Giai đoạn gần đây, đã có nhiều thông tin về việc Facebook sẽ phải bán Instagram và Whatsapp, 2 con gà đẻ trứng vàng của họ vì những cáo buộc liên quan đến độc quyền tới từ Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (FTC). Trong lịch sử của nền kinh tế Mỹ, đây không phải là lần đầu tiên những doanh nghiệp có dấu hiệu độc quyền phải đón nhận những vụ kiện để tách biệt với công ty con, nhưng nổi tiếng nhất là sự chia tách của công ty Standard Oil. Dưới sự lãnh đạo của ông trùm dầu lửa Rockefeller, công ty đã lũng đoạn hoàn toàn thị trường Mỹ bằng những chiến thuật khiến các doanh nghiệp khác không thể cạnh tranh. Điều này đã khiến cho họ buộc phải chia nhỏ công ty, tạo nên nhiều đế chế khổng lồ khác trong ngành dầu mỏ ngày nay.
Ý tưởng về một công ty dầu mỏ đã được John D. Rockefeller nhen nhóm từ năm 1863 khi ông hợp tác với những thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác. Tới năm 1870, ông chính thức thành lập công ty Standard Oil hoạt động tại thành phố Cleveland, bang Ohio là trung tâm lọc dầu lớn nhất tại thời điểm này, với mong muốn tạo ra một tiêu chuẩn về chất lượng và dịch vụ cho ngành dầu mỏ. Tuy nhiên cách thức hoạt động của công ty lại cho thấy họ muốn áp đặt tiêu chuẩn của mình lên ngành kinh doanh này, thay vì nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra một sân chơi lành mạnh.
Kể từ khi chưa chính thức mang cái tên Standard Oil, công ty đã thực hiện hàng loạt chiến lược được cho là “thiếu lành mạnh” để loại bỏ các đối thủ. Để tạo lợi thế cho Standard Oil so với các đối thủ cạnh tranh, Rockefeller đã bí mật sắp xếp để giảm giá vận chuyển dầu từ các tuyến đường sắt – phương thức vận chuyển hàng hóa phổ biến nhất thời bấy giờ. Các tuyến đường sắt vận chuyển dầu thô đến các nhà máy lọc dầu của Standard Oil ở Cleveland và dầu hỏa đến các thị trường lớn với mức chiết khấu vận tải rất cao dành cho công ty này. Để được hưởng mức giá ưu đãi, các công ty phải đạt được lượng dầu thô vận chuyển ở một mức rất lớn (tương đương với 60 xe tải dầu mỗi ngày) mà rất ít doanh nghiệp hay cá nhân nào có thể đạt được, trừ Standard Oil. Các doanh nghiệp nhỏ và nông dân thường bị buộc phải trả mức giá cao hơn so với các chủ hàng lớn như Standard Oil; do đó, họ gần như không thể cạnh tranh về giá với ông lớn này.
Ngành công nghiệp dầu mỏ vào cuối những năm 1800 thường trải qua những đợt bùng nổ và phá sản đột ngột, dẫn đến giá cả biến động dữ dội và cuộc chiến giá giữa các nhà máy lọc dầu. Do đó, Rockefeller muốn kiểm soát thị trường dầu mỏ để giữ cho mình một mức lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Vì vậy, những thỏa thuận với các công ty đường sắt giúp cho Standard Oil của ông tỏ ra vượt trội so với các đối thủ và không cho họ một cơ hội bắt kịp.
