Vinachem lỗ hơn 2.000 tỷ sau thuế năm 2020, mỗi ngày ‘oằn lưng’ trả lãi 7,3 tỷ đồng gánh nặng công ty con, kiểm toán ngoại trừ hàng loạt

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.

Theo đó, doanh thu bán hàng năm 2020 của Vinachem đạt 38.429 tỷ đồng, giảm 8,24% so với năm trước. 

Doanh thu tài chính đạt 374 tỷ đồng, giảm 44,7% so với năm trước trong khi chi phí tài chính lên tới 2.555,7 tỷ đồng, tăng 11,9% năm 2019. Tính ra mỗi ngày Vinachem “cõng” trên lương 7,3 tỷ đồng tiền lãi vay trong đó có nhiều khoản vay bảo lãnh cho các công ty con đang lỗ nặng và không có khả năng trả nợ.

Lãi từ công ty liên kết chỉ đạt 43 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước, trong khi các khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết hơn 1.000 tỷ cho thấy các khoản đầu tư không hiệu quả.   

Chi phí bán hàng trong năm của Vinachem đạt 2.329 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ so với năm trước, chi phí quản lý doanh nghiệp 1.588 tỷ đồng, tăng 130 tỷ so với năm trước.

Hoạt động kinh doanh chính của Vinachem lỗ 1.463 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 668 tỷ đồng.

Tập đoàn còn có khoản lỗ khác hơn 190 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 92 tỷ đồng.

Kết quả, Vinachem lỗ trước thuế 1.655 tỷ đồng, lỗ sau thuế 2.010,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ 2.246 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinachem

Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Vinachem đạt gần 49.800 tỷ đồng, giảm hơn 4.500 tỷ so với đầu năm. Vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2020 là 11.874 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 5.393 tỷ đồng.

Tập đoạn có 34.282 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 1.650 tỷ so với đầu năm. Trong đó nợ ngắn hạn ngân hàng 13.907 tỷ đồng, nợ dài hạn 8.206 tỷ đồng, giảm lần lượt 332 tỷ và 2.952 tỷ so với đầu năm.

Nợ ngắn hạn của tập đoàn tại thời điểm 31/12/2020 lên tới 25.818 tỷ đồng, cao hơn tài sản ngắn hạn 18.852 tỷ đồng cho thấy Vinachem có thể gặp vấn đề về vốn lưu động. Tập đoàn có 2.600 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, với 1.830 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Hàng tồn kho hơn 8457 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ so với đầu năm.

Kiểm toán AASC đã phải đưa ra ý kiến ngoại trừ hàng loạt với báo cáo kiểm toán của Vinachem. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2020, 4 công ty con của Vinachem là công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 – Vinachem, CTCP Phân đạm và hoá chất Hà Bắc, CTCP Phân bón và hoá chất Cần Thơ có nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế làm âm vốn chủ sở hữu. 

Kiểm toán cho rằng có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại 4 công ty nêu trên. Kiểm toán không thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp về kế hoạch dòng tiền cho 12 tháng tới cũng như các bằng chứng cho thấy các đơn vị trên có khả năng trả nợ các khoản nợ đến hạn và đã quá hạn.

Các khoản vay của Vinachem cho công ty Đạm Ninh Bình vay lại nhưng công ty này không trả được nợ cho tập đoàn mẹ. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là “nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm)” đã tạm bàn giao cho công ty Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán, số dư nợ gốc quá hạn là gần 1.310 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 771 tỷ đồng.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *