Triết lý “liều ăn nhiều” của SoftBank lại gặp trái đắng: Cổ phiếu giảm 97% sau 1 tuần, 1 tỷ USD rót vào Wirecard có nguy cơ mất trắng

Ngày nay, các công ty tài chính sử dụng công nghệ đang ngày một chiếm vị thế quan trọng trên thế giới, khi những phương thức thanh toán điện tử diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn so với sử dụng tiền mặt rất nhiều. Wirecard chính là một trong những công ty tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ khi cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này đang bị đặt dấu hỏi, sau khi kiểm toán của Ernst & Young (EY) không thể xác nhận sự tồn tại của 1,9 tỷ euro (tương đương với 2,1 tỷ USD) trên bảng cân đối của doanh nghiệp.

Wirecard, được thành lập vào năm 1999 tại Đức, là một trong những công ty ứng dụng công nghệ kỹ thuật số sớm nhất trong việc thanh toán trực tuyến. Công ty đóng vai trò trung gian để thực hiện các yêu cầu thanh toán, cũng như phát hành các loại thẻ giao dịch “ảo” và vật lý cho người sử dụng dịch vụ của hãng.

Công ty sở hữu nhiều công ty con trên toàn thế giới, trong đó nổi tiếng nhất là Wirecard Solutions và Wirecard Bank AG.

Wirecard Solutions cung cấp các ứng dụng thanh toán di động và phát hành thẻ ảo cho khách hàng của Wirecard; trong khi đó, Wirecard Bank AG có giấy phép hoạt động ngân hàng của Đức bên cạnh các giấy phép khác từ Visa và MasterCard.

Wirecard là một trong những công ty thanh toán trực tuyến lớn nhất thế giới (Ảnh: Industry Global News)

Ngoài 2 công ty con nêu trên, Wirecard còn hoạt động tại Hong Kong, Singapore, Mỹ, UAE… Với độ phủ sóng rất lớn của mình trên toàn thế giới, Wirecard phát triển ngày một lớn mạnh.

Tính đến hết năm 2018, hãng đạt tổng doanh thu hơn 2 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt 347 triệu USD, tăng trưởng mạnh mẽ so với 1 năm trước đó. Hãng sở hữu tổng tài sản lên tới gần 6 tỷ USD và có khoảng 5.300 nhân viên làm việc. Đây là một con số đáng tự hào sau gần 20 năm phát triển của Wirecard, và hãng tiếp tục hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong năm 2019.

Những kết quả rất đáng khích lệ của Wirecard trước năm 2019 (Nguồn data: WallStreet Đức)

Tuy nhiên, báo cáo tài chính được dự kiến công bố của Wirecard đã phải hoãn lại sau khi những kiểm toán viên của EY không thể xác nhận con số 1,9 tỷ euro tiền mặt (2,1 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% tổng tài sản của công ty) trong báo cáo tài chính của hãng này. Đây được xem là sự tiếp nối của những cáo buộc về sự gian lận của hãng này trước đây. Vào tháng 1/ 2019, tờ báo tài chính nổi tiếng Financial Times (FT) đã đưa ra lời buộc tội rằng Wirecard đã làm sai lệch số liệu trong các báo cáo tài chính cũng như tham gia vào những hoạt động rửa tiền tại khu vực châu Á Thái Bình Dương mà cụ thể là ở Singapore. Mặc dù Wirecard phủ nhận và thậm chí buộc tội ngược lại Financial Times về việc bôi nhọ thanh danh của hãng, tờ báo này tiếp tục đưa ra những tài liệu được cho là các bảng tính nội bộ của hãng này, nhằm chứng minh rằng những luận điểm của họ là chính xác.