Những năm sau đó, công ty liên tục được mở rộng nhờ việc gia tăng doanh số bán hàng và mua lại các công ty nhỏ hơn. Năm 1871, Rockefeller đã góp công lớn trong việc thành lập một liên minh bí mật gồm các công ty đường sắt và nhà máy lọc dầu. Họ đã lên kế hoạch kiểm soát giá cước vận tải và giá dầu bằng cách bắt tay với nhau bằng những thỏa thuận ngầm. Dù vậy, liên minh này không duy trì được lâu dài khi mà các công ty đường sắt rút lui. Nhưng trước khi điều này xảy ra, Rockefeller đã sử dụng thỏa thuận này nhằm đe dọa hơn 20 nhà máy lọc dầu ở Cleveland buộc phải bán mình cho Standard Oil với mức giá rất thấp. Sự kiện này được gọi là “Cuộc thảm sát Cleveland” và khi nó chính thức kết thúc vào tháng 3 năm 1872, Standard Oil đã kiểm soát tới 25% ngành công nghiệp dầu mỏ của Hoa Kỳ.
Sau cuộc thảm sát Cleveland, Standard Oil nắm giữ hầu hết các mỏ dầu ở thành phố n ày và bang Ohio (Ảnh: MrJensen US History Website)
Không dừng lại ở đó, Standard Oil tiếp tục thể hiện mong muốn thống trị tuyệt đối trong ngành dầu mỏ bằng cách mua lại các mạng lưới đường ống dẫn dầu. Bằng phương pháp này, công ty có thể cắt hoàn toàn dòng dầu thô dẫn đến các nhà máy mà Rockefeller muốn mua lại. Với việc đạt được thỏa thuận cùng nhiều công ty khác nhau, Standard Oil đã sở hữu hầu hết các đường ống dẫn dầu ở Mỹ; do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào trong ngành nằm trong tầm ngắm của Rockefeller sau đó đều nhanh chóng đầu hàng và gia nhập vào gã khổng lồ này.
Tới năm 1880, tức chỉ 10 năm sau khi thành lập, Standard Oil đã nắm giữ tới 88% thị phần sản xuất dầu tinh luyện tại Hoa Kỳ và là công ty độc quyền công nghiệp lớn đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên điều này vi phạm luật của bang Ohio về việc cấm kinh doanh bên ngoài tiểu bang; do đó để đối phó, Rockefeller và các đồng sự đã chuyển Standard Oil từ Cleveland sang New York và thành lập một loại hình kinh doanh mới với tên gọi quỹ tín thác Standard Oil (Standard Oil Trust).
Theo thỏa thuận trong việc thành lập doanh nghiệp mới này, 9 người đàn ông, bao gồm Rockefeller, nắm giữ cổ phiếu “ủy thác” tại Standard Oil Ohio và 40 công ty khác mà nó sở hữu toàn bộ hoặc một phần. Những người được ủy thác chỉ đạo việc quản lý toàn bộ doanh nghiệp và chia cổ tức (lợi nhuận) cho tất cả những người nắm giữ cổ phiếu. Quỹ tín thác này sản xuất hầu hết dầu sử dụng tại Hoa Kỳ với 4000 dặm đường ống và 100,000 lao động. Không một công ty sản xuất dầu nào tại thời điểm này cạnh tranh được với Standard Oil; dù vậy, chất lượng dầu và giá bán của công ty được đánh giá là tương đối tốt vào thời điểm bấy giờ.
Đến năm 1900, Standard Oil Trust đã mở rộng từ cơ sở ban đầu ở phía Đông sang các vùng dầu mới xa hơn về phía Tây nước Mỹ. Cũng chính vào thời điểm này, một làn sóng chống độc quyền đã tràn vào nước Mỹ. Gần 30 bang và chính phủ liên bang đã thông qua luật chống độc quyền nhằm tấn công các hành vi lạm dụng độc quyền. Trong đó, những vụ kiện độc quyền nhắm vào Standard Oil đã nhen nhóm từ những năm trước đó, khi 10 tiểu bang và Lãnh thổ Oklahoma đã đệ trình 33 vụ kiện riêng biệt chống lại các công ty liên kết với quỹ ủy thác Standard Oil. Mặc dù thua trong hầu hết các vụ kiện này, nhưng công ty đã tìm ra cách lách luật khi chuyển hoạt động kinh doanh sang những bang khác và tiếp tục duy trì sự độc quyền của mình.
Những hành vi này chỉ được đưa ra ánh sáng khi nhà báo dũng cảm Ida Tarbell viết một loạt 19 bài báo được nghiên cứu kỹ lưỡng trên Tạp chí McClure. Bà đã miêu tả một cách vô cùng chi tiết cách John D. Rockefeller buộc các đối thủ cạnh tranh của mình “bán mình hoặc phá sản” một cách tàn nhẫn. Bà cũng xác định việc liện kết với các công ty đường sắt thông qua thỏa thuận ngầm giữa các bên là chìa khóa để tạo ra thế độc quyền cho Standard Oil trong nhiều năm.
Nhà báo Ida Tarbell, người đã đưa vụ việc độc quyền của Standard Oil ra ánh sáng (Ảnh: Britannica)
Phiên tòa xét xử Standard Oil diễn ra vào năm 1908 tại tòa án liên bang Missouri với hơn 400 nhân chứng. Chính phủ đưa ra bằng chứng cho thấy Standard Oil Trust đã có được mức chiết khấu đường sắt một cách bất hợp pháp, ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh sử dụng đường ống dẫn dầu, theo dõi các công ty khác và hối lộ các quan chức. Hơn nữa, chính phủ cũng chứng minh được rằng từ năm 1895 tới năm 1906, giá dầu hỏa của Standard Oil đã tăng 46%, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho công ty độc quyền này.
Mặc dù cả Rockefeller và những luật sư của ông đều cho rằng công ty đạt được vị thế như vậy là nhờ chất lượng sản phẩm cũng như việc hoạt động hiệu quả, tuy nhiên tòa án đã tuyên bố Standard Oil vi phạm đạo luật chống độc quyền (luật Sherman). Kháng cáo của Standard Oil lên Tòa án Tối Cao đã bị bác bỏ khi họ cũng đưa ra cùng quan điểm về việc độc quyền bất hợp pháp của công ty này với tòa án bang Missouri.
Các thẩm phán của Tòa án Tối cao kết luận rằng để khôi phục sự cạnh tranh trong ngành dầu mỏ, Standard Oil sẽ phải được chia thành 34 công ty độc lập. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ cũng cho phép các cổ đông của Standard Oil được nhận cổ phần nhỏ lẻ trong tất cả 34 công ty được thành lập. Trên lý thuyết, các công ty này sau đó được cho là phải cạnh tranh với nhau, tuy nhiên họ có rất ít hoặc không có động lực để làm như vậy. Các doanh nghiệp này tiếp tục bắt tay với nhau để tạo ra giá dầu có lợi cho họ trong nhiều năm tiếp theo.
Sau này, khi những mỏ dầu mới cả trong và ngoài nước Mỹ được phát hiện, các công ty dầu khí độc lập cuối cùng cũng mang lại sự cạnh tranh thực sự cho ngành. Nhưng các công ty được tách ra từ Standard Oil trước đây, với những cái tên hiện đại như Exxon, Mobil, Amoco, Chevron, ARCO, Conoco và Sohio, tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu.
Các công ty được tách ra từ Standard Oil tới ngày nay (Ảnh: Dividend.com)
Như vậy, có thể thấy mặc dù không còn tồn tại trên danh nghĩa, nhưng Standard Oil vẫn tạo được ảnh hưởng khổng lồ lên giá dầu thế giới. Những công ty tách ra từ họ đều là những công ty lớn nhất trong ngành sản xuất dầu thô trên thế giới. Những bước đi dù nhỏ nhất của các doanh nghiệp này đều có ảnh hưởng rất lớn đến giá dầu. Nhìn sang Facebook, liệu rằng với quy mô quá lớn của mình sau khi sở hữu Instagram và WhatsApp cùng nhiều cáo buộc độc quyền, họ có bị chia tách như Standard Oil năm nào?
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)