Tân Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia đã chia sẻ những định hướng chiến lược địa phương hóa và các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình vận hành và quản lí năng lượng cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chào ông, được biết đây là lần đầu tiên Schneider Electric Việt Nam có Tổng Giám đốc là người Việt, theo ông cột mốc này có ý nghĩa như thế nào?
Để nói về điều này, chúng ta cần đặt câu chuyện trong một bối cảnh lớn và đầy đủ hơn. Việt Nam được xem là một trong những thị trường trọng điểm của Schneider Electric toàn cầu khi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi từ vĩ mô, cho đến quy mô và tốc độ phát triển thực tế.
Việt Nam sở hữu môi trường chính trị ổn định, bền vững; chính sách và khung pháp lí mở hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ và chuyển đổi số. Hạ tầng của quốc gia được nâng cấp, hoàn thiện liên tục. Nguồn nhân lực trẻ có chuyên môn, tay nghề cao với chi phí nhân công hợp lí. Chưa kể, tốc độ tăng trưởng và phát triển của Việt Nam luôn đạt mức tích cực, thậm chí ngay cả khi kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Trước triển vọng tăng trưởng tích cực và đầy tiềm năng như hiện tại, để có thể triển khai, cung cấp và đồng hành cùng các đối tác một cách hiệu quả hơn, Schneider Electric xác định cần tiếp tục gia tăng sự hiện diện và thấu hiểu với thị trường Việt.
Việc điều chỉnh bộ máy quản trị thượng tầng là một trong các thay đổi mang tính cần thiết và quan trọng nhằm củng cố, mang lại lợi thế cho tập đoàn khi có thể địa phương hoá các xu hướng, giải pháp quốc tế phù hợp với đặc tính, nhu cầu và mức độ áp dụng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các khách hàng của Schneider Electric sẽ được cung cấp những giải pháp toàn diện hơn đẩy nhanh và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong quá trình vận hành, quản lí năng lượng. Đồng thời, đây cũng là cột mốc khẳng định cam kết đầu tư dài hạn của tập đoàn Schneider Electric tại thị trường Việt Nam trong tương lai.
Theo ông, Việt Nam đang đối mặt với những bài toán về năng lượng nào và Schneider Electric sẽ triển khai chiến lược tổng thể gì để đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam?
Hiện nay, hiệu suất sử dụng năng lượng trong nhiều nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của VN chỉ đạt được từ 28% đến 35%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 – 10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010 và được nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014 tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Tháng 4 năm 2019, chính phủ cũng đã đưa ra Đề án Chuyển đổi số quốc gia trong đó xác định một trong những nhiệm vụ chiến lược chính là xây dựng hệ thống Quản trị năng lượng thông minh, tối ưu hiệu suất, không để thất thoát, hao phí.
Do đó, nhu cầu về quản trị và sử dụng năng lượng thông minh, bền vững sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên trọng tâm không chỉ của chính phủ mà còn đến từ các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với hướng đi chiến lược của Schneider Electric trong tương lai.
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện tư vấn chiến lược, cung cấp một hệ sinh thái các dịch vụ và giải pháp toàn diện đáp ứng nhu cầu năng lượng của doanh nghiệp trong quản trị – vận hành và sản xuất công nghiệp. Ví dụ như đối với các cơ sở y tế, việc mất điện đột ngột có thể đe dọa đến sự an toàn của bệnh nhân, tổn hại uy tín, và tạo ra giới hạn tài chính.
Giải pháp EcoStruxure Power của chúng tôi có thể đảm bảo các máy phát điện khẩn cấp phục hồi năng lượng cứu sinh cho nguồn điện sạch và không bị gián đoạn. Còn với các tòa nhà, các giải pháp EcoStruxure Power, như EcoStruxure Facility Expert và EcoStruxure Facility Advisor, cho phép bạn kiểm soát tối đa các hoạt động và tăng cường hiểu biết chuyên sâu vào việc tiêu thụ năng lượng và tình trạng tài sản.