Một phần trong tài liệu được FT công bố để xác nhận cho luận điểm của họ rằng Wirecard đã thổi phồng doanh thu. (Nguồn data: Financial Times)

Nhằm phản bác lại FT, cũng trong năm 2019, KPMG đã được Wirecard thuê nhằm thực hiện một cuộc kiểm toán độc lập để giải quyết các cáo buộc hướng vào họ. Tuy nhiên kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì công ty mong đợi, khi KPMG đã công bố báo cáo vào tháng tư vừa qua và cho biết họ không được cung cấp đủ tài liệu để giải quyết tất cả các cáo buộc của FT về sự bất thường trong báo cáo tài chính của Wirecard. Không chỉ có vậy, KPMG còn cho biết họ không thể xác minh sự tồn tại của doanh thu 1 tỷ euro trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018 của hãng này. Ngày 5/6, trụ sở của công ty bị cảnh sát lục soát như một phần của cuộc điều tra hình sự nhằm vào CEO Markus Braun và 3 thành viên thuộc hội đồng quản trị. Những người này được cho là đã đưa ra những thông tin sai lệch thông qua việc gian lận trong báo cáo tài chính tới nhà đầu tư nhằm thao túng giá cổ phiếu, gây ra những tổn hại không hề nhỏ cho thị trường.

CEO Markus Braun hiện đang bị điều tra với các buộc thao túng giá cổ phiếu của Wirecard (Ảnh: DW)

Sau khi EY công bố họ không thể xác nhận khoản tiền 1,9 tỷ euro trên báo cáo tài chính của công ty, vài ngày sau, CEO Markus Braun đã từ chức. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley ước tính rằng Wirecard có khoảng 220 triệu euro tiền mặt (tương đương 246 triệu USD) nếu không thể xác định được 2,1 tỷ USD còn thiếu. Wirecard hiện đang tiếp tục làm việc với EY để xử lý vấn đề này, nhưng họ tiếp tục hứng chịu một tin xấu khác khi ngân hàng trung ương Philippines đưa ra thông báo rằng 2,1 tỷ USD này không hề tồn tại trong hệ thống tài chính của Philippines, sau khi có những tài liệu giả mạo nói rằng tiền của công ty được gửi ở quốc gia này, mà cụ thể là hai ngân hàng BDO Unibank và Ngân hàng Quần đảo Philippines.

Như vậy, có thể thấy Financial Times đã đúng khi đưa ra những luận điểm về việc Wirecard đã gian lận trong việc công bố số liệu về báo cáo tài chính. Với những cáo buộc nêu trên, cùng với việc các chủ nợ của Wirecard tuyên bố sẽ thu hồi khoản vay trị giá 2 tỷ euro nếu công ty không công bố được báo cáo tài chính vào ngày thứ sáu vừa qua, hoàn toàn dễ hiểu khi giá cổ phiếu của hãng này giảm chỉ còn ¼ trong vòng 1 tháng (chỉ còn hơn 25 euro/ cổ phiếu so với mức trên 100 euro/ cổ phiếu trước đó).

Đáng chú ý, khoản đầu tư 1 tỷ đô la vào trái phiếu chuyển đổi của Softbank vào Wirecard từ năm ngoái có khả năng mất trắng khi công ty này đã tuyên bố phá sản ngày hôm nay, sau khi không thể thanh toán khoản nợ khoảng 4 tỷ USD cho các chủ nợ.

Khoản nợ này bao gồm 1,75 tỷ euro từ 15 ngân hàng và 500 triệu euro từ các nhà đầu tư trái phiếu. Đáng nói, giao dịch đầu tư này của Softbank được công ty con SoftBank Investment Advisors quản lý và tư vấn bởi Credit Suisse, một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới. Có thể nói, các phương pháp đánh giá đầu tư của Softbank thực sự có vấn đề, sau những thương vụ đầu tư vào Wework và Wirecard, khi mà cả hai công ty này đều có những vấn đề về gian lận tài chính.

Cổ phiếu WIrecard từ mức 104.5 EUR ngày 17/6 rơi xuống còn 3.5 EUR ngày 25/6

Dịch Covid – 19 đã đưa rất nhiều doanh nghiệp gian lận tài chính ra ánh sáng, nhưng với trường hợp của Wirecard, việc gian lận của họ bị vỡ lở không hề liên quan tới dịch bệnh này. Những gian lận có hệ thống qua nhiều năm của Wirecard đã được Financial Times đề cập nhiều lần, nay được đưa ra ánh sáng sau khi lần lượt KPMG và EY không thể xác nhận được các thông tin trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp làm ăn gian dối, dù có che giấu đến đâu, như trường hợp của Enron, rồi cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi mà những gian lận của họ bị đưa ra ánh sáng. Kết quả cuối cùng, Wirecard mất khả năng thanh khoản và tuyên bố phá sản ngay trong ngày hôm nay, như một kết cục được báo trước của họ.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *