“Trong hành trình của mình, tại mỗi mốc chẵn 10 năm, Masan đều tái xác lập Tầm nhìn chiến lược để tái hoạch định lộ trình tương lai thông qua các “Tái cấu trúc chiến lược”. Hành trình 2020 – 2030 của Masan đã bắt đầu với việc sáp nhập VinCommerce để thành lập The CrownX – (Tập đoàn Tiêu dùng – Bán lẻ của Việt Nam). Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách”, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group viết trong báo cáo thường niên 2020.
Ông Quang cho rằng tương lai của ngành hàng tiêu dùng nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại (MT). Sự tham gia của của kênh MT đã thu hẹp đáng kể khoảng cách về lợi nhuận gộp giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ, Việt Nam đang bước vào giai đoạn này. Trong thập kỷ tới, lợi nhuận gộp cũng như khả năng chi phối người tiêu dùng sẽ dịch chuyển mạnh mẽ từ các nhà sản xuất sang các nhà bán lẻ.
“Khi công bố thương vụ mua lại VinCommerce, chúng ta đã tin rằng mọi nhân viên, các nhà đầu tư và thị trường sẽ liệt nhiệt tán thưởng quyết định này. Nhưng những gì diễn ra đã ngoài tầm dự đoán…”, ông Quang viết.
Trên thực tế, bước đi chiến lược của Masan đã nhận nhiều phản ứng trái chiều. Những người tin tưởng nhất vào Masan đã trở nên lung lay và giá cổ phiếu đã giảm phân nửa chỉ trong một tháng.
Chủ tịch Masan bày tỏ sự thông cảm cho phản ứng này, Masan đã tiếp nhận khoản lỗ 100 triệu USD từ VinCommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ.
“Masan vốn đã đa ngành, trở nên đa ngành hơn nữa, những nghi ngại về các thương vụ mua bán sáp nhập của Masan dường như không đạt được các mục tiêu chiến lược và tài chính như mong muốn”, ông Quang viết.
Kế hoạch của Masan gồm 3 bước cho “Alpha – Bet”.
VCM dự kiến đạt EBITDA dương trong quý 1/2021
“Bước số 1”: Đôi khi, lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt
Ông Quang nói rằng Masan chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội. “Khi nền móng không vững chắc, ngôi nhà nhất định sẽ bị lung lay”.
Masan đặt ra mục tiêu đơn giản là đưa VinCommerce đạt EBITDA hòa vốn trong một năm. Để làm được điều này, Masan quyết liệt đóng cửa 700 cửa hàng VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.
Ông Quang nói rằng lý thuyết này tuy rất đơn giản, nhưng triển khai thực tế với kết quả vượt trội là điều không hề dễ dàng. VCM đã đạt EBITDA hòa vốn trong quý 4/2020 và dự kiến EBITDA dương vào quý 1/2021.
Theo Chủ tịch Masan Group: Nền tảng đã được tạo lập.
“Bước số 2”: Kênh bán lẻ hiện đại trên quy mô toàn quốc để phục vụ 30 – 50 triệu người tiêu dùng
Việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ hiện đại đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan từ 1% ngân sách tiêu dùng lên mức gần 25%. Trong 5 năm tới, Masan muốn xây dựng mô hình hiệu quả để phục vụ 30 – 50 triệu người tiêu dùng.
Kế hoạch này bao gồm:
– Phát triển mạng lưới 10.000 cửa hàng do Masan tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình.
– Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng, tối ưu hóa hệ thống phân phối bằng cách ứng dụng công nghệ và khả năng tiếp cận trên quy mô toàn quốc của Masan.
– Phát triển danh mục nhãn hàng riêng trên cơ sở hợp tác với các nhà cung cấp chiến lược để phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn với sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý.
– Xây dựng mô hình bán lẻ kết hợp xuyên suốt từ online đến offline để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.
