Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển công nghệ tài chính Việt Nam trong mùa nhiễu động”, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ Bộ KHCN, đại diện Ban tổ chức Techfest chia sẻ tại sao Techfest 2020 lại được tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân và hội thảo về Fintech là một trong những hội thảo quan trọng nhất trong các hội thảo chuyên đề.
“Đại học KTQD là nơi đầu não nghiên cứu các mô hình kinh tế mới vì thế chúng tôi mong muốn người làm công nghệ đi làm thuê cho người làm kinh tế để còn kiếm được tiền, mô hình kinh tế chia sẻ. Mô hình trước đây là gì? Nhà khoa học luôn nghĩ mình là cao nhất, giá trị nhất nhưng lại nghèo nhất, nhà kinh tế không cần nhà công nghệ vì nghĩ viển vông nên đi buôn cho nhanh. Đấy là tâm lý chung cho khởi nghiệp và các SME truyền thống. Nay làm sao chúng ta liên kết được những tư duy mới, kể cả những người lãnh đạo ở cấp trường đại học, các tập đoàn kinh tế lớn, làm sao liên kết với nhau để chia sẻ nguồn lực. Fintech là công nghệ tương lai vô cùng quan trọng và hệ thống đào tạo 3-4 năm nữa sẽ thấy được giá trị vô cùng lớn “, ông Quất nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực fintech từ ngay các giảng đường đại học.
Đại diện Bộ KHCN cho rằng, “Người đi trước đặt nền móng cho hệ thống đào tạo nguồn nhân lực về fintech ngày hôm nay có thể sau này tổ quốc sẽ phải ghi công vì đây là ngành công nghiệp tiềm năng vô cùng lớn, áp dụng tất cả các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế 4.0. Blockchain, AI, nền tảng dữ liệu lớn… là tất cả vũ khí chúng ta đang có, thời đại công nghệ ai giải quyết bài toán nhanh hơn, ai tổ chức đội hình tốt hơn, ai liên kết tốt hơn để tạo ra được những sản phẩm cho chính mình tránh bị chảy máu chất xám hoặc bị bên ngoài xâm lăng về thị trường.
Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” của Bộ KHCN, bên cạnh việc xây dựng cơ chế chính sách với Bộ Tài chính, UBCK, NHNN để mở đường cho các sandbox, các mô hình kinh tế mới, một lực lượng quan trọng thứ hai – người mở đường quan trọng phải là các trường đại học, người đầu tiên phải thay đổi tư duy là các giáo viên và giảng viên, người giảng viên thay đổi tư duy thì học trò mới thay đổi tư duy, mới bám sát bài toán của thị trường. Người thứ ba rất cần trong hệ sinh thái là các chuyên gia, người mang kinh nghiệm nguồn lực và bài toán thị trường cho nhà trường.
Liên kết Chính phủ – nhà trường – doanh nghiệp là chủ đề xuyên suốt của Techfest của 2020. Thích nghi với môi trường mới, phải chấp nhận một thực tế là trạng thái bình thường mới chúng ta không thoát khỏi nó mà phải thích nghi với nó, do đó cần có giải pháp chuyển đổi tư duy và mô hình bằng công nghệ. Phải tạo ra bứt phá, lợi ích và tạp ra nhiều mô hình kinh doanh để lấy được tiền về nuôi các nhà khoa học và nhà nghiên cứu”.
Đại diện Bộ KHCN “đặt hàng” với các chuyên gia “đã mang được tinh tuý của thế giới hội tụ ở đây” chia sẻ với hội nghị nhằm đưa ra các sáng kiến cụ thể để sang năm Đề án (844) làm gì để hỗ trợ fintech, đào tạo nguồn nhân lực cũng như hình thành các hub tạo ra các dự án cực kì tốt để hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch E&Y Việt Nam, Phó chủ tịch CLB Fintech chia sẻ, năm 2017 thị trường fintech có quy mô 4,4 tỷ USD năm 2020 lên 7,8 tỷ USD và các công ty fintech chia làm 5 lĩnh vực: thanh toán (Việt Nam có 35 công ty), các công ty P2P lending (chiếm 47% thị phần các công ty fintech – nổi tiếng nhất là Tima), các công ty crypto currency/blockchain, các công ty credit scoring (đánh giá tín dụng như Trusting Social), các công ty digital banking. Việt Nam có quy mô phát triển fintech thứ hai về Châu Á chỉ sau Indonesia, điều này cho thấy thị trường Việt Nam rất trẻ và người dùng sẵn sàng thử nghiệm cái mới, đây là môi trường thích hợp để phát triển.
