Bức tranh gần 70 triệu USD được lấy làm ví dụ cho tiềm năng ứng dụng của Blockchain tại tọa đàm của BUV

Với đại đa số người Việt Nam, Blockchain được gắn chặt với tiền số mà nổi tiếng nhất là Bitcoin. Với cú sốt tiền số hiện tại, người ta càng dễ quên đi vai trò thực sự của công nghệ blockchain mà chỉ đổ dồn vào giá trị của tiền số. Ngay cả một bộ phận những người tìm hiểu, nghiên cứu về công nghệ Blockchain cũng dễ sa đà vào tiền số khi cơn sốt hiện nay là vô cùng lớn.

Trong khi đó, những người muốn thực sự tìm hiểm về Blockchain và những ứng dụng của nó lại khó tìm thấy những nơi đáng tin cậy để nắm bắt được những thông tin đầy đủ và toàn diện. Đó cũng là lý do ông Đỗ Văn Long đánh giá rất cao việc trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức một buổi tọa đàm về xu hướng tương lai và ứng dụng của Blockchain cho các học viên MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) về công nghệ này.

“Trường BUV rất cấp tiến. Việc cung cấp cho các bạn đang theo học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh những kiến thức cơ bản nhất về công nghệ Blockchain sẽ giúp họ có được nền tảng để đào sâu nghiên cứu cũng như tìm cách ứng dụng nó trong tương lai”, ông Long chia sẻ.

Trong nội dung buổi tọa đàm, một trong những khả năng của công nghệ Blockchain được ông Đỗ Văn Long nhấn mạnh nhất chính là tính xác thực tin cậy và minh bạch của Blockchain. Lấy ví dụ về bức tranh độc bản có tên “Everydays – The First 5000 Days” của họa sĩ Beeple vừa được bán với giá gần 70 triệu USD, ông Long cho biết việc khẳng định một người duy nhất sở hữu bức tranh bằng công nghệ Blockchain đã khiến giá trị của nó tăng cao dù ai cũng có thể chiêm ngưỡng nó và tải về từ Internet.

Trở lại với tình hình Việt Nam, ông Long chia sẻ việc sử dụng Blockchain để xác định nguồn gốc sản phẩm có thể giải quyết nhiều bài toán khó mà người Việt Nam đang gặp phải. Hiện tại, công nghệ Blockchain đã được sử dụng để giúp người mua truy tìm nguồn gốc những quả xoài được bán trên thị trường.

“Người trồng sẽ không còn lo ngại sản phẩm của mình bị làm nhái trong khi người mua cũng sẽ không sợ mua phải hàng giả”, ông Long cho biết những ưu điểm của công nghệ này có thể khiến chúng trở nên phổ biến bởi người dùng đang ngày càng có xu hướng chọn lựa những sản phẩm mà họ biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của chúng.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ Blockchain có thể phát huy vai trò trong hàng loạt các lĩnh vực khác như tài chính ngân hàng, logistics hay cả “hộ chiếu Covid” nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch. Vị chuyên gia này nhấn mạnh tính xác thực và không thể bị chỉnh sửa của Blockchain khiến nó trở nên đặc biệt hữu ích trong những trường hợp này.

“Trong lĩnh vực vận tải, người ta có thể có tạo ra phiếu giao hàng Blockchain với khả năng cung cấp đầy đủ thông tin nhất về lô hàng hóa được giao nhận. Với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Blockchain có thể thay thế bảo lãnh thanh toán bằng Smart Contract (Hợp đồng thông minh), cho phép việc thực hiện thỏa thuận và thanh toán theo quy trình định sẵn và không thể sửa đổi, tránh được những tranh cãi không cần thiết”, ông Long chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lao đao, công nghệ Blockchain có thể giúp ích trong việc tạo ra những tấm Hộ chiếu Covid, trong đó chứa đựng thông tin về tình trạng sức khỏe của một người cũng như các phiếu xét nghiệm âm tính hay chứng thực đã tiêm vắc xin nhưng vẫn bảo đảm quyền riêng tư của người dân do dữ liệu đều được mã hóa bảo mật. Với Blockchain, bài toán khó về tính tin cậy được giải nhanh chóng.

Sự kiện được dành riêng cho các học viên MBA tại BUV.

Trước câu hỏi của các học viên MBA về Blockchain xung quanh các thông tin như chậm hay tốn nhiều năng lượng, ông Đỗ Văn Long cho biết công nghệ này đang được nâng cấp từng ngày và tốc độ xử lý giao dịch ở thời điểm hiện tại đã nhanh hơn đáng kể. Trong khi đó, việc khai thác Blockchain tốn năng lượng có vẻ chỉ đúng với việc đào Bitcoin hoặc các loại tiền số khác, vốn được ra đời từ nhiều năm trước. Các hệ thống Blockchain cho doanh nghiệp (Enterprise Blockchain) mới đã và đang cải tiến khá lớn và có khả năng được áp dụng trên diện rộng.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết tiềm năng áp dụng công nghệ Blockchain ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa được phổ biến bởi nhiều hạn chế, từ thiếu đội ngũ chuyên gia tới khuôn khổ pháp lý chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ trong cuộc sống.

“Tình trạng này chỉ có thể được giải quyết bằng việc tạo ra các sản phẩm tốt sử dụng công nghệ Blockchain để từng bước thay đổi nhận thức xã hội và của cơ quan quản lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng hệ chống chuyên gia về Blockchain nhằm phổ biến rộng rãi công nghệ này tới mọi người. Những sự kiện như buổi hội thảo hôm nay của BUV cũng sẽ giúp ích rất nhiều”, ông Đỗ Văn Long chia sẻ.

Tọa đàm “Xu hướng tương lai và ứng dụng của công nghệ Blockchain trong kinh doanh” là một trong những sự kiện dành riêng cho học viên MBA tại BUV, nhằm đem lại những kiến thức kinh doanh thực tiễn bổ trợ cho chương trình học, đồng thời là cơ hội giao lưu, chia sẻ, học hỏi quý giá giữa học viên và các chuyên gia trong ngành.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *