Tọa lạc trung tâm thương mại chuyên doanh hàng xa xỉ Union Square trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM, cửa hàng “chào sân” Việt Nam lần 2 của BVLGARI đón khách với không gian mua sắm chuẩn quốc tế như các cửa hàng flagship store trên toàn thế giới như London, Milan, Paris, Hong Kong…
Theo chia sẻ của Bulgari Việt Nam, cửa hàng này được thiết kế dựa trên ý tưởng của kiến trúc sư Peter Marino – người chuyên sáng tạo ra không gian của các cửa hàng thời trang thuộc tập đoàn LVMH – và thì công trong vòng hơn 1 năm.
Để bảo đảm chất lượng thi công và tính nguyên bản của thiết kế, một đội ngũ nhà thầu của Singapore đã được mời đến Việt Nam và buộc phải trải qua 15 ngày cách ly do tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, do những khó khăn của dịch bệnh và chênh lệch về múi giờ giữa châu Âu và châu Á, mọi hoạt động thi công, xây dựng, trang trí và trưng bày đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đòi hỏi toàn bộ ê kíp phải làm việc gần như 24/24 suốt nhiều tháng liên tục. “Mặc dù vậy, cửa hàng cũng đã đạt được yêu cầu thẩm định khắt khe về mặt an ninh, chất lượng công trình, số lượng sản phẩm và đội ngũ nhân viên”, vị đại diện cho biết.
Vậy điều khi đã khiến Bulgari có lựa chọn mới và quyết tâm vận hành cửa hàng trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp?
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, bất chấp đại dịch, doanh thu của thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam dự kiến đạt 1,tỷ USD trong năm nay. Tính chung giai đoạn 2021-2025, thị trường hàng xa xỉ Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 7,2%.
Theo BVLGARI Việt Nam, thị trường này thực sự triển vọng bởi khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt của chính phủ, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Nơi đay còn có một tầng lớp trung lưu phát triển, và thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi có sự hòa nhập mạnh mẽ vào dòng chảy của thế giới. “Chúng tôi tin rằng vẻ đẹp là một thứ ngôn ngữ hình ảnh mà bất kì quốc gia nào trên thế giới cũng sử dụng và mỗi người đều có quyền mơ ước được là phiên bản tốt hơn của chính mình. BVLGARI muốn được đồng hành cùng tất cả mọi người trong hành trình hoàn thiện bản thân đó”, đại diện công ty cho biết.
Lý do thứ hai để BVLGARI khai trương cửa hàng ngay trong mùa dịch dường như cũng chính vì cuộc khủng hoảng sức khoẻ đầy bất ngờ này. Chính mùa dịch đã tạo ra một phần cơ hội, khi người tiêu dùng không thể chi tiêu cho việc du lịch và mua sắm ở nước ngoài, mà có nhiều thời gian ở nhà, chăm chút cho bản thân nhiều hơn. Thậm chí, vì không đi xa, họ có thời gian chăm sóc tủ đồ của mình hơn.
Hiện nay, LVMH sở hữu 75 thương hiệu, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính của thị trường hàng cao cấp bao gồm : Rượu , Thời trang và thuộc da, Nước hoa và mỹ phẩm, Đồng hồ và nữ trang cùng các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Trước sức ép của tình hình kinh doanh đi xuống vì dịch, không khó hiểu khi các thương hiệu con của tập đoàn chủ động nhiều giải pháp khác nhau để tăng cường tiếp cận khách hàng tiềm năng tại các nước.
Với BVLGARI, bên cạnh việc tiếp tục mở thêm các cửa hàng mới ngay tròng mùa dịch như tại Việt Nam, ngay từ tháng 5/2020, thương hiệu này đã ra mắt gian hàng trực tuyến nhằm nắm bắt trào lưu thương mại điện tử lên ngôi. Cửa hàng trực tuyến của hãng thậm chí còn ứng dụng công nghệ hình ảnh 3D và thực tế ảo tăng cường (AR), giúp người tiêu dùng cảm nhận chân thực nhất có thể các sản phẩm được bày bán.
BVLGARI ra đời vào năm 1884 tại Via Sistina, Rome, Ý. Cha đẻ của thương hiệu này là người thợ kim hoàn tên Sotirios Bulgari. Tên thương hiệu BVLGARI được đặt theo họ của nhà sáng lập, nhưng được hiển thị chủ yếu với sự thay thể ký tự “V” thay vì “U” trong ngôn ngữ Latin hiện đại. Chữ “V” trong bảng chữ cái La Mã cổ được xem là một với ký tự “U” và có cùng cách phát âm như nhau, được khắc lên bảng hiệu của cửa hàng flagship đầu tiên của BVLGARI trên phố Via dei Condotti. Tháng 3/2011, thương hiệu BVLGARI chính thức gia nhập đại gia đình LVMH sau khi tập đoàn này chi 4 tỷ euro để mua cổ phần chi phối công ty gia đình sở hữu nó là Bulgari S.p.A.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)