Với hệ thống MT, Masan Group nâng khả năng tiếp cận của mình lên 25% ngân sách tiêu dùng
Ông Quang nói rằng lợi ích của kế hoạch này là người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được 5 – 10% cho các hàng hóa thiết yếu; lợi nhuận của các nhà sản xuất và nông dân tăng 5 – 10%; và đối tác nhượng quyền bán lẻ cũng tăng lợi nhuận từ 5 – 10% so với hoạt động bán lẻ hiện tại của họ.
Khi chuyển đổi sang nền tảng bán lẻ hiện đại, Masan sẽ xây dựng một doanh nghiệp quy mô doanh thu 7 – 10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào năm 2025 cho lĩnh vực bán lẻ.
“Điều này thật thú vị, nhưng chỉ mới là bước khởi đầu của The CrownX – “viên ngọc quý trên vương miện” của chúng ta”, ông Quang viết.
“Bước số 3”: Chuyển hóa The CrownX thành nền tảng “Point of Life”
Cửa hàng hiện đại là nơi kết nối toàn bộ các nhu cầu của người tiêu dùng lại với nhau để tạo ra một nền tảng bao trùm xuyên suốt từ online đến offline, kết hợp các sản phẩm và dịch vụ khách hàng tốt nhất.
Đó là điểm đến “tất cả trong một” (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. Khi kết nối các dịch vụ vào một nền tảng duy nhất, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ “hệ sinh thái” hàng ngày mang lại giá trị cho họ.
Chiến lược “hệ sinh thái” nghe có vẻ quen thuộc nhưng ông Quang tin rằng Masan đã có những mảnh ghép chiến lược để hiện thực hóa mô hình này ở Việt Nam.
Minh chứng đầu tiên về nền tảng “Point of Life” sẽ diễn ra trong năm nay. Ông Quang cho biết Masan sẽ triển khai ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số.
Masan hiện xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày và theo kế hoạch con số này sẽ tăng gấp 5 – 10 lần vào năm 2025. Chủ tịch Masan cho biết khối lượng giao dịch đồ sộ sẽ cung cấp cho tập đoàn nguồn dữ liệu quý giá để thấu hiểu người tiêu dùng.
Kết hợp bán lẻ và dịch vụ tài chính với 50% ngân sách tiêu dùng cung cấp cho Masan nền tảng ổn định và có thể gia tăng quy mô thu hút khách hàng trung thành mà không “đốt tiền”.
Ông Quang nói rằng Masan không tin tưởng vào mô hình thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá. Thay vào đó, Masan tin vào mô hình kinh doanh đột phá có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo và nhãn hiệu mạnh để mang đến cho người tiêu dùng nhiều giá trị hơn.
“Câu hỏi đặt ra ai sẽ là đối tác cung cấp các dịch vụ tài chính cho chúng ta. Cá nhân tôi cho rằng câu trả lời đã rất rõ ràng: đó chính là Techcombank”, Chủ tịch Masan nêu.
Techcombank – Đối tác cung cấp dịch vụ tài chính cho “hệ sinh thái” Masan Group
Nhưng ông Nguyễn Đăng Quang cũng thừa nhận rằng tất cả những kế hoạch trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu không tạo ra giá trị cho cổ đông.
Việc kết hợp các doanh nghiệp vào một nền tảng Point of Life, giảm ưu tiên cho các mảng kinh doanh không trực tiếp phục vụ người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi cách nhìn nhận Masan như một tập đoàn đa ngành gồm rất nhiều doanh nghiệp hợp lại với nhau, nhưng vẫn là những thực thể tồn tại riêng rẽ thành “One Masan”.
“Việc thay đổi cách nhìn về “One Masan – One Business” bản thân nó đã khởi tạo giá trị lớn cho cổ đông”.
Ông Quang nói rằng The CrownX là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (MML) và dịch vụ tài chính (TCB) kết hợp tạo nên nền tảng kinh doanh thông suốt. Đây là chương đầu tiên trong hành trình “Point of Life”.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)