Thập niên thách thức của Samsung: Đỉnh cao danh vọng, những biến cố và bê bối động trời ở Chaebol lớn nhất xứ Kim chi


Nói đến mảng điện thoại di động, có lẽ không ai là không biết đến Samsung, hãng smartphone có doanh số lớn nhất thế giới tính đến quý III/2020. Với khoảng 79,8 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra trong khoảng tháng 7-9/2020, Samsung đã giữ vững được ngôi vương trong làng smartphone của mình bất chấp dịch Covid-19.

Tuy nhiên ít ai biết rằng Samsung còn là ông trùm trong nhiều mảng kinh doanh khác và đã trải qua vô số biến động suốt 10 năm qua để có được thành công như hôm nay.

NIỀM TỰ HÀO CỦA HÀN QUỐC

Tập đoàn Samsung là một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ của Hàn Quốc có tổng hành dinh được đặt tại khu phức hợp Samsung Town, quận Seocho-gu, thành phố Seoul. Doanh nghiệp này hiện sở hữu rất nhiều công ty con, chuỗi hệ thống bán hàng cùng các văn phòng đại diện trên phạm vi toàn cầu và hầu hết đều đang hoạt động dưới tên thương hiệu Samsung.

Người sáng lập Samsung tiết lộ ý nghĩa cái tên Samsung là đọc theo âm Hàn của Hán tự Tam Tinh – Ba ngôi sao, thể hiện mong muốn thống nhất trường tồn của một công ty to lớn, đông đảo và mạnh mẽ. Ba ngôi sao xuất hiện trên logo công ty và các sản phẩm Samsung dần trở nên quen thuộc với mọi người.

Tương tự như nhiều doanh nghiệp lớn khác tại Hàn Quốc, Samsung là tập đoàn tài phiệt đa ngành gia đình trị (Chaebol) có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế Hàn Quốc, đồng thời cũng là một trong những thương hiệu công nghệ đắt giá bậc nhất trên thế giới hiện nay.

Doanh thu Tập đoàn Samsung trong năm tài chính 2010 đạt 258 tỷ USD, lợi nhuận 27,6 tỷ USD. Đó là chưa tính đến doanh thu của các chi nhánh nước ngoài. Với doanh thu cao hơn GDP của nhiều quốc gia, từ năm 2006 người ta đã “xếp” Samsung Group là nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới.

Tính tới tháng 10 năm 2020, theo công bố của Interbrand, Samsung một lần nữa vượt qua nhà sản xuất xe hơi Toyota (Nhật Bản) để trở thành thương hiệu đắt giá nhất châu Á, xếp hạng 5 toàn cầu sau Google, Microsoft, Amazon và Apple (Mỹ).

Tháng 11 năm 2020, Samsung với thị phần đạt mức 33,7% tiếp tục vượt qua Apple (30,2%) để thống trị thị trường Smartphone tại Mỹ sau ba năm 2017, 2018, 2019 chỉ xếp thứ hai.

Không chỉ đơn thuần là một tập đoàn Chaebol, Samsung còn là biểu tượng của người Hàn Quốc khi có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa, đời sống xã hội tại quốc gia này. Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng Samsung là động lực chính thúc đẩy sự thành công của “Kỳ tích sông Hàn”, khi nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh giữa thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21.

Các sản phẩm của Samsung đã từng đóng góp tới 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, đồng thời doanh thu của tập đoàn cũng đã từng chiếm tới 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vào năm 2013.

Năm 2020 là một năm đầy chông gai của Samsung khi Cố chủ tịch Lee Kun Hee, người có công đưa thương hiệu này vươn rộng ra toàn cầu, đã qua đời. Trong khi đó người con trai kế nghiệp Lee Jae Young lại vướng phải vòng lao lý.

Bất chấp những khó khăn đó, Samsung vẫn duy trì được thế độc tôn của mình trên thị trường với vị thế là ông lớn trong các mảng smartphone, chip điện tử, công nghệ.

ĐỈNH CAO DANH VỌNG VÀ HÀNG LOẠT SCANDAL

Năm 2010, Samsung công bố chiến lược phát triển 10 năm tập trung vào 5 ngành nghề chính. Một trong số đó là công nghệ dược sinh học với cam kết đầu tư khoảng 2,1 nghìn tỉ Won, tương đương 2 tỉ USD.

Tháng 12/2011, công ty Điện Tử Samsung (Samsung Electronics) bán mảng ổ đĩa cứng (HDD) cho Seagate.

Trong quý đầu tiên của năm 2012, Samsung Electronics đã trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới theo số lượng đơn hàng, vượt qua Nokia, hãng đã dẫn đầu thị trường từ năm 1998. Cùng năm đó, Samsung Electronics công bố kế hoạch đầu tư 7 tỷ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy chế tạo thẻ bộ nhớ (chip) đầu tiên của mình tại Trung Quốc.

