CEO Hưng Thịnh Retail: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, đây là 3 cách chủ mặt bằng ứng xử khi người thuê muốn giảm giá

Bán lẻ là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch COVID-19.Trong Quý 1, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6 và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các Trung tâm thương mại, theo quan sát của CBRE Việt Nam, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80% tại các dự án. Trong đó nhiều TTTM phải đóng cửa như Saigon Center, Vivo city, Giga Mall, Crescent Mall, Nowzone, Aeon Mall, Parkson, Van Hanh Mall…trừ siêu thị và mặt hàng thiết yếu

Trước tình hình kinh doanh giảm sút, các doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng đã thương lượng với bên cho thuê để xin giảm giá thuê do tác động của Covid19.

Các chuỗi như Thế giới Di động, The Coffee House, Vua Nệm… cũng đã có động thái thương lượng giảm chi phí mặt bằng để duy trì và vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trước tình hình trên, bên cho thuê cũng có nhiều động thái. Nhiều người đã chia sẻ với các doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng. Cũng có những trường hợp im lặng.

Thấu hiểu khách thuê để chia sẻ, giảm phí thuê

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Retail- Chuyên gia trong ngành Bán lẻ đã có những chia sẻ với Trí Thức Trẻ về cách ứng xử của chủ mặt bằng đối với khách thuê mặt bằng.

Theo ông Thái Bình, trong bối cảnh Covid19 hoành hành, các doanh nghiệp thuê mặt bằng chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh thì nhiều đơn vị cho thuê đã rất nhân văn, giảm tiền thuê cho bên thuê. Tùy từng trường hợp, mỗi đơn vị cho thuê có cách chia sẻ khác nhau. Chỉ có số rất ít không giảm phí thuê hoặc cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng.

Kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, ngay cả khi không có dịch, hay những lúc khủng hoảng kinh tế, sức tiêu dùng giảm sút…đòi hỏi người cho thuê cũng phải thấu tình đạt lý, không chỉ chăm chăm cái thu lợi mà quên đi giá trị hợp tác, cái niềm tin để đồng hành cùng phát triển. Không phải cứ nguồn cung cao hơn cầu thì mới có chế độ chăm sóc đặc biệt, mà ngay cả khi ngược lại cũng vậy, rất cần có một tinh thần hợp tác dựa trên căn bản đạo đức nghề nghiệp, ông Thái Bình nhận định.

Ông Bình cho rằng có ba cách ứng xử của bên cho thuê trong trường hợp này.

Thứ nhất, đó là bên cho thuê đi trước một bước, chủ động đánh giá tình hình kinh doanh của khách thuê và đưa ra mức hổ trợ phù hợp. Với cách này, bên cho thuê sẽ nhận được sự đồng cảm nhiều hơn đối với khách thuê vì sự thấu hiểu và sẻ chia kịp thời.

Bên cạnh đó, theo CEO của Hưng Thịnh Retail, cách ứng xử này còn có lợi cho bên cho thuê. Ông Bình lý giải rằng, khi kinh doanh bết bát, doanh thu giảm sút, khách thuê có thể sẽ xin giảm ở mức cao hơn trên cơ sở đánh giá thiệt hại.

Thứ hai, các đơn vị cho thuê quan sát và lắng nghe thị trường để đi theo. Đây là cách phổ biến hiện nay. Cách này gây sự tổn thương đáng kể cho người đi thuê và nhận nhiều lời chỉ trích về việc chậm trễ này, đồng thời để lại ấn tượng không tốt cho người đi thuê, họ cho rằng bên cho thuê chỉ biết nhận và thiếu sự cảm thông, sẻ chia khi gặp khó khăn

Thứ ba, đó là im lặng hoặc cố tình kéo dài thời gian. Việc không chia sẻ kịp thời ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục kinh doanh, nếu bên thuê muốn duy trì thuê, thì mức đề xuất giảm giá cao nhất tương ứng với khả năng tài chính của họ, nếu không đáp ứng thì khả năng trả lại mặt bằng là rất cao. Trong tình hình hiện nay, việc tìm kiếm khách thuê thay thế là một việc không dễ dàng hay nói cách khác không khả thi, chưa nói các nhà đầu tư chỉ mong cắt lỗ thấp nhất có thể để mong có thể sống sót.

Với trường hợp, bên cho thuê phải đi vay ngân hàng thì bản thân bên cho thuê cũng phải tính toán đến các loại chi phí, lãi suất…. Họ cũng ở thế bi đát không thua kém gì với bên thuê. “Khi đó, bên cho thuê nên nói chuyện với người thuê để có sự đồng cảm, san sẻ. Tuy nhiên, đa số phải giảm, chấp nhận thiệt hại trong thời điểm này, lấy lại mặt bằng, tìm khách thuê là không dễ”, ông Thái Bình nhận định.

Công ty cổ phần Hưng Thịnh Retail, chủ đầu tư các TTTM ở TPHCM như Moonlight Plaza (quận Thủ Đức) và Saigon Mia (Bình Chánh), hay ở Vũng Tàu là TTTM Melody Vung Tau, cũng đã chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ giảm 20%-50% giá thuê mặt bằng khi Covid19 tác động xấu đến doanh nghiệp.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *