Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort ™) nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nằm trong quy hoạch phân khu C4). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, quy mô 83ha, công suất thiết kế hàng hóa thông qua khoảng 530.000 TEU, gồm chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center – DC) và Cảng cạn (Inland Clearance Depot – ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.
Sự kiện khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN) nằm trong khuôn khổ Chương trình hoạt động tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức từ ngày 12-15/11/2020. Đây là một trong các hoạt động nổi bật trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN là một nền tảng hợp tác với mục tiêu chung là tăng trưởng thông minh và bền vững dựa trên cơ sở hạ tầng logistics thông minh, hướng đến mục tiêu hỗ trợ kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025.
Tại sự kiện, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T Group cho biết, Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với sự khởi đầu của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ taọ đà cho sự đột phá của ngành logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam xuống 14% và đến năm 2025, xấp xỉ Singapore ở mức 8-10%.
Theo Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%, quy mô 20 – 22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước.
Đáng chú ý, mặc dù Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không, nhưng dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển rất chậm, khiến chi phí sản xuất trong nước rất cao, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Năm 2019, tỷ lệ đóng góp của ngành logistics trong GDP chỉ chiếm 4-5%, hoạt động còn đơn lẻ, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, chưa có nhiều doanh nghiêp ứng dụng các giải pháp có tích tích hợp cao.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP tại Việt Nam đang ở vào khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu, thậm chí cao gần gấp ba lần so với các nước như Mỹ hay Singapore. Bên cạnh đó, chi phí về logistics ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp. Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Theo Nhịp sống kinh tế
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)