Wee Digital, startup được thành lập vào năm 2018 bởi Christian Nguyễn áp dụng sinh trắc học trong lĩnh vực tài chính hôm nay thông báo họ đã gọi vốn thành công khoản đầu tư bảy chữ số từ quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc InterVest và VinaCapital Ventures. Khoản đầu tư mới sẽ cho phép Công ty mở rộng thị trường và phát triển hơn nữa các sản phẩm và dịch vụ đột phá trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
“Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với InterVest vào tháng Tư, tuy nhiên nhờ vào có chung sự tin tưởng và tầm nhìn về tiềm năng thị trường to lớn cũng như nền tảng công nghệ của Công ty, chúng tôi đã có thể thực hiện khoản đầu tư rất nhanh chóng”, ông Christian Nguyễn, Nhà sáng lập và kiêm Giám đốc Điều hành của Wee Digital chia sẻ.
Đây là khoản đầu tư đầu tiên của InterVest vào thị trường Việt Nam, trong khi VinaCapital Ventures đã đầu tư vào Wee Digital từ vòng đầu tiên.
Sau khi nhận được vốn từ VinaCapital Ventures, Wee Digital tăng trưởng theo cấp số nhân và trở thành một trong số ít các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á huy động vốn tiếp theo thành công trong thời kỳ Covid-19.
Ông Don Lam, Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành của Tập đoàn VinaCapital chia sẻ, “Thị trường khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút ngày càng nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi rất vui khi InterVest chú ý đến Wee Digital, một trong những công ty khởi nghiệp tiềm năng nhất Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ Tài chính. Công ty sở hữu những đặc điểm mà các nhà đầu tư thường tìm kiếm trong giai đoạn đầu khởi nghiệp: một người sáng lập đầy tham vọng và giàu kinh nghiệm, năng lực thực thi mạnh mẽ, sản phẩm đột phá và một thị trường rộng lớn chưa được khai thác.”
Christan Nguyễn sinh ra tại Tp.HCM, 2 tuổi theo gia đình sang sinh sống tại Paris vì có ông nội là người Pháp. Christan Nguyễn lớn lên ở Paris, theo học ngành công nghệ và ra trường làm cho một công ty viễn thông tại Pháp. Đầu những năm 2000, công ty cử Christan Nguyễn sang Trung Quốc nghiên cứu thị trường và 2005, Christan Nguyễn về VN bắt đầu lập công ty đầu tiên Sycamore, nghĩa là Cây sung. Trước khi làm Wee, Christian Nguyễn đã triển khai một số dự án. Nổi bật trong đó là dự án Element 5 bán cho Millennium Penata Futures, một sàn Forex lớn ở Indonesia. Và đồng sáng lập nền tảng OffPeak, đặt bàn ăn vào giờ thấp điểm, hoạt động ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. OffPeak nhận được đầu tư từ Gobi Partners, Yahoo Japan Ventures… Anh thoái vốn khỏi OffPeak từ 2017.
Cuộc gặp 30 phút với tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Wee Digital (chữ Wee được ghép từ chữ Chúng ta trong tiếng Anh – we – và chữ e là Experience, trải nghiệm của khách hàng) được thành lập năm 2018 nhưng đội ngũ của Christan Nguyễn đã bắt đầu từ 15 năm trước, từ thời làm công ty Sycamore. Nhận thấy thị trường fintech của Việt Nam rất tiềm năng khi 95% dân số vẫn đang thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, Christan Nguyễn đã sử dụng các thuật toán để áp dụng sinh trắc học trong việc nhận diện khuôn mặt trong ngành tài chính. Wee Digital đã giành ngôi quán quân trong cuộc thi Fintech Challenge do Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức.
