Những khoản lỗ nghìn tỷ của Vietnam Airlines, BSR, FLC và PLX
Vị trí quán quân lỗ đã thuộc về Vietnam Airlines (HVN) khi ông lớn ngành hàng không công bố con số lỗ 6.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên con số này mới chỉ là một nửa bức tranh kinh doanh cả năm 2020 của Vietnam Airlines bởi doanh nghiệp này dự tính cả năm 2020 sẽ lỗ sau thuế tới 15.177 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid – 19.
Á quân thuộc về Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2020 BSR báo lỗ ròng hơn 4.255 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2019 lãi ròng hơn 704 tỷ đồng. Tình hình kém sắc trên của BSR chủ yếu do ngay những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát kết hợp với cuộc khủng hoảng giá dầu khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho của nhà máy có thời điểm trên 90%.
Vị trí thứ 3 đã thuộc về FLC Group, sau khi báo lỗ ròng thêm gần 838 tỷ đồng quý 2 cộng với số lỗ quý liền trước đã khiến lợi nhuận nửa đầu năm 2020 của FLC âm tới 1.549 tỷ, trong khi con số cùng kỳ là dương 24 tỷ đồng. Covid-19 khiến các mảng kinh doanh cốt lõi như du lịch, hàng không… bị ảnh hưởng nặng nề nên FLC dự kiến lỗ 1.957 tỷ đồng năm 2020.
Mặc dù có lãi trở lại gần 700 tỷ trong quý 2 nhưng lũy kế 6 tháng, Petrolimex (PLX) vẫn lỗ sau thuế 1.080 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ là 1.216 tỷ đồng. Năm 2020, Petrolimex đặt mục tiêu có lãi trước thuế 1.570 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2019.
Từ kinh doanh xăng dầu, vận tải, du lịch….đều gặp khó vì Covid – 19
Mặc dù có lãi ròng 177 tỷ đồng trong quý 2 nhưng con số này chỉ giúp PV OIL thu hẹp số lỗ ròng lũy kế 6 tháng đầu năm về mức 246 tỷ đồng và đây vẫn là con số lỗ cao trên sàn trong nửa đầu năm 2020. Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác là Thanh Lễ (TLP) cũng đã báo lỗ 114 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty là đạt 101 tỷ đồng LNST.
Kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 khiến các doanh nghiệp vận tải cũng đồng loạt báo lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm 2020. Lĩnh vực vận tải biển ghi nhận khoản lỗ 166 tỷ đồng của Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) trong khi doanh nghiệp này đã lỗ kinh niên kể từ năm 2012 đến nay. Vosco (VOS) cũng đã báo lỗ trong cả quý 1 và quý 2 của năm nay với mức lỗ lần lượt là 86 tỷ đồng và 31 tỷ đồng nâng mức lỗ nửa đầu năm 2020 lên gần 118 tỷ đồng.
Vận tải đường bộ ghi nhận khoản lỗ 128 tỷ đồng của Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) sau 6 tháng đầu năm trong khi đó Saigonbus (BSG) cũng báo lỗ 119 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.
Trong lĩnh vực du lịch ghi nhận khoản lỗ lớn của Du lịch Phú Thọ (DSP) – chủ sở hữu công viên văn hóa Đầm Sen báo lỗ ròng 145 tỷ, giảm mạnh so với mức lợi nhuận 42 tỷ đồng của nửa đầu năm 2019. Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (BDP) cũng báo lỗ ròng gần 149 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần khoản lỗ của nửa đầu năm 2019.
Đáng chú ý nhóm doanh nghiệp này đều dự tính kịch bản lỗ trong năm 2020 trong đó VST dự tính lỗ tới 273 tỷ đồng trong khi đó DSP đã vượt xa dự tính lỗ 25 tỷ đồng trong năm 2020.
Lỗ lớn không phải vì Covid – 19
Trong khi nhiều doanh nghiệp giải trình lỗ là do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 thì nhóm doanh nghiệp này có lẽ khó khăn đã diễn ra từ trước khi có dịch bệnh. Đầu tiên phải kể đến trường hợp của Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB), doanh nghiệp này báo lỗ ròng 6 tháng lên tới gần 693 tỷ đồng cao gấp hơn 3 lần mức lỗ trong nửa đầu năm 2019 trong khi năm nay doanh nghiệp này dự tính lỗ khoảng 1.132 tỷ đồng, trước đó DHB đã lỗ liên tiếp kể từ năm 2015 đến nay.
Tình hình cũng rất tệ tại Pomina (POM) khi doanh nghiệp thép này báo lỗ thêm 49 tỷ đồng trong quý 2 và ghi nhận quý thứ 6 liên tiếp không thể kinh doanh có lãi, đồng thời nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 lên gần 144 tỷ đồng kém nhất trong 6 năm trở lại đây.
