch này, người đại diện vốn Nhà nước tại LIC đã có báo cáo xin ý kiến của đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước (Bộ Xây dựng), tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa có ý kiến chính thức. Sau đó, Bộ Xây dựng đã chuyển giao số cổ phần đang nắm giữ tại LIC cho SCIC. Còn kế hoạch phát hành trái phiếu của LIC tiếp tục bị trì hoãn cho tới nay./.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)