Hội thảo của Làng Công nghệ Tài chính năm nay với chủ đề “Phát triển công nghệ tài chính Việt Nam trong mùa nhiễu động” tập trung vào việc đưa ra các thông điệp mang tính định hình cho sự phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam trong thời gian tới. Chủ đề đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với các các cú sốc liên quan đến y tế, thương mại và đầu tư, cũng như những tác động dài hạn từ sự thay đổi của công nghệ và môi trường.
Nội dung các phiên trao đổi bao gồm 8 đề tài: Chiến lược phát triển Làng công nghệ tài chính; Quy định và thách thức trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam; Tương lai của công nghệ tài chính; Thúc đẩy sự phát triển Fintech – Trò chuyện mở với các nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp tiềm năng; Blockchain 2030; Tài chính phi tập trung; Internet vạn vật trong lĩnh vực tài chính; Green Fintech trở thành cơ hội mới khi nhân loại phải đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Trưởng Làng Công nghệ Tài chính ông Muhammad Umer – Tổng Giám đốc Smart Technologies Intelligences sẽ đại diện cho Làng để trình bày những cơ hội và thách thức mang tính chiến lược mà một quốc gia như Việt Nam cần nắm bắt cũng như xử lý để thúc đẩy vai trò của công nghệ tài chính trong sự phát triển của tài chính nói riêng và kinh tế nói chung.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ tài chính (Fintech) đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính, phá vỡ các dịch vụ và sản phẩm tài chính truyền thống. Không chỉ tạo ra sự dịch chuyển công việc từ dịch vụ tài chính truyền thống sang lĩnh vực kỹ thuật số mới, Fintech còn đóng vai trò là nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Bà Lynn Hoàng – Đồng trưởng Làng công nghệ tài chính, chuyên gia về Công nghệ chuỗi khối và Tài chính phi tập trung cho biết: “Các đề tài được Làng công nghệ tài chính lựa chọn để đưa vào phiên thảo luận năm nay khá đa dạng, sát với thực tế và đề cập trực tiếp những cơ hội, thay đổi lớn trong ngành tài chính công nghệ. Tôi mong rằng các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech, các cá nhân làm việc trong lĩnh vực Fintech, các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, hoặc bất kỳ ai quan tâm đến sự phát triển của Fintech có thể tham dự chương trình này.”
Đây là dịp để người tham dự có thể lắng nghe những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tài chính trực tiếp chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, khó khăn, thách thức cũng như cơ hội rộng lớn đang mở ra với các startups trong ngành, đồng thời cũng là dịp để mọi người có thể kết nối, chia sẻ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Techfest Vietnam – đặc biệt trong bối cảnh Fintech đang là lĩnh vực phát triển rất nhanh ở cả Việt Nam và trên thế giới.”
Tham gia điều phối các phiên thảo luận về công nghệ tài chính là ba đồng trưởng Làng công nghệ tài chính: bà Lynn Hoàng – Giám đốc Quốc gia của Binance tại Việt Nam, ông Lương Thái Bảo – Trưởng ban điều hành Chương trình Cử nhân công nghệ tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân, và bà Betty Qiffe Pallard (CEO & Founder, The Q Chemistry). Ngoài ra, diễn giả và khách mời còn có các CEO, chuyên gia uy tín trong ngành tài chính công nghệ trong và ngoài nước là bà Nguyễn Thuỳ Dương – Chủ tịch E&Y VN, ông Nguyễn Đức Hải – CEO FinHome, ông Bùi Hải An – COO Timo Bank, ông Lê Tánh – CEO Vnpay, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – CEO của VNDirect, ông Huy Nghiêm – CEO của Finhay, ông Vương Long – CEO Tomochain, ông Hiệp Vũ – Giám đốc Marketing của Kyber Network, ông Robert Vong – Giám đốc điều hành FathLabs, ông William Nguyen – CEO của Beowulf Blockchain, ông Lương Tuấn Ngọc – CEO của VSSY, ông Celine Charpit (Founder, Linagora và Open Hackademy), ông Vũ Trung Kiên – chuyên gia tổ chức Tăng trưởng xanh và Biến đổi khí hậu… và nhiều CEO, chuyên gia khác.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)