Sau khi liên tục báo lỗ hoặc chỉ lãi rất thấp COMA18 (CIG) đã lỗ lớn 136 tỷ đồng trong quý 2 khiến 6 tháng lỗ gần 136 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 chỉ lỗ 2,6 tỷ đồng. Hiện CIG đã tạm thời dừng hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng – những lĩnh vực trước đây vốn là thế mạnh của công ty do thời gian dài đã không hoạt động hiệu quả.
Một doanh nghiệp thép khác là Đại Thiên Lộc (DTL) cũng đã báo lỗ 101 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 do áp lực cạnh tranh tăng cao. Kinh doanh liên tục sa sút, đã tính đến phương án hủy niêm yết tự nguyện song bị cổ đông nhỏ lẻ phủ quyết, thay đổi vị trí chủ chốt, giao dịch cổ phiếu thời gian gần đây liên tục biến động là những vấn đề liên tục xảy ra trong thời gian qua ở DTL.
Tương tự tại Đức Quân Fortex (FTM), doanh nghiệp này đã báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp nâng mức lỗ 6 tháng đầu năm 2020 lên hơn 101 tỷ đồng. Trên sàn cổ phiếu FTM từng dính nghi án cổ phiếu bị thao túng giá, hiện giá cổ phiếu FTM chỉ còn 1.530 đồng/CP giảm sâu so với mức đỉnh gần 25.000 đ/CP hồi tháng 8 năm ngoái.
Những khoản lỗ lớn đáng chú ý khác
Tài nguyên Masan (Masan Resources – MSR) đã báo lỗ ròng kỷ lục trong quý 2 do giá vonfram và các mặt hàng của mỏ Núi Pháo kinh doanh dưới giá vốn – Đây cũng là mức lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động của MSR khiến lỗ 6 tháng đẩy lên tới 389 tỷ đồng. Tuy nhiên tại đại hội đại diện MSR cho rằng: “Covid-19 có thể khiến mọi thứ trì trệ nhưng trước sau thị trường cũng hồi phục lại, nhu cầu tiêu thụ các vật liệu công nghệ cao sẽ trở lại. Kế hoạch 2020 chắc chắn sẽ đạt được, dù có thể sẽ có nhiều thách thức”. Năm nay MSR dự tính lãi từ 200 – 500 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai (DLG) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ lớn 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 257 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 49 tỷ đồng và khiến mục tiêu lãi 80 tỷ đồng trong năm 2020 trở lên đầy thách thức đối với DLG. Vấn đề của DLG đến từ việc doanh nghiệp này phải trích lập một số tiền lớn cho chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Điện lực Khánh Hòa (KHP) cũng có khoản lỗ cao bất thường trong lịch sử hoạt động lên đến 230 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 khi cùng kỳ chỉ lỗ 40 tỷ đồng. KHP cho biết riêng việc thực hiện giảm/miễn giá điện đến hết tháng 6/2020 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid – 19 theo quy định của nhà nước là hơn 92 tỷ đồng.
Học viên không đến lớp vì Covid-19 khiến Apax Holdings (IBC) – đơn vị sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English báo lỗ 168 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 dù thế thì doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu có lãi 75 tỷ đồng trong năm nay.
FLC Faros báo lỗ lớn 150 tỉ đồng trong quí 2 – ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên trong vòng ít nhất 4 năm trở lại đây. Lãi mỏng trong quý 1 khiến ROS báo lỗ ròng 6 tháng 150 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ báo lãi 69 tỷ đồng. Công ty cho biết kết quả kinh doanh sa sút là do đại dịch COVID-19 hoành hành.
Than Núi Béo – Vinacomin (NBC) báo lỗ ròng hơn 139 tỷ đồng trong quý 2 – Đây cũng là khoản lỗ cao nhất theo quý trong lịch sử hoạch động của NBC khiến 6 tháng doanh nghiệp than này phải chịu lỗ 138,5 tỷ đồng.
Cuối cùng là khoản lỗ gần 100 tỷ đồng của Thủy điện Hủa Na do bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến thời tiết bất thường, hạn hán xảy ra trên diện rộng khiến lưu lượng nước về hồ trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục ở mức rất thấp so với trung bình cùng kỳ nhiều năm do vậy doanh thu giảm. Năm 2020, HNA đặt mục tiêu đạt hơn 72 tỷ đồng LNTT.
Có thể thấy những khoản lỗ lớn đến trong nửa đầu năm 2020 hầu hết được các doanh nghiệp giải trình là do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, sự biến động của giá xăng dầu, tuy nhiên không ít trong số đó đến hiệu quả hoạt động kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)