Trong thời gian tới, chúng tôi đặt trọng tâm vào các ngành đang phát triển mạnh mẽ như: Thực phẩm và giải khát (F&B), Dược phẩm, Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Xử lý nước và nước thải (Water & Wastewater), Trung tâm dữ liệu (Data Center), Năng lượng tái tạo (Renewable Energy)…
Được biết, ông là người từng thiết lập toàn bộ hệ thống chăm sóc khách hàng và cung ứng của Schneider Electric Việt Nam, sau đó hoạt động nhiều năm ở các thị trường sôi động như Lào, Myanmar, Úc và New Zealand. Dựa trên những am hiểu, kinh nghiệm của ông tại thị trường nước ngoài, liệu có sự khác biệt nào trong định hướng chiến lược và vận hành của Schneider Electric hay không?
Mỗi quốc gia, lãnh thổ đều có những đặc trưng riêng biệt về văn hoá làm việc cũng như cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cho dù tính bản địa có nổi trội thế nào thì giá trị cốt lõi của Schneider Electric vẫn được duy trì, xuyên suốt trong mọi hoạt động – đó là đặt đối tác, khách hàng làm trung tâm (Customer Centric) để từ đó tìm kiếm, xây dựng những chiến lược, con người phù hợp.
Điểm nổi bật của Schneider Electric trong thời điểm hiện tại và sẽ được nuôi dưỡng, phát triển trong tương lai chính là văn hoá sáng tạo và linh hoạt. Đây cũng chính là hai từ khoá “nóng” trong năm 2020 khi thực tế đã chứng minh một doanh nghiệp “linh hoạt – agile” có thể tạo ra sự khác biệt và vượt qua khủng hoảng một cách hiệu quả như thế nào.
Bên cạnh đó, Schneider sẽ tiếp tục thúc đẩy các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ sâu để tối ưu hoá quy trình vận hành, tiếp cận và đồng hành với khách hàng trên mọi nền tảng đồng thời đưa ra những quyết định chính xác và hiệu quả hơn. Điều này được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu khi đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú huých mạnh mẽ thay đổi hành vi và nhu cầu của khách hàng một cách toàn diện. Và công nghệ – kỹ thuật số là một trong những trọng điểm mà doanh nghiệp cần nắm bắt để thích nghi và thay đổi trong tương lai.
Và cuối cùng chính là hướng đến các giải pháp kinh doanh cho người dùng đầu cuối. Mọi giải pháp, mọi chiến lược đều được đề cao tính hiệu quả và phù hợp với nhu cầu, lợi ích của khách hàng. Nhờ đó, đội ngũ của Schneider sẽ có những khung giá trị và tham chiếu thực tiễn nhằm phục vụ khách hàng của mình tốt hơn.
Đâu sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm của ông khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình cùng Schneider Electric Việt Nam?
Năm 2020 là một thời gian đầy thách thức với kinh tế Việt Nam và toàn cầu nói chung, cũng như với Schneider Electric nói riêng. Bước vào năm 2021, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tái cấu trúc để phù hợp với cách làm việc mới, môi trường kinh doanh mới, đòi hỏi tính chủ động, sáng tạo, trao quyền, cũng như lòng tin, để có thể đưa ra những quyết định và những sự thay đổi nhanh hơn. Bên cạnh đó, bảo đảm sự an toàn cả về thể chất cũng như tinh thần, thúc đẩy động lực phát triển của toàn bộ nhân viên cũng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Về mặt kinh doanh, ưu tiên của Schneider Electric là tiếp tục củng cố, xây dựng, phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới đối tác với các nhà phân phối, tích hợp hệ thống, nhà sản xuất tủ bảng điện, nhà tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt chú trọng chuỗi cung ứng logistics trong tình hình ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn hiện hữu và đe doạ làm gián đoạn các hoạt động sản xuất – kinh doanh ở quy mô khó lường. Ngoài ra, đội ngũ kinh doanh sẽ không ngừng mở rộng thị phần thông qua việc đưa ra các giải pháp, sản phẩm với chi phí, tính năng phù hợp, sát với nhu cầu của doanh nghiệp trong tình hình hiện tại.
Trong dài hạn, Schneider sẽ duy trì định hướng đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là đóng góp vào quá trình cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua việc mở rộng mạng lưới phục vụ, cũng như các giải pháp về kỹ thuật số, nhà máy thông minh, thương mại điện tử…
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)