Ngày 24/08/2012, tòa án Mỹ phán quyết Samsung phải bồi thường 1,05 tỷ USD cho Apple vì xâm phạm 6 sáng chế công nghệ điện thoại thông minh. Mức phạt vẫn thấp hơn yêu cầu 2,5 tỷ USD của Apple. Phán quyết cũng chỉ rõ Apple không xâm phạm 5 sáng chế của Samsung theo như cáo buộc từ công ty Hàn Quốc.

Đáp lại, tập đoàn Samsung chỉ trích phán quyết trên đã làm tổn hại đến sự phát triển của mảng di động.

Trong khi đó phía Tòa án ở Hàn Quốc phán quyết cả hai công ty Samsung lẫn Apple đều vi phạm sở hữu trí tuệ. Sau khi phán quyết có hiệu lực, cổ phiếu Samsung giảm 7.7% trên sàn Kospi index, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 24/10/2008.

Sau đó Apple kiến nghị cấm bán 8 sản phẩm điện thoại của Samsung ở Mỹ nhưng tòa án đã bác bỏ yêu cầu vô lý này.

Tháng 03/2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) chi 2 tỷ USD để xây dựng khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên. Đến tháng 10/2013, Samsung Electro – Mechanics Vietnam cũng tuyên bố rót tiếp 1,2 tỷ USD vào nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động tại đây.

Trong năm này, Samsung dành 14 tỷ USD (nhiều hơn cả GDP của Iceland) cho các hoạt động quảng cáo thông qua TV, rạp phim, biển hiệu, thể thao và nghệ thuật. Với 5.4% lợi nhuận hàng năm chi cho quảng bá, đây là tỉ lệ lớn nhất trong số 20 công ty hàng đầu thế giới (Apple dành 0.6%, General Motors dành 3.5%). Tính đến tháng 11/2013, tổng giá trị vốn hóa của Samsung đã đạt 227 tỷ USD.

Vào tháng 5/2014, Samsung thông báo sẽ tắt dịch vụ phát trực tuyến vào ngày 1 tháng 7 năm 2014, đồng nghĩa với việc kết thúc ứng dụng Samsung Music Hub thường được cài đặt trên điện thoại Android của họ.

Tháng 9/2014, Samsung đã công bố Gear VR, một thiết bị thực tế ảo hợp tác với Oculus VR và được phát triển cho Galaxy Note 4. Đây là động thái tham chiến mảng kính thực tế ảo vốn đang được nhiều hàng nghiên cứu thời điểm đó.

Cuối năm 2014, SamSung Display chính thức đi vào hoạt động tại tổ hợp công nghệ KCN Yên Phong – Bắc Ninh. Công ty điện tử Samsung đang đưa dần các nhà máy sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Việt Nam để bảo toàn lợi nhuận.

Nhà máy Samsung Electronics được hưởng ưu đãi cao nhất với tư cách là một doanh nghiệp công nghệ cao khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên đó không phải là lý do duy nhất thu hút Samsung mà còn là vị trí địa lý khi Việt Nam nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới.

Mặc dù Indonesia và Ấn Độ có mức thuế ngang bằng, thậm chí còn tốt hơn mức của Việt Nam, nhưng do Việt Nam gần hơn cả với khu công nghiệp đã sẵn có của Samsung ở Trung Quốc và Hàn Quốc hơn nên tập đoàn đã quyết định chọn thị trường này làm nơi mở nhà máy.

Samsung lên kế hoạch triển khai một loạt dịch vụ mới bắt đầu từ đầu năm 2015. Mục tiêu của hệ thống dịch vụ kinh doanh mới mang tên Samsung 360 Services này là trở thành công cụ trợ giúp cho các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT). Các dịch vụ có thể tùy chỉnh từ hỗ trợ kỹ thuật cho đến các giải pháp bảo mật với tư cách là người quản lý hỗ trợ hoặc tư vấn công nghệ tại chỗ.

Cùng năm, Samsung quyết định cắt giảm nhân sự nhằm giảm thiểu chi phí điều hành và vực lại mảng kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy cũng trong năm 2015, Samsung đã được cấp nhiều bằng sáng chế ở Mỹ hơn bất kỳ công ty nào khác, bất kể là IBM, Google, Sony, Microsoft hay Apple. Công ty đã nhận được 7679 bằng sáng chế tính cho đến ngày 11/12/2015.

Vào tháng 1/2016, Samsung tuyên bố sẽ hợp tác với Microsoft để phát triển các thiết bị “Internet of Thing” (IoT) trên Windows 10. Ngoài ra Samsung cũng phát hành một chiếc đồng hồ thông minh tập thể dục được gọi là Gear Fit 2 và một thương hiệu tai nghe không dây có tên Gear Icon X nhằm cạnh tranh với các sản phẩm của đối thủ Apple.

Ngày 2/8/2016, Samsung ra mắt điện thoại thông minh Galaxy Note7. Tuy nhiên vào đầu tháng 9/2016 năm 2016, Samsung đã phải ngừng bán sản phẩm này cũng như thông báo thu hồi vô điều kiện. Quyết định này được đưa ra sau khi một số điện thoại Galaxy Note7 cháy nổ lúc đang sạc. Phía Samsung giải thích là khiếm khuyết của phần pin đã dẫn đến tình trạng trên.

