Phó Tổng Giám đốc Đầu tư Dragon Capital: Khi Ấn Độ, Indonesia đang đóng cửa vì nhiều ca nhiễm, nếu Việt Nam mở cửa sớm hơn sẽ rất tốt

Tại buổi tọa đàm Chiến lược quản lý khủng hoảng do Andeavor Việt Nam tổ chức sáng nay ngày 20/4, các chuyên gia đã đưa ra nhận định ngành du lịch gần như “tê liệt” làm nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn cạn vốn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, du lịch sẽ là nhu cầu không thể thiếu khi đại dịch qua đi và đó là cơ hội vực dậy cho ngành du lịch.

Ông Lê Anh Tuấn, tiến sĩ kinh tế – Phó Tổng Giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital

Du lịch sẽ bùng nổ sau dịch Covid-19 nhưng nội địa – Đông Nam Á sẽ mạnh mẽ hơn

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hơn 90% số công ty lữ hành nhỏ và vừa hiện đã tạm ngưng hoạt động, một số công ty chỉ bố trí nhân sự trực tại trụ sở, số khác hoạt động cầm chừng. 

Theo số liệu thống kê, tháng 3/2020, lượng khách quốc tế đến TPHCM giảm hơn 84%, doanh thu du lịch giảm 71%. Tính đến hết quý 1 năm nay, trong tổng số hơn 28.000 nhân viên làm việc trong các cơ sở lưu trú, có đến hơn 20.000 người không còn việc làm, phải nghỉ việc hẳn hoặc tạm thời ngừng việc.

Ông Lê Anh Tuấn, tiến sĩ kinh tế – Phó Tổng Giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital, cho rằng dịch vụ là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt dịch này, trong đó có du lịch. Cụ thể, khách du lịch vào Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu lượt/tháng trước Covid-19 nhưng nay con số đó gần như bằng 0.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng Covid-19 khiến thu nhập bình quân giảm, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì cơ cấu tiêu dùng chính để sử dụng dịch vụ là từ những người có thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng, không phải những người có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Do đó, theo ông, nếu kiểm soát được dịch thì dịch vụ, du lịch sẽ bùng nổ trở lại vì bị kìm nén quá lâu.

Ông David Đỗ, Giám đốc điều hành VIGROUP lo ngại rằng không biết còn bao nhiêu hãng hàng không còn sống sau Covid-19. Hàng không ở Việt Nam đang lỗ nặng vì chi phí cố định quá cao. Ở Mỹ cũng vậy và chính phủ nước này đang phải có những biện pháp đã hỗ trợ nhanh cho ngành hàng không.

Ông David Đỗ, Giám đốc điều hành VIGROUP

“Du lịch trong vùng và nội địa sẽ quay lại nhanh hơn du lịch quốc tế”, ông David Đỗ nhận định. Ông cho rằng, nhiều chính phủ sẽ không muốn mở cửa chừng nào những người vào quốc gia họ có hộ chiếu y tế, nghĩa là chứng minh được rằng họ miễn nhiễm với dịch. Và điều này, để quản lý được thì hơi khó. Do đó, du lịch trong nước và khu vực Đông Nam Á sẽ phát triển nhanh hơn du lịch quốc tế sau đại dịch.

Ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO FPT, cho rằng do bị kìm nén lâu nên dịch vụ, du lịch sẽ bùng nổ và vấn đề là doanh nghiệp chuẩn bị như thế nào để nắm bắt được cơ hội phát triển sau đại dịch.

Cơ hội cho nhiều ngành khác như IT, sản xuất, logistics

Một câu hỏi đặt ra trong hội thảo là, liệu Việt Nam có phải là quốc gia được hưởng lợi, là điểm đến của các nhà đầu tư sau Covid-19.

Ông David Đỗ cho rằng niềm tin của nhà đầu tư đối với Trung Quốc bị giảm sút và ngành sản xuất của quốc gia này bị ảnh hưởng nhiều vì Covid-19. Việt Nam được lợi vì sản xuất giảm ở Trung Quốc, một phần chảy qua châu Âu, đặc biệt đối với các ngành liên quan y tế. Vấn đề là Việt Nam có mở được đường bay nhanh đến Hàn Quốc, Nhật Bản – các quốc gia vốn ủng hộ sản xuất tại Việt Nam hay không.

Về nội lực, Việt Nam rất mạnh về công nghệ thông tin (IT). Ông David Đỗ hy vọng IT sẽ phát triển mạnh mẽ và nhà đầu tư sẽ dồn vốn cho Việt Nam nhiều hơn sau khi quan sát các nước trong khu vực như Indonesia kiểm soát dịch rất kém. “IT của Việt Nam tốt và quản lý dịch cũng tốt”, nhà đầu tư đến từ VIG nhận định.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng FDI quan trọng nhưng không phải động lực tăng trưởng chính tại Việt Nam. Ông đưa ra con số rằng các doanh nghiệp FDI thuê khoảng 4,8 triệu lao động trong khi tổng số lao động ở Việt Nam khoảng 61 triệu, chỉ chiếm khoảng 8%. Động lực tăng trưởng chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa SME. Và vấn đề chính là cơ sở vật chất, giao thông tốt sẽ giảm chi phí logistics, tạo điều kiện cho động lực tăng trưởng chính. 

Một điểm nữa mà ông Anh Tuấn đưa ra đó là các quốc gia cạnh tranh về xuất khẩu như Indonesia và Ấn Độ, họ đang đóng cửa và số ca nhiễm nhiều. Nếu Việt Nam mở cửa sớm hơn và mở rộng được logistics thì rất tốt. Tuy nhiên, logistics thực hiện trong ngắn hạn thì khó.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *