Làm gì để Việt Nam trở thành cường quốc mía đường thế giới?

Sức ép sau hội nhập và “tấm khiên” chống bán phá giá  

Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho thấy tổng diện tích trồng mía vụ 2019 – 2020 là 182.599 ha, giảm 18,4% so với vụ trước. Đây cũng là niên vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 năm gần đây (tính từ niên vụ 1999 – 2000).

Cũng trong niên vụ này, Việt Nam chỉ còn 29/40 nhà máy đường hoạt động. Và sẽ có thêm bốn nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa.

Những thiệt hại đó chủ yếu là do gian lận thương mại của đường nhập khẩu, đặc biệt là đường bán phá giá xuất phát từ Thái Lan được nhập ồ ạt vào Việt Nam. Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2020, nước ta đã nhập gần 860.000 tấn đường Thái Lan (tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019) với giá chỉ vào khoảng 334 USD/tấn. Mức này không chỉ rẻ hơn giá bán tại thị trường nội địa Thái Lan đang là 755 USD/tấn mà còn thấp hơn cả chi phí sản xuất đường, khoảng 410 USD/tấn. Chưa kể đến gói hỗ trợ 1,3 tỷ mỗi năm của chính phủ Thái lan dành cho ngành đường nước này.

Trước những bằng chứng rõ ràng về việc bán phá giá, trợ cấp giá của đường nhập khẩu từ Thái Lan, ngày 09/02/2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 477/QĐ-BCT để áp thuế Chống bán phá giá, Chống trợ cấp tạm thời với đường có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, mức thuế gộp của thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường tinh luyện là 48.88% và đường thô là 33.88%. Đây là một quyết định phù hợp với luật pháp quốc tế và WTO để bảo vệ ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía là việc làm tất yếu, chính đáng.

Định hướng phát triển bền vững ngành mía hậu thuế chống bán phá giá

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời này được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực. Dự kiến, sau khi áp thuế, giá đường nhập khẩu tăng. Đường nội địa được cạnh tranh bình đẳng, giúp doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới…. Nhờ vậy mà tăng giá thu mua mía, giúp nông dân tăng thu nhập, an tâm trồng trọt. Nông dân tăng động lực để cải thiện năng suất, giữ gìn và phát triển sinh kế của bản thân.

Ông Lê Công Thanh ở xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai cho biết: Thuế chống bán phá giá được áp dụng kịp thời với mức áp dụng cho đường tinh luyện là 48.88% và đường thô 33.88% đối với các sản phẩm đường từ Thái Lan đã tạo điều kiện để nhà máy hoạt động ổn định. Nhờ vậy mà 10 ha mía của ông mùa vụ 2021 này đã nhà máy Đường An Khê thu mua tại ruộng với giá 900,000đ/ tấn, tăng hơn 100,000đ so với mấy vụ trước nên gia đình có lãi. Gia đình ông cũng có điều kiện để đón một cái tết “ngọt” và ấm hơn mọi năm.

Thuế chống bán phá giá hiện nay đang nhận được sự ủng hộ và đồng tình của đông đảo xã hội nhưng nếu các doanh nghiệp nảy sinh tâm lý ỷ lại, bị động, nông dân chủ quan, trồng hàng loạt sẽ “lợi bất cập hại”, mía đường Việt sẽ dần dần suy giảm sức cạnh tranh của ngành.

Mặt khác, khi có thuế chống bán phá giá, thị trường đường được bình ổn, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu chính có nguồn cung chất lượng và ổn định, người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm an toàn với mức giá hợp lý.

Ngoài ra, nếu giá đường tăng mà sản xuất nội địa không đủ đáp ứng sẽ làm gia tăng tình trạng đường lậu, gây thất thu thuế, hỗn loạn thị trường. Vì vậy, đi kèm với thuế chống bán phá giá là sự vào cuộc nghiêm túc, mạnh mẽ của các cơ quan chức năng nhằm chặn đứng nạn buôn lậu đường, thiết lập trật tự thị trường minh bạch, đúng luật và tránh thất thu thuế của nhà nước.

Nhiều cơ hội cho tương lai ngành mía đường Việt Nam

Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp đường Việt rộng cửa ra cạnh tranh quốc tế

Việt Nam hội nhập kinh tế, nhu cầu thị trường quốc tế tăng cao, dịch bệnh được kiểm soát đã tạo nhiều cơ hội cho ngành mía đường trong nước. Đặc biệt là triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU khi sản lượng đường nhập khẩu của thị trường này trong niên vụ 2020 – 2021 ước đạt 3,0 triệu tấn, tăng 43% so với dự báo cũ là 2,1 triệu tấn (theo USDA).

Để làm được điều đó, ngoài thuế chống bán phá giá, ngành mía đường cần đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm để đáp ứng những yêu cầu đa dạng của thị trường.

Ở góc độ quản lý, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật… nhất là thúc đẩy việc cải tiến công chệ chế biến thân thiện với môi trường, nghiên cứu tận thu phế phẩm (bã mía, lá mía…) để tăng giá trị cây mía.

Càng ý thức sớm và hành động sớm, mía đường Việt Nam càng có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện, đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các cường quốc mía đường.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *