Vingroup chi 450 tỷ đồng và đặt cọc 2.700 tỷ đồng mua công ty khai thác tài nguyên

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020, Tập đoàn Vingroup ( HoSE: VIC ) có 104 công ty con, tăng 13 đơn vị so với thời điểm cuối năm ngoái.

Trong số các công ty mới gia nhập hệ sinh thái đa ngành của Vingroup, Tập đoàn chi 450 tỷ đồng mua toàn bộ cổ phần của CTCP Hương Hải – Quảng Ngãi. Doanh nghiệp khai thác mỏ và khoáng sản đã trở thành công ty con của Vingroup sau giao dịch ngày 18/3.

Công ty Hương Hải – Quảng Ngãi được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ ban đầu 19,8 tỷ đồng, hoạt động trong các ngành như sản xuất xi măng, vôi, thạch cao, bê tông; khai thác quặng, đá, cát… Đến đầu năm nay, vốn điều lệ công ty tăng lên 32,5 tỷ đồng. Bà Nguyễn Mai Hoa, Thành viên HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN) – thành viên của Vingroup trở thành Chủ tịch HĐQT Hương Hải – Quảng Ngãi kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Ngoài Hương Hải – Quảng Ngãi, Vingroup cũng đặt cọc 2.700 tỷ đồng cho đối tác để mua cổ phần trong một công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Khoản đặt cọc này không có lãi suất, được đảm bảo bởi một số cổ phiếu của công ty không niêm yết.

Đến tháng 4, Vingroup mua 61% tỷ lệ sở hữu trong CTCP Giải pháp công nghệ thông tin và hạ tầng truyền dẫn VinITIS với giá 86 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu lên 80%. Tổng giá phí mua VinITIS là 113 tỷ đồng, bao gồm cả giao dịch mua 19% cổ phần trước đây. Hoạt động của VinITIS là xử lý dữ liệu, cho thuê hạ tầng phát sóng di động, mạng thoại, truyền hình và các hoạt động liên quan. Tại ngày 30/6, tập đoàn đang trong quá trình xác định giá trị hợp lý tại ngày mua tài sản, nợ phải trả hoặc nợ tiềm tàng và giá phí hợp nhất kinh doanh có thể xác định được từ VinITIS.

Với mảng kinh doanh đóng góp nhiều doanh thu và lợi nhuận nhất là bất động sản, Vingroup có 2 giao dịch mua đáng chú ý. Cụ thể, ngày 15/5, Vingroup còn mua toàn bộ cổ phần trong CTCP Đầu tư Xây dựng Đại An với giá phí 4.600 tỷ đồng. Đại An trở thành công ty con, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Sau kỳ báo cáo, trong tháng 8, tập đoàn đã hoàn tất việc mua cổ phần với một đối tác, tương ứng 45% tỷ lệ sở hữu trong một công ty kinh doanh bất động sản với giá 2.590 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tập đoàn bán 80% tỷ lệ sở hữu trong CTCP Kinh doanh Bất động sản MV Việt Nam với tổng giá trị 8.799 tỷ đồng. Lãi từ khoản chuyển nhượng này là 7.562 tỷ đồng, được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ. Theo tìm hiểu, MV Việt Nam là công ty sở hữu các khu đất được chuyển nhượng cho Mitsubishi và Nomura Real Estate tại giai đoạn 2 dự án Vinhomes Grand Park ở quận 9, TP.HCM

Trong kỳ, Vingroup ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc. Các tài sản, hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi hợp tác chủ yếu bao gồm các hoạt động khai thác kinh doanh khách sạn, sân golf, biệt thự biển thuộc Khu du lịch sinh thái Bãi Dài và vườn thú Vinpearl Safari. Lãi từ giao dịch mua rẻ phát sinh là 267 tỷ đồng, được ghi nhận là thu nhập khác trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ.

Nửa đầu năm, Vingroup đạt 38.727 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 37% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.484 tỷ đồng, tăng 84 tỷ đồng. EPS tương ứng 768 đồng.

Vay nợ tài chính đạt 138.403 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,12 lần. Hàng tồn kho vào khoảng 82.724 tỷ đồng, bằng 19% tổng tài sản, chủ yếu là bất động sản để bán đang xây dựng. 

Vingroup có 460 tỷ đồng nợ xấu là các khoản phải thu thương mại, trả trước cho nhà cung cấp, phải thu gốc và lãi cho vay đã quá hạn thanh toán. Số tiền này tăng 20% so với đầu năm, có thể thu hồi khoảng 11 tỷ đồng.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *