Covid-19 – Cơn “ác mộng” không của riêng doanh nghiệp nào
Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây nên cuộc khủng hoảng trên mọi lĩnh vực của đời sống. Không nằm ngoài tác động này, ngành công nghiệp bán lẻ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là với các siêu thị hay các TTTM. Thống kê sơ bộ của CBRE tại TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn tháng 4-5/2020 và đầu tháng 8/2020, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40-50%; ngày thường giảm từ 20 – 30%, cuối tuần giảm tới hơn 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, TTTM sụt giảm 40%. Lượng khách hàng sụt giảm khiến doanh thu của doanh nghiệp lao dốc.
Khi “nguy cơ” trở thành “thời cơ”
Trong khi các đơn vị bán lẻ, trung tâm thương mại quy mô nhỏ lao đao, thì với một số TTTM quy mô lớn, nguồn vốn ổn định, quy trình quản lý chuyên nghiệp thì đây dường như lại là một “bước lùi” tạo đà. Tại Việt Nam, trong khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa rồi, khi mở cửa trở lại sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, và tiếp đó là giai đoạn từ tháng 9/2020 đến nay sau đợt bùng phát thứ 2, các trung tâm thương mại trên toàn quốc đều đã ghi nhận lượng không nhỏ người dân tới mua sắm, giải trí. Đơn cử, theo chia sẻ từ đại diện AEONMALL Việt Nam, sự gia tăng nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí và giải tỏa tâm lý sau thời gian cách ly xã hội của người dân, đến tháng 10/2020, đà phục hồi của lượng khách đến các TTTM của hệ thống này đã đạt trên 80%, cá biệt có Mall đạt tới 90% so với cùng kỳ.
Nhu cầu mua sắm tại TTTM dần phục hồi sau thời gian cách ly xã hội (Ảnh ghi nhận tại AEON MALL Hà Đông)
Dễ dàng nhận thấy, các TTTM đã ngay lập tức chuyển hướng sang ưu tiên cao độ cho sự an toàn của khách hàng, thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm tra y tế, sát khuẩn, đeo khẩu trang với toàn bộ khách hàng và nhân viên. Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động khử khuẩn những tiện ích vốn có như phòng chăm sóc trẻ em, hệ thống tiếp cận dành cho người khuyết tật, tay vịn cầu thang, thang máy, các trạm sạc điện thoại,… đã giúp các TTTM “ghi điểm” với khách hàng.
Việc kiểm tra y tế, rửa tay, đeo khẩu trang được thực hiện nghiêm ngặt – ghi nhận tại một TTTM của AEON MALL Việt Nam.
Quy mô, nguồn lực và kinh nghiệm là những lợi thế quan trọng để tồn tại và vượt qua khủng hoảng của các TTTM lớn. Chẳng hạn, AEON MALL thuộc Tập đoàn AEON – một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất trên thế giới với lịch sử hơn 250 năm. Bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh, quản lý, ứng phó với khủng hoảng đã giúp AEON MALL vẫn đứng vững trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Hướng đi nào cho các TTTM khi Covid chưa có dấu hiệu kết thúc?
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang được dự đoán sẽ kéo dài trong ít nhất 1 năm tới, hầu hết các TTTM đều có chính sách hỗ trợ khách thuê với việc giảm giá mặt bằng thuê từ 30% – 80%.
Mặc dù xu hướng thay đổi thói quen sang mua sắm trực tuyến, nhưng không thể phủ định rằng, mua sắm trực tiếp vẫn còn là thói quen khó thay đổi của đại đa số người dân. Mua sắm trực tiếp vẫn phát huy lợi thế không thể thay thế cho khách hàng khi được trải nghiệm thực tế, được chăm sóc – tư vấn,…
Thực tế cho thấy chính sách đúng đắn giúp kiểm soát dịch hiệu quả của Chính phủ, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng, hồi phục của nền kinh tế Việt Nam nằm ở top đầu thế giới đã và đang mang đến sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, trong đó có ngành bán lẻ. Gần nhất, vào tháng 12 tới đây, TTTM AEON MALL Hải Phòng Lê Chân với quy mô lớn hàng đầu khu vực phía Bắc sẽ đi vào hoạt động, hiện thực hóa thêm nỗ lực để đạt mục tiêu “trở thành một doanh nghiệp có thể làm lay động trái tim của 5 tỷ khách hàng trên toàn Châu Á” – theo chia sẻ của đại diện AEONMALL Việt Nam.
TTTM AEON MALL Hải Phòng Lê Chân chuẩn bị đi vào hoạt động từ tháng 12/2020
Bên cạnh đó, cần có những chiến lược kinh doanh, hướng đi khác biệt, bắt đầu từ việc định vị khách hàng mục tiêu, xác định vị thế, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách hàng,… Theo chia sẻ từ đại diện AEONMALL Việt Nam, trong chiến lược từ nay đến năm 2025, Tập đoàn này sẽ tiếp tục tìm quỹ đất và đầu tư TTTM tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – những nơi mà hệ thống TTTM lớn vẫn chưa phát triển, với tiêu chí: quy mô dân cư khoảng 500.000 dân, vị trí thuận lợi, chỉ mất 5 phút đi bộ và 20 phút di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô.
Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh,… sẽ là những yếu tố cần thiết để duy trì hoạt động của các trung tâm thương mại và ngành bán lẻ có tốc độ phát triển đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)