Một lần, Christan Nguyễn đã tìm gặp tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup và được ông Vượng cho 30 phút để trình bày. Khi đó, toàn bộ hệ thống Vinpearl đang áp dụng hệ thống thẻ tích hợp dữ liệu, tức là chỉ cần với một tấm thẻ, khách hàng có thể sử dụng mọi dịch vụ của Vinpearl, từ mở cửa phòng, dịch vụ nhà hàng giải trí vui chơi…Tuy nhiên với công nghệ của Wee Digital, sau lần check in đầu tiên, khuôn mặt của khách hàng được nhận diện và khách hàng có thể đi mọi nơi mà không cần mang thẻ.
Theo Christan Nguyễn, cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng đang là câu thần chú của nhiều ngành: “Ví dụ tôi từng đi nghỉ ở Vinpearl, khi quay lại, vừa bước chân tới sảnh, camera đã nhận biết và ngay lập tức gửi thông tin chi tiết về sở thích, loại dịch vụ, món ăn…tới lễ tân. Lễ tân sẽ chuyển thông tin tới bộ phận quầy bar, bếp, spa hay tất tần tật các loại dịch vụ khác để đem tới cho tôi sự hài lòng nhất có thể. Đó chính là cá nhân hóa trong dịch vụ”.
Face to Pay: Thanh toán trong 5 giây
“Khuôn mặt của mỗi người là password được cá nhân hoá nhất. Với công nghệ hiện tại, chắc chắn việc làm giả một khuôn mặt để ứng phó nhận dạng sinh trắc học, khó hơn nhiều so với giả giấy tờ hay thậm chí truy cập trái phép (hackers). Với dấu vân tay, chúng ta có các điểm dữ liệu trên bề mặt khoảng 1 cm. Khuôn mặt có diện tích ít nhất là 20×20 cm. Vì vậy, về mặt thống kê, xác suất xác định sai là cực kỳ thấp. Các thuật toán hoạt động với độ chính xác 99.97%.”, Christan Nguyễn từng chia sẻ với truyền thông.
Face to Pay, một công nghệ của Wee Digital đang được triển khai để áp dụng giải pháp sinh trắc học cho một loạt các dịch vụ ngân hàng và cung cấp cho người dùng trải nghiệm ngân hàng liền mạch và dễ dàng. Người dùng mỉm cười trong 5 giây là có thể thanh toán.
“Trọng tâm công việc của chúng tôi là đơn giản hóa quá trình nhận dạng và xác minh danh tính”, Christan Nguyễn chia sẻ với truyền thông.
Hiện nay Wee Digital đang hợp tác với Vietinbank triển khai hệ thống Smart Digital Branch (SDB) – Chi nhánh số hoá thông minh. Đây là dự án ứng dụng công nghệ sinh trắc học sâu (deep biometrics) vào hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam. Thông tin khuôn mặt và vân tay sẽ tích hợp với các thông tin tài khoản của khách hàng giúp các chi nhánh ngân hàng dễ dàng phân luồng khách hàng, giảm chi phí nhân lực, đảm bảo độ chính xác khi xác định nhân dạng khách hàng, chữ ký chỉ còn là một thủ tục nhẹ nhàng khi hai bên đã thừa độ tin cậy lẫn nhau.
Về phía khách hàng, thời gian giao dịch tại chi nhánh trung bình được rút bớt 60% nhờ giảm bớt các thủ tục giấy tờ, xác thực khuôn mặt và vân tay với các giao dịch tiền mặt tại quầy. Trải nghiệm của từng khách hàng được cá nhân hóa hoàn hảo khi các nhân viên ngân hàng đã nhận ra họ khi họ còn chưa bước vào quầy thực hiện giao dịch.
Mục tiêu của Wee Digital hướng tới trong tương lai là ngành bán lẻ. Trong 5-10 năm tới, hệ sinh thái cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam sẽ phát triển như ở Thái Lan và Hàn Quốc hiện nay. Biết đâu một ngày nào đó, Việt Nam sẽ giống như Amazon Go, người dùng vào siêu thị mua sắm và đi ra mà không cần thanh toán tại quầy. Hệ thống “Amazon Go” sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID) để phát hiện khi người mua lấy một món hàng trên kệ, và sau đó đồng bộ hóa dữ liệu với điện thoại cầm tay.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)