Samsung sau đó đã nhanh chóng thay thế dòng điện thoại này bằng một phiên bản mới. Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện ra rằng phiên bản mới của Galaxy Note 7 cũng có lỗi về pin. Cuối cùng, Samsung đã thu hồi tất cả điện thoại thông minh Galaxy Note7 trên toàn thế giới vào ngày 10/10/2016 cũng như khai tử sản phẩm này.

Theo nhiều chuyên gia, việc vội vàng sản xuất nhằm vực dậy mảng kinh doanh sau năm 2015 trì trệ đã khiến Samsung mắc phải một số sai lầm dẫn đến vụ bê bối chấn động này.

Năm 2017 là thời gian đầy biến động của Hàn Quốc khi Tổng thống Park Geun Hye lúc đó vướng vào bê bối để rồi bị phế truất. Bản thân Phó chủ tịch Lee Jae Young cũng phải ngồi tù vì liên quan đến những cáo buộc hối lộ tổng thống.

Dẫu vậy, đế chế khổng lồ Samsung không dễ gục ngã khi kết thúc năm 2017, hãng đã vượt qua Intel để trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với thị phần 14,3%.

Bước sang năm 2018, Samsung có sự hồi phục khá tốt khi các dòng điện thoại của hãng được chào đón trở lại. Chất lượng của Samsung cũng được đảm bảo hơn. Đồng thời, việc đi trước trong công nghệ chụp ảnh với 3 camera trên smartphone so với đối thủ Apple giúp Samsung có những lợi thế nhất định.

Với 1,4 tỷ smartphone được bán ra trên toàn cầu, Samsung đã giữ vị trí số 1 thế giới 10 năm liên tiếp về doanh số bán điện thoại thông minh.

Ngày 09/7/2018, Samsung cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, công suất 120 triệu sản phẩm/năm tại Ấn Độ.

Năm 2019, mảng smartphone tiếp tục giúp Samsung thu lời lớn khi tập đoàn này không còn nhân nhượng với các đối thủ nữa. Trước đây Samsung thường chấp nhận “nhường” đối thủ để kinh doanh linh kiện thì nay hãng tung ra hàng loạt dòng sản phẩm smartphone từ tầm thấp đến cao, bao trọn bất kỳ nhu cầu nào của mọi thị phần.

Điểm đáng lưu ý nhất là Samsung bước vào cuộc đua cấu hình-giá khi tung ra sản phẩm vượt trội về chỉ số công nghệ cũng như bao trọn mọi mức giá, qua đó không chỉ khiến Apple mà các hãng điện thoại Trung Quốc cũng phải đau đầu.

Dựa theo thống kê của Informa trong nửa đầu năm 2019, Samsung Galaxy A10, A30 và A50 đều lọt bảng xếp hạng smartphone bán chạy nhất thế giới. Galaxy M20 lập kỷ lục tại Ấn Độ và Việt Nam. Galaxy A80, một sản phẩm “kì lạ” tưởng kén người mua, thậm chí lại còn lên kệ chậm vài tháng (kể từ ngày ra mắt) vẫn dễ dàng lọt top smartphone bán chạy.

Năm 2020 ghi lại rất nhiều dấu ấn cho Samsung. Cố chủ tịch Lee Kun Hee qua đời ở tuổi 78 trong khi Phó chủ tịch Lee Jae Young vẫn chưa thoát khỏi các cáo buộc thao túng chứng khoán từ 5 năm trước. Dẫu vậy, nhờ các đối thủ như Huawei gặp nạn vì chiến tranh thương mại mà tình hình kinh doanh của Samsung vẫn khá tốt.

Hồi tháng 10/2020 tập đoàn này đã công bố lợi nhuận hoạt động đạt 12,3 nghìn tỷ won (10,6 tỷ USD) trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9, vượt dự báo 10 nghìn tỷ won của các chuyên gia phân tích trước đó. Doanh thu trong quý đạt 66 nghìn tỷ won.

Cố chủ tịch Lee Kun Hee

Khi kế hoạch ra mắt iPhone 5G của Apple bị hoãn sang tháng 10, còn Huawei thì vật lộn với quá nhiều khó khăn, Samsung đang có một quý dễ dàng hơn bao giờ hết trong việc cạnh tranh ở lĩnh vực di động. Thậm chí, công ty đã cải thiện đáng kể lợi nhuận nhờ việc giảm chi phí marketing trong đại dịch.

Dù đón nhận những kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của giới phân tích rất nhiều nhưng tương lai Samsung vẫn còn nhiều bất định. Được biết tội danh thao túng chứng khoán và vi phạm các quy tắc kế toán mà “thái tử” Samsung đang bị truy tố nếu là đúng, ông có thể đối diện với mức án cao nhất lên tới 10 năm tù giam.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *