Được thành lập vào năm 2006, Reliance Retail Ventures Limited là công ty được sở hữu bởi Reliance Industries với tỷ lệ nắm giữ lên tới 92.9% vào năm 2019. Xét về doanh thu, đây là công ty bán lẻ hàng đầu Ấn Độ, với mức doanh thu năm 2019 đạt 1.62 nghìn tỷ rupee (tương đương với 23 tỷ USD).
Các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, hàng tạp hóa, quần áo và giày dép, các sản phẩm cải thiện lối sống và nhà cửa, hàng điện tử, nông cụ và dụng cụ, cùng với đó là các loại nông sản, bao gồm rau, trái cây và hoa.
Tới tháng 4 năm 2020, Reliance Retail sở hữu 45 công ty con và các bộ phận bán lẻ, 11.784 cửa hàng với tổng diện tích hơn 28,7 triệu feet vuông trên hơn 7.000 thị trấn và thành phố ở Ấn Độ. Năm 2019, Reliance Retail có bước đi mang tầm quốc tế đầu tiên với việc mua lại 100% cổ phần của nhà bán lẻ Đồ chơi Anh Hamleys.
Doanh thu của Reliance Retail tăng trưởng chóng mặt kể từ năm 2017 (Ảnh: Statista)
Có thể thấy việc, doanh thu của Reliance Retail đã tăng phi mã kể từ năm 2017, khi họ bắt đầu áp dụng chiến lược cửa hàng mới, ‘Điểm thông minh’ (SmartPoint). Việc phục vụ nhu cầu hàng ngày của khách hàng bao gồm thực phẩm tươi sống, tạp hóa, hiệu thuốc và thương mại điện tử được hỗ trợ một cách tối đa thông qua kênh bán hàng này, giúp công ty gia tăng lợi nhuận một cách khổng lồ và cải thiện được tỷ suất lợi nhuận một cách đáng kể.
Một trong những kênh bán hàng tốt nhất của Reliance Retail chính là Reliance Fresh, kênh phân phối thực phẩm tươi sống của hãng. Trong bối cảnh Ấn Độ sở hữu trên 1 tỷ dân, thực phẩm sạch là mối quan tâm lớn của người dân nước này, và Reliance Fresh đáp ứng được những yêu cầu này. Hợp tác trực tiếp với những người nông dân Ấn Độ và các nhà cung cấp nhỏ theo mô hình farm-to-fork (từ trang trại đến bàn ăn) giúp công ty kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng giảm bớt thời gian vận chuyển và các khâu trung gian, giúp cho chất lượng thực phẩm luôn ở mức cao. Hiện nay, Reliance Retail điều hành 621 cửa hàng Reliance Fresh và Reliance Smart, bán hơn 200 tấn trái cây và hơn 300 tấn rau mỗi ngày, 14 triệu lít sữa mỗi năm cùng với các loại ngũ cốc, gia vị, thực phẩm chế biến và đồ uống, đem lại 34,600 triệu rupee doanh thu trong năm 2019.
Một cửa hàng thực phẩm Reliance Fresh (Ảnh: Magicpin)
Bên cạnh thực phẩm, Reliance Retail còn vận hành chuỗi cửa hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất ở Ấn Độ thông qua mạng lưới hơn 8.000 cửa hàng của Reliance Digital và jio. Hãng cung cấp hơn 200 thương hiệu trong nước và quốc tế với đầy đủ các loại thiết bị điện tử; công ty còn là nhà phân phối chính của điện thoại LYF – thương hiệu đã đem lại thành công rực rỡ cho Reliance Industry. Bên cạnh đó, hãng còn phân phối các loại thiết bị viễn thông, góp phần không nhỏ vào việc thống lĩnh thị trường 4G của Jio trong những năm gần đây.
Doanh thu các mảng kinh doanh chính của Reliance Retail trong năm 2019 (Ảnh: Sharma/Mint)
Có thể thấy, hai công ty con của Reliance Industries có một sự hợp tác vô cùng chặt chẽ trong việc kinh doanh. Việc hợp tác này ngày càng chặt chẽ hơn khi JioMart, cửa hàng trực tuyến được thành lập và góp vốn bởi hai công ty này chính thức ra mắt.
Với việc Reliance Retail có định hướng mở rộng hơn nữa sang mảng kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến, sau khi chứng kiến lợi nhuận trước lãi vay và thuế 2 quý đầu năm sụt giảm tới 17.2% so với cùng kỳ năm ngoái vì ảnh hưởng của dịch Covid – 19, JioMart là một lựa chọn hợp lý của Reliance Retail. Cửa hàng này hiện đang có mặt trên 200 thành phố và thị trấn ở Ấn Độ, với số lượng khách hàng ngày một đông đảo.
Thông qua kênh phân phối này, hãng có thể bán tất cả các mặt hàng của mình cho những vị khách hiện đang sử dụng các dịch vụ của Jio Platforms, giúp mở rộng kênh bán hàng và số lượng khách hàng cho Reliance Retail. Bằng việc sử dụng JioMart và WhatsApp, Reliance Retail trực tiếp đưa ra tuyên bố cạnh tranh với hai gã khổng lồ là Amazon và Flipkart, bắt đầu từ thị trường Ấn Độ.
JioMart là con bài chiến lược của cả Reliance Retail lẫn Jio PlatForm (Ảnh: SME Futures)
Với sự phát triển mạnh mẽ của mình, Reliance Retail đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các công ty lớn trên thế giới. Mới đây, quỹ đầu tư tư nhân Silver Lake có trụ sở tại California, hiện đang là một cổ đông của Jio Platforms, đã mua 1,75% cổ phần trong Reliance Retail với giá 7,500 triệu rupee (tương đương 1.1 tỷ USD), định giá công ty ở mức 4,28 nghìn tỷ rupee, tương đương 60 tỷ đô la Mỹ.
Các cuộc đàm phán mới đây của công ty mẹ với 3 quỹ đầu tư KKR, Mubadala và Abu Dhabi Investment Authority đều đang cho kết quả khả quan và dự kiến công ty sẽ nhận được khoản đầu tư với tổng trị giá lên tới 5 tỷ USD từ các quỹ nêu trên.
Như vậy, sau khi bán cổ phần của Jio Platforms, Mukesh Ambani tiếp tục bán một phần của Reliance Retail cho các nhà đầu tư. Có thể thấy, với mục tiêu trở thành người giàu nhất thế giới, vị chủ tịch này đang có những bước đi hết sức táo bạo nhằm đưa những công ty hàng đầu của mình không chỉ dẫn đầu tại Ấn Độ mà còn có thể vươn ra tới tầm quốc tế. Cùng với Jio Platforms, Reliance Retail với những khoản đầu tư khổng lồ sẽ giúp ông thực hiện được tham vọng của mình trong một tương lai không xa.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)